Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn gạo trong năm 2024

Ngày 26/4/2024, tại TP ần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có đại diện các Bộ/ngành liên quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; đại diện UBND, Sở Công Thương các địa phương; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/4/2024 tại TP. Cần Thơ

Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; đồng thời, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Việt Nam có thể xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo trong năm 2024

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong năm 2023, mặc dù tình hình thị trường thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, song với sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta đạt mức kỷ lục cả về sản lượng và giá trị (tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với năm 2022); uy tín và thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới được nâng cao rõ rệt.

Tiếp nối thành công của năm trước, hoạt động xuất khẩu gạo trong quý I/2024 của nước ta tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực (tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước); giá thóc gạo hàng hóa cao hơn so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong điều kiện bình thường, với sản lượng dự kiến, Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo trong năm 2024

Bên cạnh đó, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa vụ Hè - Thu năm nay ở khu vục Đồng bằng sông Cửu Long tính đến nay đã đạt khoảng 236 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa (như bảo đảm an ninh lương thực trong nước và chế biến, làm giống, thức ăn chăn nuôi) thì chúng ta có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo, đây là thông tin quan trọng, định hướng cho hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, đồng thời dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi tình hình lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu đang diễn ra.

Nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo

Trước tình hình đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các Bộ, ngành liên quan; các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các Thương nhân xuất khẩu gạo và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10, ngày 02/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03, ngày 25/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới; trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm, cụ thể:

Về quan điểm chỉ đạo:

Thứ nhất,bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, bình ổn thị trường trong nước (bởi nước lấy dân làm gốc; dân lấy bụng làm trời); đồng thời tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Thứ hai, theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Thứ ba, xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các Thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá (theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”). Đồng thời, chú trọng mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, khẳng định và nâng tầm thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất và kinh doanh, bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, đối với các Bộ, ngành Trung ương, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (mới được ban hành đầu tháng 3 vừa qua) về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo các nội dung sau:

(i) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần chú trọng bảo đảm diện tích đất trồng lúa phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (như hạn hán và xâm nhập mặn) đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.

(ii) Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…. Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng.

(iii) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các giống lúa có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn cung gạo ổn định, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

(iv) Chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu để chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

(v) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với thóc, gạo xuất khẩu của Việt Nam; Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận về kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật về chất lượng thóc, gạo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

(vi) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khai thác có hiệu quả cơ chế xác nhận, trao đổi chứng chỉ carbon, hỗ trợ người trồng lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo; tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng giao Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước cùng các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên & Môi trường khai thác có hiệu quả cơ chế xác nhận, trao đổi chứng chỉ carbon, hỗ trợ người trồng lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo

Thứ hai, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương:

(i) Chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng lúa theo định hướng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương; theo hướng nâng cao chất lượng gạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

(ii) Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng cơ sở kho bãi, nâng cấp trang thiết bị để nâng cao năng lực chế biến, cất trữ, vận chuyển, lưu thông, phục vụ kinh doanh gạo ở thị trường trong nước và xuất khẩu; Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác với người nông dân nhằm xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn, bảo đảm ổn định, chất lượng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

(iii) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thóc, gạo và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước; đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống hiện tượng đầu cơ, găm hàng làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nội địa và nguồn hàng phục vụ xuất khẩu.

(iv) Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua lúa, gạo trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp; đồng thời, tổ chức cập nhật, phổ biến thông tin thị trường thường xuyên, định kỳ để người nông dân và doanh nghiệp nhận định đúng tình hình, diễn biến thị trường và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh lúa, gạo phù hợp, hiệu quả.

(v) Kịp thời báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch thóc, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo của cả nước.

Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác với người nông dân nhằm xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn, bảo đảm ổn định, chất lượng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Thứ ba, đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam:

(i) Tăng cường phối hợp hơn nữa với các đơn vị của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật và truyền tải các thông tin về tình hình cung cầu thóc/gạo, nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước cho doanh nghiệp hội viên.

(ii) Làm tốt công tác điều phối hoạt động của các doanh nghiệp hội viên trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lương thực; đồng thời, chủ động phối hợp, tư vấn cho các địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, hợp chuẩn để bảo đảm điều kiện xuất khẩu.

Thứ tư, đối với các thương nhân xuất khẩu gạo:

(i) Trước hết, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng với các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Trong đó, giao cho Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị chức năng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị này.

(ii) Đối với các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: Duy trì điều kiện kinh kinh doanh xuất khẩu gạo; nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các thương nhân cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, các Bộ, ngành hữu quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam để khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết giữa Việt Nam với các đối tác để đa dạng hóa thị trường, phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng, nhất là các thị trường có FTA mà nước ta là thành viên.

Chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo). Muốn vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước để tham khảo, kiểm chứng thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.

Chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, giữa các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các Bộ, ngành liên quan; các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng các Thương nhân xuất khẩu gạo và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương

Thứ năm, đối với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương:

(i) Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các Bộ/ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để có phản ứng chính sách kịp thời và chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

(ii) Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp khai tác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.

Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ Thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, cũng như khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh để vượt qua được các rào cản của các thị trường nhập khẩu.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đề nghị các đơn vị nên có khuyến cáo thường xuyên hơn, hoặc có những buổi làm việc định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng để nêu rõ những vướng mắc, rào cản kỹ thuật hay những nguy cơ tiềm ẩn của không chỉ riêng mặt hàng gạo mà còn những ngành hàng xuất nhập khẩu khác để các Hiệp hội, doanh nghiệp nắm rõ hơn.

(iii) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ Logistics ra thị trường quốc tế và tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm Gạo Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường mới, tiềm năng; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và hiện đại nhằm thúc đẩy hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).

(iv) Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030; đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh, xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các thương nhân và bảo đảm lợi ích chính đáng của người trồng lúa; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.

Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là Cơ quan quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân xuất khẩu gạo để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo hiệu quả, bền vững.” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Huyền My