Quản trị doanh nghiệp trong kỷ nguyên biến động

Quản trị AI là chủ đề hội đồng quản trị các doanh nghiệp cần chú ý

Hội đồng quản trị và doanh nghiệp mà họ giám sát luôn phải đối mặt với những thách thức và cơ hội mới cũng như những yêu cầu mới từ các bên liên quan. Để hỗ trợ hội đồng quản trị các doanh nghiệp, hàng năm, RRA tập hợp những tư duy tốt nhất từ đội ngũ cố vấn và các nhà quản trị doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Nhờ các chuyên gia đó, họ đã tổng hợp được những xu hướng đáng chú ý.

Ở mỗi quốc gia, quản trị doanh nghiệp và nhu cầu đối với lãnh đạo doanh nghiệp khác nhau đáng kể, nhưng bốn chủ đề nổi bật dưới đây lại được chia sẻ và thống nhất là quan trọng đối với các doanh nghiệp và hội đồng quản trị doanh nghiệp trên toàn cầu vào năm 2024:

1. Những đổi mới mang tính đột phá: AI và các công nghệ khác vươn lên dẫn đầu

Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và các công nghệ khác cùng với các mối đe dọa về quyền riêng tư và bảo mật thông tin ngày càng tăng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan hiện nay. Mặc dù đã được đưa vào chương trình nghị sự trong nhiều năm, nhưng các cuộc thảo luận xung quanh các chủ đề này đã tăng vọt trong năm 2023, một phần do sự phổ biến của các công cụ AI tổng hợp như . Ví dụ, hơn 30% các công ty trong rổ chỉ số S&P 500 và khoảng 17% các công ty của chỉ số Russell 3000 đã đề cập đến AI trong các tuyên bố của họ vào năm ngoái. Các đề xuất của cổ đông về chủ đề này có thể sẽ tăng lên trong năm 2024, nhấn mạnh vào việc quản trị AI, tác động của nó đối với lực lượng lao động và việc sử dụng AI một cách có đạo đức.

Tại EU, quy định kỹ thuật số và các đạo luật như Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) sẽ ảnh hưởng đến cách các công ty có thể tiến hành kinh doanh với dữ liệu được thu thập thông qua các thiết bị thông minh và loại dịch vụ mà công ty có thể cung cấp trong tương lai. Việc triển khai quy định dự kiến sẽ đặt ra các quy tắc và giới hạn mới cho hoạt động kinh doanh.

Ở Brazil, các công ty đang nhận thấy mình được giao nhiệm vụ thiết lập các quy trình và biện pháp phòng vệ an ninh mạng mạnh mẽ để ngăn chặn các cuộc tấn công kỹ thuật số tiềm ẩn và bảo vệ chống rò rỉ dữ liệu.

2. Con đường dẫn tới sự bình đẳng: Duy trì sự tập trung toàn cầu vào sự đa dạng

Các hội đồng quản trị trên khắp thế giới đang quan tâm hơn tới việc xây dựng một hội đồng quản trị có chuyên môn, sự đa dạng về văn hóa, sắc tộc, giới tính cũng như sự cân bằng giữa các thế hệ… Những năm gần đây, nhiều thị trường đã chứng kiến sự đa dạng hóa giới tính mạnh mẽ trong hội đồng quản trị doanh nghiệp. Tính đến năm 2023, các doanh nghiệp trong rổ chỉ số chính ở thị trường chứng khoán Pháp, Ý và Vương quốc Anh chứng kiến hơn 40% số ghế thành viên hội đồng quản trị do phụ nữ nắm giữ. Hội đồng quản trị các doanh nghiệp Úc, Đức, Mỹ đang hướng tới tỷ lệ thành viên nữ trong hội đồng quản trị trên ngưỡng 30%.

Ngay ở những quốc gia còn xa mới đạt được sự bình đẳng giới cũng chứng kiến những bước tiến về cơ cấu thành viên nữ trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Tại Singapore và Malaysia, thành viên nữ hiện nắm giữ gần 25% số ghế trong hội đồng quản trị độc lập kể từ khi công bố thông tin về tính đa dạng bắt buộc vào năm 2022. Tại Brazil – quốc gia có sự tụt hậu về sự đa dạng giới tính trong hội đồng quản trị, khi phụ nữ chiếm khoảng 18% số ghế vào cuối quý I/2023, các doanh nghiệp cũng đang tích cực tìm kiếm sự đa dạng về sắc tộc, tuổi tác và các khía cạnh khác của hội đồng quản trị.

