Xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao

Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao ào Cai luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm.

Từ năm 2012 đến nay, gia đình anh Giàng A Giáo và chị Sùng Thị Chà ở thôn Sản Chúng, xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) luôn được công nhận là Gia đình văn hóa tiêu biểu. Anh Giáo tâm sự: Xây dựng gia đình văn hóa chỉ đơn giản là các thành viên trong gia đình yêu thương nhau, các con được học tập đầy đủ, tích cực phát triển kinh tế gia đình; luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, áp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Là địa phương có phong trào xây dựng đời sống văn hóa nổi bật, huyện Văn Bàn đã vận động người dân vùng cao cải tạo tập quán lạc hậu. Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đã giảm nhiều; việc thách cưới, ăn uống dài ngày và không cho người chết vào áo quan đã cơ bản được khắc phục…

Ông La Tiến Thuật, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Bàn cho biết: Quan điểm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng gia đình văn hóa là không chạy theo hình thức, mà lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu, có sức lan tỏa.

Người dân vùng cao Lào Cai chung tay xóa hủ tục, định kiến giới.

Năm 2018, toàn tỉnh có 81,3% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, năm 2023 có 85% hộ đạt danh hiệu này. Năm 2024, toàn tỉnh có 165.568/175.956 hộ đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 94,1%).

Các địa phương tích cực tuyên truyền người dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình hạnh phúc.

Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong cuộc sống trên các lĩnh vực, như gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu có gia đình ông Lồ A Chung, thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo (thị xã Sa Pa); gia đình hiếu học tiêu biểu có gia đình ông Hà Văn Tới, thôn Chiềng 1, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn); gia đình ấm no - hòa thuận - tiến bộ có gia đình ông Lùng Văn Sơn, thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy (Mường Khương)... Ở những gia đình này, chúng ta bắt gặp nhiều thế hệ sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, là tấm gương về sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao Lào Cai đã và đang làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng gia đình văn hóa, góp phần giữ gìn nền nếp, gia phong, gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, các khu dân cư, tạo nên tình làng, nghĩa xóm thuận hòa và ngày càng bền chặt.