Viếng chùa Rằm tháng Giêng - nét đẹp văn hóa của người Việt

NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Theo truyền thống Phật giáo, đặc biệt là các nước Phật giáo Nam truyền, ngày Rằm tháng Giêng là ngày tụ hội của 1.250 vị Thánh Tăng tại Tịnh xá Trúc Lâm nên còn được gọi là Ngày Đại hội Thánh Tăng. Trong ngày này, Đức Phật đã kêu gọi các đệ tử nhập thế để phụng sự nhân sinh vì mục đích mang lại phúc lợi số đông và an lạc nhân loại. Do đó, ngày này, cộng đồng Phật giáo thế giới sẽ hội họp lại để nhắc nhở nhau và cam kết sẽ làm theo lời Phật, phụng sự nhân sinh và sống tốt đời đẹp đạo.

Nhiều người đến chùa chiêm bái dịp Rằm tháng Giêng.

Ngày Rằm tháng Giêng không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc Phật giáo, ngày lễ này còn có sự giao thoa với Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa. Vậy nên, ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, nghĩa là đêm trăng tròn đầu tiên của năm. Trong ngày này, người dân đến các chùa, đền, miếu… để cầu nguyện gia đạo bình an, yên vui, may mắn.

Dù là ở trong tôn giáo, truyền thống hay tín ngưỡng nào, việc giữ được nét văn hóa truyền thống luôn là điều đáng phát huy và gìn giữ. Với niềm tin tín ngưỡng của người dân Việt, những lời cầu nguyện luôn hướng tới cái chung của xã hội, rồi mới đến những lời cầu nguyện cho riêng cá nhân. Sự chuyển tiếp văn hóa này là một nét đặc sắc mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Vào ngày Rằm tháng Giêng, lượng người đi chùa lễ Phật rất đông. Ngày này, nhiều người quan niệm và khuyến khích nên ăn chay, giảm sát sinh, nói điều hay lẽ phải. Có người đi lễ chùa là thời khắc để họ thư thái, kiểm điểm lại bản thân, bình tâm nhìn lại một năm đã qua và định hướng cho bản thân trong năm tới. Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ chùa không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ đó, giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc và thấy được trách nhiệm trong việc gìn giữ nét đẹp ấy cho đời sau.

Du khách chụp hình lưu lại kỷ niệm dịp đi Lễ chùa Rằm tháng Giêng.

Có thể thấy, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đặc sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện niềm tin, hy vọng về cuộc sống hạnh phúc, no đủ, mà còn là món ăn tinh thần của người Việt, góp phần vun đắp thêm niềm yêu quý và trân trọng những giá trị cội nguồn.

Hòa mình vào dòng người Việt đi Lễ chùa ngày Rằm tháng Giêng để cầu mong sức khỏe, bình an, thì có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc mang tính lịch sử như chùa Vĩnh Tràng (TP. Mỹ Tho, tỉnh ền Giang). Nhiều du khách nước ngoài rất thích trải nghiệm cảm giác hòa mình vào dòng người đi lễ chùa, thưởng thức món ăn tinh thần thuần túy văn hóa của người Việt. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh con người, nét đặc trưng văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài, phát triển lĩnh vực dịch vụ và du lịch tại Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng.

VIẾNG CHÙA ĐẦU NĂM

Theo nhà văn Tô Hoài thì “đi chùa, lên chùa, lễ chùa” là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt Nam có từ xa xưa. Theo thời gian, qua những thăng trầm của lịch sử thì nét đẹp văn hóa truyền thống ấy vẫn được người Việt gìn giữ và trao truyền cho đến tận hôm nay. Mặc dù còn khoảng hơn 5 ngày nữa mới tới rằm tháng Giêng, thế nhưng tại các ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Vĩnh Tràng, Bửu Lâm, Sắc Tứ, Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác…, người dân và du khách náo nức đi lễ chùa. Nhiều ngôi chùa đã bố trí nơi để xe, người trông xe cho khách viếng chùa; đồng thời bố trí phật tử, thanh niên phục vụ hướng dẫn khách tham quan, cúng viếng chùa chu đáo, nhiệt tình.

Trong không gian tĩnh lặng hòa quyện vào tiếng chuông chùa ngân vang, người viếng chùa cầu mong một năm mới an lành, vạn sự hanh thông. Cô Nguyễn Thị Tuyết (phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, tôi và gia đình thường đi lễ chùa vào Rằm tháng Giêng, để cầu mong bình an cho mọi người trong gia đình và với tất cả mọi người được ấm no, an yên làm ăn, không còn phải chịu cảnh dịch bệnh khủng khiếp như trước đây. Ngày Rằm tháng Giêng, các thành viên trong gia đình tôi thường bảo nhau cư xử đúng mực, không làm việc xấu, yêu thương, giúp đỡ tất cả mọi người”.

Du khách nước ngoài được hướng dẫn viên nhí giới thiệu về nét văn hóa, kiến trúc chùa Vĩnh Tràng, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Còn với anh Nguyễn Minh Đăng, nhà ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Nhiều năm đi chùa, tôi học được rất nhiều điều bổ sung kiến thức cho bản thân. Đi ngôi chùa nào tôi cũng đều tìm hiểu những câu chuyện lịch sử riêng của nó và đi lễ chùa như thế nào, sắm lễ ra sao, mặc trang phục như thế nào… Nhưng hơn hết, đi chùa giúp tâm của mỗi người thanh tịnh hơn, được thả hồn vào đất trời, lòng người rất nhẹ nhàng”.

Ở một khía cạnh khác, cô Nguyễn Thị Thu Hà, nhà ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Chùa là nơi trang nghiêm, thanh tịnh để mọi người chiêm nghiệm, cầu mong bình an, tốt lành. Bên cạnh nhiều người ăn mặc, đi đứng rất trang nhã, lịch thiệp thì vẫn còn một bộ phận người vẫn còn ý thức chưa cao như: Trang phục chưa phù hợp, hút thuốc trong chùa, nói lớn tiếng… vô tình làm mất đi tính trang nghiêm nơi cửa Phật”.

Ngày nay người Việt vẫn luôn duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống đi chùa lễ Phật, thờ cúng tổ tiên đậm chất nhân văn trong dịp Rằm tháng Giêng, Trong làn khói nhang nghi ngút hòa quyện với tiếng chuông chùa, dòng người đi viếng chùa, lạy Phật, tất cả đều cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc và bình an.

V.PHƯƠNG - Q.MINH