Bắc Ninh: Quan họ không chỉ để giữ riêng mình

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh (bên trái) chỉnh sửa câu ca Quan họ cho thành viên CLB

Trong buổi chiều nắng nhạt, tôi được may mắn trò chuyện với nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh để nghe ông dốc bầu tâm sự về Quan họ. Đôi chân ông giờ đã chậm chạp, nhưng khi nhắc đến Quan họ, như có một thứ năng lượng tràn về, đôi mắt sáng hơn, giọng kể rõ ràng, hồ hởi, ông bảo: Xưa kia chỉ cần nghe tin biết các chị Hai làng Diềm đi chợ gạo Bắc Ninh là mấy anh, em trong bọn Quan họ Hoài Thị đạp xe lên gặp. Chỉ cần nhìn thấy nhau và chào hỏi đôi ba câu là thỏa nỗi nhớ mong trong lòng. Năm 2018, tôi có tổ chức canh hát gặp mặt các anh Hai, chị Hai giữa Hoài Thị và làng Diềm, thế hệ chúng tôi giờ chỉ còn hơn 10 người đều đã già.
Sinh ra và lớn lên ở làng Quan họ gốc Hoài Thị, bản thân gia đình từ ông, bà, bố, mẹ đều chơi Quan họ nên ngấm vào ông như một lẽ tự nhiên. Ông cũng không nhớ là thuộc các câu ca Quan họ từ khi nào, chỉ biết rằng năm 10 tuổi được theo mẹ đi lên làng Diềm nay là khu Viêm Xá, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) để nghe hát canh Quan họ. 15 tuổi, ông phần nào cảm nhận được cái hay trong Quan họ, từ văn hóa ứng xử đến câu ca rồi cái cách người Quan họ ăn, ở với nhau trong cuộc sống. Năm 1950-1955, ông cùng với một số thanh niên trong làng rủ nhau tìm đến các anh Hai, chị Hai nổi tiếng để xin truyền dạy câu ca Quan họ.
Năm 1956, ông quy tụ các thế hệ trẻ cùng lứa tuổi trong làng Hoài Thị thành lập được một đội Quan họ kế cận gồm 5 cặp nam và 6 cặp nữ. Ngay năm đó, đội của ông được ông trùm, bà trùm trong làng cho đi cùng lên giao lưu Quan họ trong ngày hội làng Diềm. Để tương xứng với Quan họ bạn, năm ấy làng Diềm cũng chuẩn bị đủ số liền anh, liền chị trẻ tiếp bạn và hát đối đáp với đội kế cận của Hoài Thị. Chính từ sự kết chạ, đi lại thân thiết với làng Diềm mà ông Quỳnh học hỏi được nhiều điều hay trong văn hóa Quan họ. Từ việc đón bạn Quan họ trong ngày lễ hội đến việc mời nước, mời trầu, mời cơm Quan họ.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh, nhớ lại: Thời kỳ trước khó khăn, nhưng anh, em trong bọn Quan họ chơi say mê lắm, chỉ cần có lời mời của làng Diềm là chúng tôi háo hức chờ đợi không ngủ được. Khi có một thành viên trong đoàn bận việc là các anh Hai, chị Hai trong làng xúm vào cùng giúp đỡ, hoàn thành để được đi chơi Quan họ. Bao giờ cũng phải lên Diềm từ chiều hôm trước hát canh đến sáng đủ các giọng lề lối. Ngày đó, chúng tôi hát không biết mệt, bởi cứ bên ra, bên đối đến “tàn canh mãn võ/tàn đêm rạng ngày” vẫn chưa muốn dừng.
Suốt thời thanh xuân được thế hệ trước dẫn đi chơi Quan họ, men say đã ngấm, nên gần 20 năm đi bộ đội rồi tham gia công tác, không thường xuyên ở nhà chơi Quan họ, nhưng ngay khi về nghỉ hưu ông tiếp tục đam mê. Năm 1982, ông là người đề xuất với làng thành lập đội Quan họ Hoài Thị với hơn 10 thành viên, trong đó ông là đội trưởng. Năm 1992, thành lập CLB Quan họ Hoài Thị tiền thân từ đội Quan họ với gần 20 người, ông Quỳnh đề nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền có ý kiến với làng Diềm để hai bên tiếp tục đi lại sau thời gian gián đoạn do lịch sử. Từ đó đến nay, Hoài Thị, Viêm Xá tiếp nối chặng đường kết chạ hàng trăm năm của các cụ xưa để lại với trách nhiệm chung của dân làng hai bên.
Sự hoạt động hiệu quả của CLB Quan họ Hoài Thị nhờ việc tâm huyết dẫn dắt của ông Quỳnh thể hiện qua các thành tích và số thành viên đam mê học các câu hát cổ. Từ năm 1996 đến 2000, Hoài Thị đều đạt giải A tại liên hoan tiếng hát Măng non và Tiếng hát Người cao tuổi. Nhiều thành viên CLB thuộc 50 đến 200 làn điệu Quan họ cổ và tham gia hội thi hát Quan họ đối đáp đầu xuân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt giải.
Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng không buổi sinh hoạt nào nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh vắng mặt, các thành viên được ông nhận xét về cách hát, cách nảy, độ vang, rền… CLB có gần 60 thành viên, trong đó không chỉ thế hệ trung niên được ông Quỳnh trao truyền mà nay ông tiếp tục cùng với các thành viên tiếp lửa đam mê cho thế hệ măng non quê nhà. Để gìn giữ vốn quý giá xưa, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh thường xuyên cùng với CLB dựng lại các canh hát lề lối, mời Quan họ Viêm Xá tham dự. Đây không chỉ là dịp để gắn kết thêm tình cảm giữa hai làng, học hỏi câu ca, văn hóa ứng xử mà còn chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống.
Hơn 60 năm tuổi Đảng, hơn 70 năm chơi Quan họ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quỳnh không chỉ là một người đảng viên gương mẫu mà còn là một anh Hai Quan họ có trách nhiệm với di sản quê hương.

Minh Hường