Ước tính lượng vàng trong nền kinh tế Việt Nam

Việc độc quyền vàng miếng SJC dẫn đến giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao, thường xuyên cao hơn ở mức trên 10 triệu đồng/lượng so với giá vàng nhẫn trong nước và giá vàng thế giới. Ảnh: LÊ VŨ

Thêm vào đó, tương tự như nhiều quốc gia khác, đa phần vàng ở Việt Nam được các hộ gia đình dự trữ và làm đồ trang sức. Lượng vàng này sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ không thực tế nếu sử dụng bất kỳ công cụ nào để huy động một phần đáng kể của nó cho các mục đích sử dụng khác. Chưa có quốc gia nào trên thế giới làm được điều đó.

Quy mô vàng trong nền kinh tế Việt Nam

Bình quân mỗi người Việt Nam đang có gần 5,5 chỉ vàng, tương đương với 33 triệu đồng, bằng với chiếc xe máy thuộc nhóm có giá thấp nhất thị trường hiện nay. Thêm vào đó, tổng số vàng tiêu thụ năm 2023 là 55 tấn, có giá trị gần 3,5 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức tiêu dùng cho việc mua sắm điện thoại di động của cả năm (ước tính khoảng 4 tỉ đô la Mỹ).

Ước tính số tiền chi cho việc nhập khẩu vàng từ năm 1990 đến hết năm 2023 là khoảng 65 tỉ đô la. Tính theo giá vàng cuối năm 2023 thì giá trị 2.000 tấn vàng là 133 tỉ đô la. Nếu toàn bộ ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm (được coi là khoản đầu tư ổn định và sinh lợi cao trong số các lựa chọn dự trữ quốc gia), giá trị tài sản của nền kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2023 sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số 132 tỉ đô la. Thói quen nắm giữ vàng đã làm tăng đáng kể giá trị tích lũy so với việc chỉ dựa vào dự trữ ngoại hối.

Lượng vàng tích lũy trong nền kinh tế Việt Nam và giá trị so với GDP được thể hiện trong hình 1. Giá trị vàng trong nền kinh tế Việt Nam vào năm 2023 tương đương với 32% GDP, bằng chưa đến một nửa mức đỉnh điểm 72% vào năm 1991, thấp hơn đáng kể đỉnh điểm lần thứ hai vào năm 2009 (44%) và cao hơn đáng kể mức thấp nhất vào năm 2000 (20%). Mức của Việt Nam cao hơn 13,4% của thế giới, nhưng không bất thường. Ví dụ, con số ước tính vào năm 2023 của Ấn Độ là hơn 50%, và của Trung Quốc là gần 11%. Lý do là GDP/người của Trung Quốc gấp ba lần Việt Nam nên tỷ lệ chỉ bằng một phần ba, còn GDP/người của Ấn Độ chỉ bằng khoảng 61% của Việt Nam, trong khi lượng vàng bình quân/người của ba nước là tương đương nhau.

Vào cuối năm 2023, tổng tiền gửi trong nền kinh tế bằng 126% GDP, giá trị thị trường cổ phiếu bằng 55% GDP, giá trị thị trường trái phiếu (chính phủ + doanh nghiệp) bằng 34% GDP, giá trị thị trường bảo hiểm bằng 8,5% GDP. Do không có số ước tính chính thức nên chúng tôi giả định một cách thận trọng rằng giá trị bất động sản ở Việt Nam so với GDP bằng một nửa bình quân toàn cầu ở mức 200% (tính toán của Savills vào năm 2022 là xấp xỉ 400%).

Như vậy, vàng chiếm khoảng 12,5% trong danh mục vàng + tiền gửi tiết kiệm + cổ phiếu + trái phiếu + bảo hiểm); và 7% trong danh mục trên + bất động sản (hình 2). Nếu bao gồm các loại tài sản khác như tiền số chẳng hạn thì tỷ lệ vàng còn thấp hơn đáng kể.

Ước tính lượng vàng ở Việt Nam theo phương pháp so sánh với các nước trong khu vực

Sự phổ biến của vàng thể hiện rõ ở châu Á, nơi 13 nền kinh tế (Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam) chiếm 62% lượng vàng trên thế giới tiêu thụ từ năm 2010-2023.

Hình 3 trình bày tiêu thụ vàng bình quân đầu người của 10 nền kinh tế ở các năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2023 và năm 2023. Vị thế của Việt Nam không có gì bất thường. Bất chấp những biến động liên quan đến bất ổn vĩ mô, Việt Nam đứng thứ 4 vào các năm 2011 (đỉnh điểm bất ổn vĩ mô), 2012 (năm ban hành Nghị định 24) và 2022. Bình quân giai đoạn 2012-2023, Việt Nam đứng thứ 6. Đáng chú ý là Hồng Kông, Thái Lan và Việt Nam đã giảm đáng kể, trong đó Việt Nam có mức tiêu thụ vàng tăng đáng kể từ năm 2022, nên vị trí trở lại thứ 4 và giảm xuống vị trí thứ 5 vào năm 2023. Xếp trên Việt Nam năm 2023 vẫn là ba nền kinh tế lớn hơn từ một thập niên trước đó là Hồng Kông, Singapore và Thái Lan cộng với Trung Quốc.

