Ban quản trị rút tiền từ tài khoản chung sang gửi tiết kiệm cá nhân có đúng?

Chung cư Lô II-2 số 151A Nguyễn Đức Cảnh

Mới đây, cư dân tại tòa nhà chung cư Lô II-2, địa chỉ số 151A Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội phản ánh về việc chủ đầu tư đã chuyển số tiền bảo trì 2% theo hợp đồng mua bán nhà giữa cư dân và chủ đầu tư vào tài khoản chung của ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên, một số thành viên ban quản trị đã sử dụng tiền trong tài khoản không xin ý kiến cư dân, gây lo lắng, băn khoăn trong cư dân.

Cụ thể, tối 15-7-2021, ông Phan Anh Đức, Trưởng Ban quản trị tòa nhà chung cư Lô II-2 đã thông báo trong nhóm cư dân tòa nhà với nội dung là chủ đầu tư đã chuyển phần tiền bảo trì theo biên bản thỏa thuận ngày 15-7-2021 với số tiền là hơn 990 triệu đồng.

Sau đó, một số thành viên này đã rút số tiền ra khỏi tài khoản của Ban quản trị mà cư dân không hề được thông báo, không được lấy ý kiến.

Tòa nhà chung cư Lô II-2

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Phan Anh Đức, Trưởng Ban quản trị tòa nhà chung cư Lô II-2 xác nhận chủ đầu tư đã chuyển hơn 990 triệu vào tài khoản của Ban quản trị tòa nhà.

Ông Đức cho biết thêm, tài khoản ban quản trị có 2 người đứng tên là Trưởng ban quản trị và kế toán. Chủ đầu tư chuyển tiền phí bảo trì về cho Ban quản trị, ông đã tìm hiểu về việc gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng lãi suất. Theo đó, nếu gửi bằng tiền mang tên Ban quản trị thì sẽ được dưới 4% nhưng nếu gửi tiền mang tên cá nhân thì sẽ được 5,8%. Do đó, để có lợi cho cư dân, ông Đức quyết định gửi bằng tên cá nhân ông, còn kế toán sẽ giữ sổ tiết kiệm.

“Ngày 21-7, tôi đã chuyển 1 tỷ làm sổ tiết kiệm dài hạn cho tòa nhà. Sổ đứng tên một mình tôi. Từ xưa đến nay, tòa nhà vẫn làm như thế, tôi cũng làm theo thường lệ, không nghĩ quá xa vời. Nếu cư dân không đồng ý thì tôi sẽ chuyển trả lại Ban quản trị”, ông Đức nói.

Ông Đức cũng xác nhận, không xin ý kiến cư dân về việc rút tiền từ tài khoản Ban quản trị sang gửi tiết kiệm mang tên một mình ông.

Trao đổi với PV, đại diện Phòng Đô thị quận Hoàng Mai cho biết, việc thu chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư được quy định tại quy chế thu chi tài chính được hội nghị nhà chung cư thông qua. Tại hội nghị nhà chung cư, để thông qua các quy chế đó thì cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc đứng tên tài khoản Ban quản trị được quy định cụ thể tại Thông tư 06 của Bộ Xây dựng.

“Việc thu chi tài chính mà cư dân phản ánh với báo chí ở trên là hoàn toàn sai quy định của pháp luật”, đại diện Phòng Đô thị quận Hoàng Mai nhấn mạnh.

Theo Thông tư số 06/2019/TT-BXD (Thông tư) Bộ Xây dựng ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 nêu rõ, về quản lý kinh phí bảo trì chung cư, quy định chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở có thể do một hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản.

Theo đó, chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp có tối thiểu là 3 thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản, số lượng thành viên tối đa do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Các thành viên tham gia đồng chủ tài khoản này phải có ít nhất 1 đại diện chủ sở hữu khu căn hộ, 1 đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), 1 đại diện chủ đầu tư (nếu có) và một số thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định (nếu có).

Kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì quy định tại khoản này được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị do hội nghị nhà chung cư thông qua.

Đối với quyết định chi tiêu quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thực hiện biểu quyết theo quy định: Trường hợp Ban quản trị tòa nhà chung cư quyết định việc bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 75% tổng số thành viên Ban quản trị đồng ý.

Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải theo đúng quy định của Luật Nhà ở. Quy chế này và phải có sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định để theo dõi, quản lý.

Thông tư cũng quy định chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở có thể do một hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản.

Đối với quyết định chi tiêu quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thực hiện biểu quyết theo quy định. Trường hợp Ban quản trị tòa nhà chung cư quyết định việc bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 75% tổng số thành viên Ban quản trị đồng ý.

Đặc biệt, Thông tư quy định Ban quản trị nhà chung cư phải thông báo công khai tại hội nghị nhà chung cư thông tin về tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đã lập, không được thay đổi tài khoản này. Định kỳ 6 tháng thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi tiêu tiền gửi kinh phí bảo trì (nếu có)...

Công Phương