Vững bước trên chặng đường mới

Giải pháp mang tính bản lề

Công nhân vườn trà hoa vàng Quy Hoa (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) đóng gói sản phẩm.

Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, cho biết: Năm nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; 100% đơn vị sản xuất có sản phẩm mới được đào tạo, tập huấn, tư vấn để dự thi đánh giá và xếp hạng. Ban tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận sao, đồng thời phân hạng thêm ít nhất 40 sản phẩm đạt từ 3-4 sao, trong đó có ít nhất 1-2 sản phẩm đạt 5 sao để dự thi cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh phấn đấu đưa thêm ít nhất 10 sản phẩm OCOP tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh; 90% sản phẩm được dán tem điện tử, có mã số, mã vạch. Một trong những mục tiêu trọng tâm năm nay, đó là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức kinh tế, phát triển thêm ít nhất 10 tổ chức kinh tế. Từ đó, chương trình OCOP tiếp tục là động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phần thiết yếu của chương trình xây dựng NTM.

Dưa lưới Quảng Tân của Công ty CP Thương mại và xây dựng Đầm Hà, huyện Đầm Hà là 1 trong số sản phẩm OCOP 4 sao.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu năm Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh (BCĐ tỉnh) đã ban hành kế hoạch triển khai, làm căn cứ cho các địa phương xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn. Theo đó, BCĐ các cấp tiếp tục kiện toàn, ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, nhằm phát huy tối đa nhiệm vụ của thành viên trong quá trình thực hiện. Đồng thời, rà soát, bố trí cán bộ có năng lực để tham mưu, giúp việc thực hiện chương trình OCOP các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chuyên sâu giúp việc BCĐ, phát huy vai trò của cán bộ cấp xã trong tuyên truyền để phát triển sản phẩm trên địa bàn.

Năm nay, BCĐ tỉnh chỉ đạo thành lập các tổ tư vấn cấp tỉnh và địa phương để hỗ trợ người dân tiếp cận với chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm hướng đến 5 sao cấp quốc gia. Đáng chú ý, tỉnh nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Các cấp, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất trong thực hiện công tác vệ sinh ATTP trong sản xuất; thực hiện quy định về ghi tem, nhãn, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu OCOP - QN; đánh giá việc tổ chức hoạt động của trung tâm, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chương trình, trong đó, phát huy hiệu quả phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, website OCOP...

Chuẩn hóa quy trình và hệ thống tiêu chuẩn OCOP

Tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm nông sản địa phương đều được nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để đưa chương trình OCOP tiếp tục là nền tảng quan trọng thúc đẩy "tam nông" hiện đại, văn minh, giàu có, BCĐ tỉnh đã lựa chọn chủ đề công tác năm 2021 là “Chuẩn hóa quy trình và hệ thống tiêu chuẩn OCOP”. Chủ đề này tiếp nối của các năm trước nhằm đưa chương trình OCOP chuyển từ lượng sang chất. BCĐ tỉnh tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình OCOP giai đoạn mới, đảm bảo phù hợp quy định của trung ương và thực tế địa phương. Trên cơ sở đó, BCĐ tỉnh tập trung rà soát, đánh giá các quy trình, tiêu chuẩn trong quản lý chương trình, sản phẩm, tổ chức sản xuất; tập huấn cho cán bộ các cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, HTX về quy trình sản xuất và tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất chế biến sản phẩm OCOP; hoàn chỉnh quản lý chương trình, quy chế, quy định liên quan.

Để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung khảo sát, phát triển sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, vải may mặc. Việc phát triển các sản phẩm này không chỉ đa dạng hóa sản phẩm địa phương trên cơ sở lợi thế hiện có, mà còn thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ theo định hướng của tỉnh.

Sản phẩm ruốc hàu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh được đưa vào tiêu thụ tại Go! Hạ Long.

Cùng với đó, tỉnh đổi mới công tác tổ chức cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP từ cấp huyện tới tỉnh, trong đó hoàn thiện phần mềm chấm điểm, đảm bảo khách quan, minh bạch, hiệu quả việc xếp hạng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với sản phẩm OCOP chủ lực có lợi thế, đảm bảo gia tăng về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến; hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tập trung hỗ trợ đầu tư dự án chế biến sâu, hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu dùng.