Bình quân giai đoạn 2012-2023, tiêu thụ vàng bình quân/người của Việt Nam hàng năm là 0,66 gam, thấp hơn một chút so với mức 0,67 gam của Trung Quốc và cao hơn mức 0,57 gam của Ấn Độ. Con số của Việt Nam và Trung Quốc tương đương với mức bình quân của bảy nền kinh tế trong khu vực có mức tiêu thụ vàng lớn gồm: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Vào năm 2023 với mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam là 0,55 gam, ở mức chung của các nền kinh tế trong khu vực như Trung Quốc (0,64 gam), Thái Lan (0,6 gam), Hàn Quốc (0,53 gam), Ấn Độ (0,52 gam), Malaysia, (0,5 gam), Sri Lanka (0,47 gam), và Đài Loan (0,47 gam).

Lịch sử mỗi nền kinh tế thăng trầm khác nhau. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy số vàng bình quân đầu người trong nền kinh tế Việt Nam có những khác biệt so với các nền kinh tế khác. Có thể suy tính lượng vàng trong nền kinh tế Việt Nam từ số liệu của Ấn Độ và Trung Quốc.

Số liệu trong bảng 1 cho thấy vào cuối năm 2023, lượng vàng bình quân/người ở Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 20,31 gam và 20,05 gam. Như vậy, khả năng cao là lượng vàng bình quân/người ở Việt Nam khoảng 20 gam. Với dân số 100 triệu người vào cuối năm 2023 thì tổng lượng vàng trong nền kinh tế của Việt Nam là 2.000 tấn.

Lượng vàng ước tính ở Việt Nam hiện nay chiếm gần 1% tổng lượng vàng hiện có trên thế giới (212.000 tấn). Với dân số chiếm 1,23% toàn thế giới thì lượng vàng bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn bình quân toàn thế giới.

Ước tính dựa vào lượng vàng ở Việt Nam theo các số liệu thống kê có sẵn

Theo định nghĩa của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tiêu dùng là tổng lượng tiêu thụ đồ trang sức và tổng đầu tư vàng thỏi và tiền xu diễn ra trong một quốc gia. Theo thống kê của WGC, giai đoạn 1990-2023, Việt Nam tiêu thụ 2.027 tấn vàng.

Theo Văn kiện Đảng toàn tập, tập 50, ước tính năm 1990, TPHCM có từ 6-10 triệu lượng vàng. Giả sử thận trọng, vào năm 1990, TPHCM chiếm 6,2% dân số cả nước, nhưng chiếm hai phần ba tổng lượng vàng. Như vậy khi đó, Việt Nam có từ 330-550 tấn vàng.

Tổng hợp hai số liệu nêu trên thì lượng vàng trong nền kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2023 là 2.356-2.576 tấn.

Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước, từ năm 1998 đến tháng 11-2023, Việt Nam xuất khẩu vàng, bạc, trang sức, đá quý tương đương 577 tấn vàng, bằng 32,2% lượng vàng tiêu thụ theo thống kê của WGC trong cùng giai đoạn. Giả sử thận trọng là có khoảng 32,2% lượng vàng tiêu thụ ở Việt Nam theo thống kê của WGC đã được đưa ra khỏi Việt Nam thì số vàng trong nền kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2023 là từ 1.704-1.924 tấn.

Giá trị vàng, bạc, trang sức, đá quý xuất khẩu từ năm 2011-2023 tương đương 211 tấn vàng, bằng 25% tổng lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam theo số liệu của WGC. Tuy nhiên, phần lớn là đồ trang sức có giá trị cao hơn so với vàng nguyên chất. Thêm vào đó còn có các sản phẩm khác. Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng nguyên liệu làm trang sức xuất khẩu từ năm 2012-2023 vào khoảng 80 tấn, tương đương khoảng 10% tổng lượng vàng tiêu thụ mà WGC ước tính. Giả sử số vàng chảy ra khỏi Việt Nam là 25% so với số tiêu thụ ước tính của WGC thì số vàng trong nền kinh tế Việt Nam vào cuối năm 2023 là từ 1.850-2.070 tấn.

Như vậy, lượng vàng trong nền kinh tế Việt Nam với những ước tính nêu trên dao động từ 1.704-2.576 tấn. Tuy nhiên, khả năng hội tụ quanh mức 2.000 tấn như so sánh với các nền kinh tế châu Á nêu trên.

Huỳnh Thế Du - Nguyễn Xuân Thành