Bầu cử Mỹ 2024: Lộ diện 'điểm nóng' đầu tiên, Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump - Ai đúng?

Để đối phó với trận 'động đất' kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, chính phủ Mỹ đã bơm khoảng 4.000 tỷ USD vào nền kinh tế để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. (Nguồn: Getty)

Vị thế kinh tế của Mỹ trên thế giới đang trở thành điểm nóng đầu tiên trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2024.

Mới nhất, trên chương trình Today của NBC, ông Biden khẳng định: "Mỹ có nền kinh tế tốt nhất thế giới".

Về phía cựu Tổng thống Trump, ông thường xuyên mô tả, "Mỹ như một vùng đất hoang thương mại".

Ông từng nói tại một cuộc vận động ở Georgia rằng: “Chúng ta là một quốc gia có nền kinh tế đang sụp đổ, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, không có hàng dự trữ...".

Tuy vậy, theo CNBC, những con số lại vẽ nên một bức tranh khác, phù hợp với câu chuyện của Tổng thống Biden về sự thống trị kinh tế của Mỹ hơn là những cảnh báo của ông Trump.

Bức tranh hoàn hảo

Lạm phát - điều khiến ục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đau đầu nhiều năm qua - đã giảm mạnh so với mức cao nhất năm 2022. Trong khi đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 2,5% vào năm 2023, vượt xa đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác.

ỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến Mỹ giữ vị trí dẫn đầu vào năm 2024, mặc dù GDP sẽ giảm xuống 2,1%.

Hai nền kinh tế tiên tiến lớn khác là Canada và Đức tụt lại phía sau với mức tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt là 1,1% và âm 0,3%.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody nói: “Kinh tế Mỹ đang dẫn đường và thúc đẩy đoàn tàu kinh tế toàn cầu".

Khi theo dõi tình trạng lạm phát của Washington, các nhà kinh tế cho rằng, những con số vẫn còn nóng ở các nền kinh tế phát triển trên toàn thế giới. Ví dụ ở Canada, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,9% vào năm 2023. Trong khi ở Đức, tỷ lệ lạm phát là 5,9%.

Ông Zandi nhận thấy, ngay cả khi điều chỉnh những khác biệt trong tính toán lạm phát, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ổn. Ngay cả khi lãi suất tăng vọt, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.

Vào tháng 3, các công ty tư nhân của xứ cờ hoa đã bổ sung thêm 184.000 việc làm, vượt xa ước tính của Dow Jones là 155.000 việc làm. Đây là mức tăng trưởng việc làm nhanh nhất mà nền kinh tế Mỹ từng chứng kiến kể từ tháng 7/2023.

Không chỉ thế, thị trường chứng khoán cũng đạt mức tăng kỷ lục trong vài tháng qua và giá nhà đất tăng vọt.

"Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là một bức tranh hoàn hảo", ông Zandi khẳng định.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Nguồn: NBC)

Có yếu tố may mắn?

Sự vượt trội gần đây của nền kinh tế Mỹ là kết quả của một số yếu tố.

Nhà kinh tế Joseph Gagnon của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington cho biết: “Những yếu tố đó bao gồm cả chính sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự may mắn”.

Để đối phó với trận "động đất kinh tế" do đại dịch Covid-19 gây ra, chính phủ đã bơm khoảng 4.000 tỷ USD vào nền kinh tế để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nhà kinh tế Josh Gotbaum, cựu quan chức Nhà Trắng cho hay: “Chúng tôi có nhiều biện pháp kích thích tài chính hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đó là một phần lý do tại sao Mỹ phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác”.

Những biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay khiến Mỹ bị thâm hụt ngân sách lớn hơn nhiều so với các nước khác. Nhưng nó cũng giữ cho nền kinh tế phát triển bằng cách cung cấp "tấm đệm" để các doanh nghiệp trụ vững.

Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng nhận được "phao cứu sinh". Ngay cả khi Fed tăng mạnh lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong hai năm qua.

Vị thế của nền kinh tế Mỹ trên trường quốc tế cũng là kết quả của khả năng phục hồi trước các cuộc khủng hoảng địa chính trị và cơ cấu độc đáo của hệ thống tài chính Mỹ.

Ví dụ, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine làm gián đoạn giá năng lượng và lương thực toàn cầu, Mỹ không bị tổn hại nhiều như các khu vực như các nước châu Âu và Nhật Bản. Những quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng và thực phẩm nhập khẩu của Moscow.

“Đó là phần may mắn”, ông Gagnon nhận định.

Khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng là kết quả của cấu trúc nợ đặc biệt của nước này.

Các hộ gia đình ở đất nước được "cách ly" nhiều hơn với sự tăng đột biến của lãi suất toàn cầu nhờ khoản thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm. Điều này cho phép các hộ gia đình giữ lãi suất thế chấp cực thấp ngay từ những ngày đầu của đại dịch. Lãi suất thế chấp 30 năm đó, hầu như chỉ có ở hệ thống tài chính Mỹ và đã bảo vệ các hộ gia đình khi lãi suất tăng lên.

Tâm lý lạc quan "phủ sóng"

Dù hiện đang ở mức hoàn hảo - như lời của nhà kinh tế trưởng Mark Zandi - hay đi trước phần còn lại của thế giới, nền kinh tế lớn nhất vẫn có khả năng xảy ra những bước thụt lùi trong quá trình phục hồi.

Ông Zandi nêu quan điểm: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng, chúng ta đã hạ cánh nhẹ nhàng".

Hiện tại, Fed vẫn duy trì quan điểm "diều hâu" về lãi suất, bất chấp những dấu hiệu trước đó cho thấy ngân hàng này sẽ đưa ra ba đợt cắt giảm trong năm nay.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho rằng, chỉ nên thực hiện một đợt cắt giảm trong năm nay.

Ông khẳng định: "Các dữ liệu cho thấy Fed cần phải theo dõi và chờ xem tình hình phát triển tiếp như thế nào. Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như kỳ vọng, Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý cuối năm nay là thích hợp. Con đường sẽ gập ghềnh".

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan vẫn đang "phủ sóng" và các chuyên gia kinh tế nghiêng theo quan điểm của Tổng thống Biden về kinh tế Mỹ - điểm nóng đầu tiên trong chiến dịch tranh cử. Như ông Gagnon của Viện Kinh tế quốc tế Peterson khẳng định: "Về cơ bản, kinh tế Mỹ đang giữ được đà tăng trưởng như trước khi đại dịch Covid-19 gõ cửa. Điều đó khá tốt".

(theo CNBC)

Linh Chi