Văn hóa là động lực, nền tảng cho sự phát triển của Hà Tĩnh

Toàn cảnh hội thảo.

Đề dẫn hội thảo khẳng định, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 (gọi tắt là Đề cương) đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng trong phát triển văn hóa.

Trải qua tiến trình lịch sử với nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển của đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tứ - Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú trình bày đề dẫn hội thảo.

Trước những biến động không ngừng của lịch sử và yêu cầu của sự phát triển, các luận điểm của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng. Đề cương tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung, hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa qua các thời kỳ.

Điều đó đã cho thấy, Đề cương được coi như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Hải trình bày tham luận “Phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa”.

Không chỉ có giá trị về mặt lý luận, Đề cương còn có ý nghĩa thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; mang lại nhiều chuyển biến và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong suốt nhiều thập niên qua.

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, dưới ánh sáng của Đề cương, nhất là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 5/10/1998 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thái Văn Sinh trình bày tham luận “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - những giá trị vượt thời gian".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình xây dựng, phát triển văn hóa Hà Tĩnh vẫn còn một số hạn chế nhất định: việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội; việc giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa kinh tế và văn hóa có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguồn lực của Nhà nước và xã hội dành cho xây dựng, phát triển văn hóa còn hạn chế; lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh và yêu cầu phát triển của tỉnh; môi trường văn hóa trong các mối quan hệ ứng xử, gia đình, học đường, công sở, doanh nghiệp, văn hóa tham gia giao thông, lễ hội có nơi, có lúc chưa thực sự lành mạnh, văn minh...

Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở VH-TT&DL Nguyễn Tùng Lĩnh cung cấp một số thông tin liên quan đến văn hóa như: Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO 42, đề xuất công nhận một số hiện vật là bảo vật quốc gia...

Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển Hà Tĩnh dưới ánh sánh đề cương về văn hóa Việt Nam” có ý nghĩa thiết thực nhằm tiếp tục lan tỏa những giá trị trường tồn của Đề cương; đồng thời, là diễn đàn để các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương để tìm ra định hướng, giải pháp xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ, quản lý trong và ngoài tỉnh với 46 tham luận. Các tham luận tập trung nghiên cứu, khẳng định và vận dụng những tư tưởng, quan điểm, giá trị lý luận, thực tiễn trong Đề cương vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; vận dụng vào xây dựng, phát triển tỉnh Hà Tĩnh; đưa văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng khẳng định những giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, coi đây là nền tảng, động lực cho sự phát triển đất nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hà Tĩnh là vùng đất có tiềm năng rất lớn về văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa truyền thống của con người, quê hương đã tạo nên một kho tàng văn hóa Hà Tĩnh đặc sắc; tuy nhiên, chưa khai thác hiệu quả, tương xứng tiềm năng này để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các nhà nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ quản lý tiếp tục đóng góp ý kiến, bàn các giải pháp để vận dụng các tư tưởng, quan điểm của đề cương vào phát triển văn hóa Hà Tĩnh; các địa phương, ban, ngành phải nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm trong xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa sát với nhiệm vụ chính trị; xây dựng văn hóa thành động lực, nền tảng cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Kiều Minh