3. Hành động nhiều hơn và ít nói hơn về các sáng kiến ESG

Thật hấp dẫn khi coi ESG là một câu chuyện về hai thế giới. Ở một số thị trường, đáng chú ý nhất là Mỹ, các thuật ngữ như tính bền vững và ESG đã bị chính trị hóa và “vũ khí hóa”. Điều đó đang ảnh hưởng đến cả các công ty Mỹ và nhiều doanh nghiệp quốc tế có hoạt động tại đây. RRA đã ghi nhận sự miễn cưỡng từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và những người khác trong việc đưa ra các cam kết về môi trường.

Mặc dù nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư mong đợi một số nỗ lực này sẽ ít được công khai hơn, đặc biệt là việc sử dụng thuật ngữ “ESG”, nhưng họ vẫn không rút lại các kế hoạch của mình.

Tại Úc, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến kế hoạch cắt giảm phát thải các-bon của các doanh nghiệp và coi đây là bước đầu tiên để đảm bảo rằng các doanh nghiệp đang quản lý rủi ro một cách thích hợp. Không chỉ các nhà đầu tư, cổ đông mới yêu cầu doanh nghiệp phải hành động, tất cả bốn ngân hàng lớn ở xứ sở chuột túi cũng mong đợi các nguồn phát thải lớn sẽ đưa ra kế hoạch “chuyển đổi năng lượng đáng tin cậy” vào cuối năm 2025. Ở Bắc Âu, các quy định mới của EU về báo cáo tính bền vững, quy định phục hồi thiên nhiên, các hoạt động kỹ thuật số và sự bất ổn về địa chính trị đang được chú trọng.

Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD), báo cáo thẩm định về phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) sẽ có tác động trực tiếp đến quản trị doanh nghiệp trong một môi trường kinh doanh đầy biến động (phải đối mặt với các vấn đề địa chính trị, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và biến đổi khí hậu). Tại Pháp, ESG và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tiếp tục là chủ đề chính, với các ủy ban CSR chuyên trách ở 90% các công ty trong rổ chỉ số CAC 40 và 70% trong số các công ty trong rổ chỉ số SBF 120.

4. Đại chúng hóa công ty tư nhân

Nhiều công ty tư nhân và doanh nghiệp gia đình giữ nguyên mô hình hoạt động, không đại chúng hóa nhằm tránh một số yêu cầu quan trọng về quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin, thực tế này đang thay đổi, mặc dù chậm và không đồng đều trên toàn cầu. Chẳng hạn, mới đây, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Ấn Độ (SEBI) đã yêu cầu bộ phận IR của các công ty niêm yết phải tiết lộ cho các sàn giao dịch chứng khoán tất cả các thỏa thuận hoặc thỏa thuận dàn xếp gia đình đang hoạt động có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng đến việc quản lý và kiểm soát công ty. Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn Độ đã phải đối mặt với những thách thức quản trị đáng kể với đội ngũ sáng lập. Do đó, RRA kỳ vọng các nhà đầu tư tổ chức sẽ dành sự quan tâm đáng kể vào quản trị với nhu cầu ngày càng tăng về kinh nghiệm và kỹ năng của CEO dày dạn kinh nghiệm dành cho các công ty khởi nghiệp.

Ở Mexico, các thành viên hội đồng quản trị của công ty tư nhân đang chứng kiến hội đồng quản trị chuyên nghiệp hóa hoạt động của họ, tập trung rõ ràng hơn vào việc cải thiện chương trình họp, cải tiến quy trình của hội đồng quản trị và nâng cao chất lượng cũng như tính chặt chẽ của đối thoại chiến lược. RRA nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các dự án mang tính hiệu quả của hội đồng quản trị hướng tới tương lai dành cho các doanh nghiệp ngoài công lập ở nhiều thị trường khác, bao gồm Brazil, Singapore và Hoa Kỳ.

Linh Hương / (Theo báo chí nước ngoài)