Giao xe cho con, đối mặt án tù

Nguy cơ tù tội

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Chơn Tiên (SN 1982, quê Đồng Nai) về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Bình Thuận do N.C.H gây ra.

Liên quan vụ án trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với N.C.H (SN 2007, con trai của ông Tiên) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Diến biến tố tụng nêu trên diễn ra trong quá trình Công an huyện Tuy Phong điều tra vụ N.C.H lái xe ô tô mang BKS 60A-668.xx tông vào 5 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ trên quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong vào sáng 2/9/2023. Hậu quả khiến 5 nạn nhân bị thương với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ là gần 120%.

Với vụ án này, điều khiến dư luận đặt nhiều sự quan tâm là việc ông Tiên không trực tiếp điều khiển xe ô tô gây tai nạn nhưng đã giao xe cho con trai cầm lái tại thời điểm H chưa đủ tuổi để có bằng lái ô tô. Từ đó, H gây ra vụ tai nạn thương tâm.

Một vụ việc tương tự xảy ra vào trưa 28/3/2023 khi L.N.H (SN 2008, trú TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển xe máy lưu thông trên địa bàn. Khi đến ngã tư ở thị trấn huyện Đăk Đoa, chiếc xe này va chạm với một xe máy khác do H.Đ.N điều khiển, lưu thông cùng chiều.

Hậu quả, N bị thương nặng và tử vong sau đó. Vào cuộc điều tra, Công an huyện Đăk Đoa xác định ông Lê Văn T (SN 1966, cha ruột của H) đã giao xe máy cho con điều khiển dù biết H chưa đủ 16 tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Ngoài hai vụ việc nêu trên, cũng với tội danh Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, ngày 13/12/2023, TAND tỉnh Hóa đã tuyên phạt Phạm Văn T (SN 1993, người địa phương) 21 tháng cải tạo không giam giữ.

Theo hồ sơ, cuối tháng 4/2023, T biết rõ Quách Minh T đã sử dụng rượu bia, không có giấy phép lái xe ô tô. Tuy nhiên, Phạm Văn T vẫn giao xe ô tô của mình cho Minh T điều khiển tham gia giao thông.

Khi đi trên tỉnh lộ 518 từ huyện Yên Định đi huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), tài xế không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên tông trúng bà P (SN 1944). Hậu quả, bà lão bị húc văng vào lề đường dẫn đến tử vong.

Bài học đắt giá

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu tài sản này phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xilanh từ 50cm3 trở lên. Cùng với đó, hành vi giao các loại xe này cho người chưa đủ tuổi điều khiển cũng vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, khi vi phạm những quy định nêu trên, chủ phương tiện lẫn người được giao xe sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định 100/2019, chủ xe giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 1.600.000 - 4.000.000 đồng (đối với tổ chức).

Về chế tài hình sự, Điều 264 Bộ Luật Hình sự nêu rõ, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy… điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà làm chết người, gây thiệt hại cho người khác, thì bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.

Nhìn nhận thêm trên thực tế, luật sư Nguyễn Văn Đồng nhấn mạnh, dù chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông theo quy định, song hiện nay nhiều bậc phụ huynh vô tư giao xe mô tô, thậm chí giao cả xe ô tô cho con dưới 18 tuổi điều khiển. Một số học sinh khi được giao xe còn chở nhau lạng lách, rồ ga, không đội mũ bảo hiểm…

"Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng", luật sư khẳng định.

Ngoài ra, với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, người phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu có tai nạn xảy ra không ai khác chính là phụ huynh và học sinh.

Đáng nói, trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra, các em học sinh sẽ phải bỏ dang dở việc học hành, sống phụ thuộc vào gia đình, đây là những hệ lụy mà phụ huynh cần nhận biết.

Luật sư cho rằng nguyên nhân khiến tình trạng trên còn phổ biến là do các nhà trường chưa ngăn chặn triệt để, trong khi đó lỗi trực tiếp xuất phát từ các bậc cha mẹ.

Theo luật sư, nhà trường và chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh biết sự nguy hiểm của việc học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

"Bên cạnh đó, cần nâng chế tài xử phạt đối với phụ huynh nếu họ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển", luật sư nêu quan điểm.

Hoàng Lam