Xuất khẩu thép sang EU lội ngược dòng tăng mạnh nhờ 'cao tốc EVFTA'

Ảnh minh họa.

Còn nhớ, vào thời điểm tháng 11/2021, thép ghi nhận lần đầu tiên lọt top các mặt hàng có giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD. 7 mặt hàng này bao gồm: Điện thoại và Linh kiện 51,9 tỷ USD. Điện tử, máy tính và linh kiện 45 tỷ USD. Máy móc thiết bị và dụng cụ khác 33,6 tỷ USd. Dệt may 28 tỷ USD, Giày dép 15,5 tỷ USD, Gỗ và sản phẩm từ Gỗ 13,2 tỷ USD.

Ấn tượng nhất là thép, với sự tăng trưởng thần tốc, mặt hàng thép chính thức bước chân vào câu lạc bộ các mặt hàng giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. 11 tháng năm 2021, Thép chính thức cán mốc xuất khẩu 10,8 tỷ USD và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất, đạt 129,8%. Trong khi các mặt hàng còn lại trung bình 10-20%.

VỆT SÁNG TỪ THỊ TRƯỜNG EU VÀ MỸ

Tuy nhiên, ngay sau đó, cùng với cầu toàn cầu suy yếu mạnh, xuất khẩu thép đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh từ đầu năm 2022 đến nay.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, 6 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép giảm 17,49% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5 tỷ USD tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến tháng 7/2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, trong cả tháng 7/2022, lượng xuất khẩu thép vẫn giảm mạnh so với tháng 6 và là tháng thấp nhất trong 5 tháng qua, theo đó, lượng xuất khẩu sắt thép đạt hơn 613 nghìn tấn với trị giá là 645 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 6.

Tính đến hết 7 tháng/2022, lượng xuất khẩu sắt thép đạt hơn 5,4 triệu tấn với trị giá là 5,63 tỷ USD, giảm 22,6% về lượng và tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thép chính là tại thị trường EU và Mỹ. Trong 7 tháng qua, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường chủ đạo như EU đạt 1,1 triệu tấn, tăng 18,1%; Hoa Kỳ đạt 449 nghìn tấn, tăng 12,9%; Malaysia: 437 nghìn tấn, tăng 3,2%... so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể nói, việc EVFTA đi vào thực thi từ tháng 8/2020 đã mở ra một con đường cao tốc cho thép Việt tiến sâu vào 27 thị trường thành viên EU, với sức bật không thể ngờ tới.

Tại thời điểm tháng 6/2020, xuất khẩu thép sang thị trường EU chỉ chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thép, con số này sau 2 năm đã tăng lên 20,51%, tương ứng với tăng hơn 6 lần. Xuất khẩu thép sang Mỹ cũng từ chiếm tỷ trọng 2,56% vào 6 tháng đầu năm 2020 lên 9% vào 6 tháng năm 2022.

Ở chiều ngược lại, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam tuy nhiên có sự sụt giảm mạnh từ gần 50% xuống còn 45%. Đặc biệt, xuất khẩu thép sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh từ 27,09% xuống hiện chỉ còn 5,16%.

Các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam.

VẪN CÒN BẤT LỢI CẦN CHÚ Ý

EVFTA đã hỗ trợ xuất khẩu nhiều nhóm mặt hàng sang thị trường EU, trong đó có mặt hàng sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép. Tăng trưởng xuất khẩu sắt thép cho thấy các doanh nghiệp ngành thép ngày càng quan tâm khai thác thị trường EU và đã tận dụng tốt những ưu đãi mà EVFTA mang lại.

Chưa kể, trong giai đoạn căng thẳng giữa Nga - Ukraine suốt một năm vừa qua cũng được đánh giá tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu sắt thép Việt Nam. Hồi đầu tháng 3/2022, EU đã thông báo cấm nhập khẩu sắt thép từ Nga, đây là lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu lên giới tinh hoa Nga.

Nga đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU (Sau Thổ Nhĩ Kỳ). Tỷ trọng khoảng 14,1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan gồm: Ukraine: 8% thép dẹt và 7,4% thép dài; Belarus: 14,4% thép dài; Trung Quốc: 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài. Một lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này.

Mặc dù xuất khẩu sắt thép sang EU tăng trưởng cao song đánh giá về tình hình xuất khẩu sắt thép thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, chính sách thương mại của các thị trường lớn gồm EU đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Việt Nam.

EU gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch. Hạn ngạch miễn thuế của nhóm “Các nước khác”, gồm Việt Nam, là 1,8 triệu tấn cho giai đoạn 1/7/2022 đến 30/6/2023 và tăng 4% trong năm tiếp theo. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.

Năm 2021, Việt Nam đã bán 979 nghìn tấn tôn mạ vào EU, tăng vọt so với các năm trước trong điều kiện thiếu cung tại EU kết hợp với ưu đãi miễn hạn ngạch cho Việt Nam từ 1/7/2020. Điều này là nguyên nhân EU tăng cường rào cản với tôn mạ Việt Nam. Ngoài Ấn Độ, Hàn Quốc và Vương Quốc Anh chịu hạn ngạch riêng, Thổ Nhĩ Kỳ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam. Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế khoảng cách vận chuyển đến EU và cung cầu thép tại EU sẽ ổn định trong các năm tới nên tôn mạ Việt Nam khó duy trì xuất khẩu cao vào EU.

An Nhiên -