Tỉnh tiếp tục hỗ trợ tư vấn, thành lập, nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất; tiêu chuẩn hóa nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP; hỗ trợ để cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng kiên cố, đầu tư thiết bị công nghệ. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các cơ sở sản xuất, tập trung vào chuyển đổi mô hình sản xuất, sản xuất theo chuỗi, công nghệ chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường tuyên truyền, kết nối đưa sản phẩm vào trung tâm, siêu thị và chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh...

Với những giải pháp quyết liệt, cụ thể, chương trình OCOP sẽ gặt hái thành công, thúc đẩy phát triển tam nông bền vững.

Cao Quỳnh

Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh: “Phát huy tối đa sức sáng tạo trong cộng đồng”

Để phát huy tối đa sức sáng tạo trong cộng đồng, hình thành và phát triển các sản phẩm OCOP đứng vững trên thị trường, chúng ta cần phải quy hoạch lại những sản phẩm OCOP có thế mạnh, nhất là những sản phẩm OCOP chủ lực ở các cấp; quy hoạch vùng sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng được những sản phẩm có sức cạnh tranh ngày càng cao. Đồng thời, cần tư vấn hoàn thiện nâng chất các sản phẩm từ mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc..., nhất là ứng dụng KHCN trong sản xuất các sản phẩm. Ngoài ra, việc hình thành chuỗi giá trị gắn với xúc tiến thương mại sản phẩm, tạo cơ hội để các sản phẩm vươn ra các thị trường rộng lớn hơn cần chú trọng và quan tâm hơn nữa.

Ông Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên, huyện Vân Đồn: “Xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương”

Thông qua hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện và các ngành, địa phương, năm 2016 HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP và sản phẩm OCOP cam Vạn Yên được công nhận đạt chất lượng 3 sao. Để cam Vạn Yên trở thành thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, HTX là đầu mối triển khai, đổi mới các mẫu mã bao bì sản phẩm, tem nhãn, xuất xứ hàng hóa... Qua đó đã khẳng định được thương hiệu cam Vạn Yên; bước đầu hình thành chuỗi tiêu thụ với quy mô ổn định, hiệu quả, từng bước tạo dựng thương hiệu cam Vân Đồn thành nông sản an toàn, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ: “Ứng dụng KHCN trong sản xuất trà hoa vàng”

Khi cây trà hoa vàng được huyện nghiên cứu, làm bật các giá trị về dược liệu, nhận thấy đây là một loại cây tốt cho sức khỏe, tôi đã bắt đầu tìm hiểu và phát triển loại cây này. Được sự giúp đỡ của huyện, tôi đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để chế biến trà hoa vàng theo hướng thành phẩm chất lượng cao bằng phương pháp sấy lạnh, hút chân không; đồng thời đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác, mã vạch cho sản phẩm này. Sản phẩm trà hoa vàng còn được chế biến sâu nhờ áp dụng KHCN để tạo các thành phẩm, như lá trà khô, hoa trà khô, trà túi nhúng... Việc làm này không chỉ giúp nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm, mà còn cả hiệu suất chế biến, ngày càng khẳng định được thương hiệu nổi tiếng của nông sản Quảng Ninh.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH chè Hằng Nga, TP Hạ Long: “Mục tiêu chất lượng phải đặt lên hàng đầu”

Sau nhiều năm phát triển và thử nghiệm, chúng tôi đã tìm ra công thức phối trộn nguyên liệu riêng có, tạo nên hương vị đặc trưng cho các sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm kẹo lạc, kẹo lạc vừng, kẹo dồi, chè thanh nhiệt của Công ty tham gia cuộc thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá cao và xếp hạng 3 sao. Với mục tiêu lấy chất lượng sản phẩm là hàng đầu, các sản phẩm của đơn vị đã thực hiện công bố đủ điều kiện ATTP; cơ sở được cấp giấy chứng nhận HACCP. Đây là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp kiểm soát giới hạn các mối nguy mang lại trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm của đơn vị. Đến nay, sản phẩm của Công ty đưa ra thị trường đều nhận được sự ủng hộ của khách hàng, tăng uy tín và giá trị thương hiệu sản phẩm.

Vân Anh (Thực hiện)