Vì sao Su-47 của hãng Sukhoi 'gục ngã trước cửa thiên đường'?

Không phải MiG-1.44 là đối thủ đầu tiên của F-22 Raptor mà Su-47 Berkut mới là dòng vũ khí được thiết kế để cạnh tranh với chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của Mỹ.

Công bằng mà nói, Su-47 được coi là kiệt tác đầy tham vọng của Nga nhằm chế tạo ra một chiến đấu cơ cực mạnh thời hậu Liên Xô

Sau khi Liên Xô tan rã, tinh hoa khoa học kỹ thuật được phân bố ra các nước thành viên, Nga là nước thừa hưởng nhiều nền tảng khoa học kỹ thuật nhất, từ cơ sở này, họ đã sáng tạo ra các loại vũ khí độc đáo, trong đó có siêu tiêm kích cánh ngược Su-47

Su-47 là tiêm kích cánh ngược đầu tiên của Liên Xô, ứng dụng ý tưởng từ nguyên mẫu oanh tạc cơ Ju-287 của phát xít Đức trong Thế chiến II

Dự án chỉ được khởi động vào năm 1983 cùng thời điểm với quá trình phát triển của chiến đấu cơ F-22 Raptor. Quá trình nghiên cứu chế tạo do Viện thiết kế Sukhoi đảm trách.

Ngân sách cho dự án đột ngột bị cắt sau khi Liên Xô tan rã, nhưng Tập đoàn Sukhoi, Nga quyết định tự bỏ vốn riêng để tiếp tục phát triển với nhiều cải tiến riêng

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga quyết định xuất khẩu các chiến đấu cơ vốn được coi là quốc bảo như Su-27, MiG-31. Hãng Sukhoi nhận được nhiều hợp đồng bán Su-27 giúp họ thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Điều này giúp họ tung tiền cho các dự án đầy tham vọng.

Sau nhiều cố gắng thì đến ngày 25-9-1997, nguyên mẫu mang định danh S-37 (tên của Su-47 lúc đó) thực hiện chuyến bay đầu tiên

Đến năm 2002, Không quân Nga quyết định đổi tên S-37 thành Su-47 Berkut (Đại bàng vàng)

Thiết kế cánh ngược mang lại ưu thế về lực nâng, khả năng cơ động cao và giảm độ dài đường băng cất hạ cánh so với cánh xuôi truyền thống

Đây được coi là ưu điểm rất quan trọng trong tác chiến hiện đại khi mà các chiến đấu cơ đều có độ cơ động cao, cũng như yêu cầu các chiến đấu cơ có thể cất cánh với đường bắn ngắn nhất có thể

Việc có khả năng cất cánh đường băng ngắn sẽ rất quan trọng trong trường hợp chiến tranh nổ ra và đường băng bị đánh phá.

Tuy nhiên, nhược điểm chung của cánh ngược là phân bố lực không đều, có nguy cơ gây vặn xoắn và gãy cánh khi chiến đấu cơ bay ở tốc độ cao.

Hãng Sukhoi lúc đó đã quyết định sử dụng vật liệu tiên tiến siêu bền để làm thành phần chính của khung thân. Ban đầu họ quyết định sử dụng composite, chúng chiếm tới 90% khung thân. Những phần chính họ sử dụng hợp kim siêu nhẹ để gia cố.

Nhưng thực tế ngay cả sử dụng composite vẫn làm cho Su-47 luôn tiềm ẩn nguy cơ gãy cánh nếu bay với tốc độ quá cao. Dù cố gắng nhưng hãng Sukhoi vẫn phải thừa nhận thời điểm đó họ không tìm được vật liệu đủ tin cậy để theo đuổi thiết kế tiêm kích cánh ngược.

Do sử dụng nhiều vật liệu composite nên giúp cho độ phản hồi tín hiệu radar thấp, có thể nói, Su-47 là chiến đấu cơ bán tàng hình đầu tiên của Nga.

Su-47 có chiều dài 22,6m, sải cánh 16,7m, cao 6,3m. Trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng vũ khí khoảng 8 tấn và chúng có thể trang bị hầu hết vũ khí đang có trong kho của không quân Nga.

Su-47 Berkut trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực đẩy Lyulka AL-37FU cho phép đạt tốc độ tối đa 2.200km, trần bay 18.000m.

Thiết kế cánh ngược cùng cánh mũi giúp cho Su-47 có độ cơ động đáng nể, thậm chí ngang bằng với Su-35 hiện tại.

Tuy có nhiều tính năng hiện đại, nhưng Su-47 có giá thành sản xuất đắt đỏ và thiết kế cánh ngược mặc dù có tính cơ động, lại tiềm ẩn nguy cơ gãy rời bất cứ lúc nào nếu bay ở tốc độ quá cao.

Dự án Su-47 đã bị dừng lại, nhưng những nền tảng kỹ thuật mới của dòng chiến đấu cơ đặc sắc này đã được đưa vào áp dụng cho tiêm kích tàng hình Su-57.

Việt Hùng