Xe tăng Challenger 3 chạy đua ngôi vị đầu bảng

Xe tăng chủ lực Challenger 3 đang hoàn tất các bước thử nghiệm, đánh giá, dự kiến đưa vào hoạt động ban đầu vào năm 2027. Ảnh: RHEINMETALL

Chương trình nâng cấp Challenger 2 thành Challenger 3 được khởi xướng bởi Rheinmetall Systems Land (RBSL) - một liên doanh giữa Công ty BAE Systems của Anh và Công ty Rheinmetall AG của Đức. Việc phát triển Challenger 3 chú trọng quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt, dự kiến đưa vào hoạt động ban đầu vào năm 2027 và triển khai đầy đủ vào năm 2030. Ngoài ra, dữ liệu chiến đấu từ xe tăng Challenger 2 tại các “điểm nóng” xung đột hiện nay có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của Challenger 3, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, nhu cầu của chiến tranh cơ giới hóa.

Các sự kiện địa chính trị lớn trong vài năm qua đang đẩy quân đội trên khắp thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô nhỏ. Là một phần của cuộc đua đó và để sẵn sàng cho tương lai, quân đội Anh đang nỗ lực phát triển tăng chiến đấu chủ lực mới được nâng cấp. Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa, quân đội Anh đã quyết định nâng cấp một số lượng tương đối nhỏ (148) xe tăng Challenger 2 thành Challenger 3.

Bản nâng cấp này vẫn giữ lại tổ tác chiến gồm 4 người bên trong xe, duy trì thành phần tiêu chuẩn của người chỉ huy, người lái, xạ thủ và người nạp đạn. Mẫu xe cũng được dự trù khả năng có thể chuyển đổi thành tổ chiến đấu 3 người trong tương lai với công nghệ nhân tạo để lấp đầy khoảng trống.

Một điểm nhấn quan trọng của Challenger 3 là pháo nòng trơn L55A1 120mm thế hệ mới, được gọi là L55A1CR3, có khả năng bắn nhiều loại đạn như đạn tiêu chuẩn, đạn xuyên giáp, đạn nổ mạnh (trái phá). Đặc biệt, loại đạn xuyên giáp động năng (APFSDS) DM63 và DM73 có đầu xuyên dạng phi tiêu dài, sử dụng động năng để xuyên giáp xe tăng đối phương. Challenger 3 cũng có thể bắn đạn M829A4 do Mỹ sản xuất, một loại đạn APFSDS khác, nhưng là loại có tính năng xuyên thủng bằng uranium (DU) nghèo. Hiện tại, Quân đội Anh cũng đang sử dụng đạn uranium L27A1 CHARM 3 trên xe tăng Challenger 2.

Đối với các bản cập nhật hệ thống và tính năng mới khác, Challenger 3 sẽ bao gồm các nâng cấp tối tân về điểm ngắm chính ban ngày và ban đêm cho người chỉ huy và xạ thủ; động cơ và hệ thống treo tốt hơn; bảo vệ tháp pháo nhiều hơn; liên lạc chiến thuật được cải thiện; cấu trúc thượng tầng thân xe chắc chắn hơn. Từ đó ấn tượng dễ thấy là Challenger 3 nặng hơn và khỏe hơn so với Challenger 2. Quân đội Anh ưu tiên cấu trúc chắc chắn hơn, có thể chịu được nhiều đòn tấn công hơn, thay vì đi theo xu thế phát triển các mẫu xe tăng nhẹ hơn và cơ động hơn.

Mặc dù hỏa lực và khả năng bảo vệ là trọng tâm chính, song, Challenger 3 cũng được các chuyên gia Anh chú trọng phát triển tính cơ động thông qua dự án cải tiến bọc thép hạng nặng (HAAIP) cho mẫu xe này. Theo đó, Challenger 3 trang bị thêm một động cơ cải tiến (mặc dù không tăng công suất), hệ thống treo mới, bộ căng ray thủy lực, hệ thống khởi động nguội bằng điện và hệ thống làm mát mới.

Một điểm nhấn đặc biệt, theo truyền thông quốc tế, các đơn vị tác chiến của Anh đang rất mong nhận được những chiếc Challenger 3, bởi mẫu xe này được mô tả như “xương sống số hóa” trên chiến trường. Mẫu xe này có khả năng kết nối với các phương tiện chiến đấu khác trong Đội chiến đấu cấp Lữ đoàn, từ đó cải thiện khả năng chia sẻ dữ liệu với các nền tảng khác nhau trong thời gian thực.

Ông Rory Breen - Giám đốc chiến lược và kinh doanh tương lai tại RBSL cho biết, Challenger 3 sử dụng khung gầm của Challenger 2, còn lại đều là các cải tiến hoàn toàn mới. Challenger 3 có thể trở thành loại xe tăng tốt nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Xe tăng chiến đấu chủ lực này có tính kỹ thuật số cao, có khả năng kết nối mạng trên chiến trường, giúp tối ưu hiệu quả trong chiến đấu.

Được biết, quân đội Anh đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào chương trình Challenger 3, đảm bảo tương lai cho lực lượng xe tăng của nước này trong giai đoạn từ nay đến 2040, khi Challenger 3 dự kiến sẽ dần bị thay thế.

Thanh Trúc