Ngành Ngân hàng tiếp tục ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức, sáng 25/4 tại TP. Hồ Chí Minh (bằng hình thức trực tuyến qua với đầu cầu Hà Nội), Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong các tháng đầu năm 2024 và tới đây, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, ổn định, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các nhóm ngành kinh tế chủ lực, có nguồn thu ngoại tệ lớn, đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội (ảnh chụp màn hình).

Về chính sách lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, ngay trong thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đều đang ở mức thấp kỷ lục. Vì thế, NHNN không đặt vấn đề hay mục tiêu hạ lãi suất. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên, tạo điều kiện và khuyến khích hệ thống TCTD tiết giảm các chi phí hoạt động, chi phí vốn để tạo ra dư địa giảm lãi suất cho vay, nhất là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các ngành nghề.

Phó Thống đốc cho biết, hiện nay việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đảm bảo cân đối tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, hài hòa giữa lãi suất, ỷ giá, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là rất khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ hàng chục nguyên nhân cả khách quan và chủ quan đến từ thế giới và trong nước.

Mặc dù vậy, riêng đối với mảng tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, Phó Thống đốc cho rằng, ngành Ngân hàng luôn đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vốn với lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp và tỷ giá không có những biến động lớn, gây sức ép bất lợi cho doanh nghiệp và cho điều hành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu tham dự Diễn đàn tại TP. Hồ Chí Minh

Đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, lâm sản, Phó Thống đốc cho biết, đến hiện nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi 1-2% lãi suất của hệ thống NHTM đã giải ngân được khoảng 18.000 tỷ đồng, rất được doanh nghiệp các ngành đồ gỗ lâm sản và thủy sản hoan nghênh. Gói tín dụng này sẽ tiếp tục được NHNN chỉ đạo các NHTM tăng cường giải ngân.

“Nếu giải ngân hết hạn mức 30.000 tỷ đồng thì có thể xem xét mở thêm các nguồn vốn ưu đãi cho vay khác để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp” – Phó Thống đốc nói.

Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thủy sản, lúa gạo, Phó Thống đốc cho biết, hiện NHNN đang gấp rút hoàn thiện văn bản pháp lý để kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào cuối tháng 6 tới. Từ đó, tạo cơ hội cho các NHTM tiếp tục hỗ trợ giãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tăng cường cho vay mới đối với khách hàng. Trong đó, bao gồm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Riêng đối với vấn đề tỷ giá, theo Phó Thống đốc, hiện nay tỷ giá được ngành Ngân hàng nhìn nhận là một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt các hoạt động từ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Quan điểm của ngành Ngân hàng là ổn định chứ không cố định tỷ giá, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Trong thời gian tới, NHNN sẽ có những giải pháp để thực hiện điều này như: điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa; điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá, tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu.

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên, có nguồn thu ngoại tệ lớn. Chẳng hạn như hiện nay xuất khẩu cà phê đang được giá, vì thế ngành Ngân hàng sẽ chỉ đạo khuyến khích hệ thống NHTM đẩy mạnh cho vay. Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất như gói 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu thủy sản; xuất khẩu gỗ… cũng sẽ được NHNN phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh.

Hiện nay, NHNN đang rất tích cực trong hoạt động điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Biện pháp cuối cùng là bán ngoại tệ để cân đối nguồn cung và giá ngoại tệ. Vì thế, các doanh nghiệp các ngành nghề cũng không nên kỳ vọng là găm giữ, đầu tư ngoại tệ để có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế, Phó Thống đốc thông tin thêm.

Nguồn thoibaonganhang