'Khi con tàu bị đâm, mọi thứ lật tung, mẹ chết ngay trước mắt tôi'

Anh Norman Riaz kể lại anh đang nằm trên giường tầng và lướt điện thoại khi tàu Millat Express chạy qua vùng nông thôn Pakistan, chỉ vài phút ngay trước khi thảm họa chết người xảy ra vào đầu ngày 7/6.

Con tàu với hành trình dài 1.300 km đang đi về hướng bắc, từ Karachi đến Lala Musa, với khoảng 600 hành khách thì bị trật bánh lúc 3h30 (theo giờ địa phương) và đâm vào một đoàn tàu khác tên Sir Syed Express.

Ít nhất 63 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong vụ việc, theo AFP.

Số người chết khả năng cao sẽ tăng lên, khi nhiều nạn nhân còn đang mắc kẹt và chưa được tìm thấy.

Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa ở Pakistan ngày 7/6. Ảnh: AP.

“Mẹ tôi chết ngay trước mắt tôi"

Trên chuyến tàu Millat Express, hành khách hạng thương gia sẽ được nằm trên giường trong khoang dành riêng của họ, trong khi những người ở hạng phổ thông ngồi tựa vai trên ghế đệm.

"Tôi đã không thể ngủ được trong hành trình này", anh Riaz nói.

Theo lời kể của anh Riaz, những người trong khoang của anh không gặp vấn đề gì nghiêm trọng sau vụ tàu trật bánh. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó thế giới của anh đã bị đảo lộn.

"Chúng tôi ngã xuống nhưng không có vết thương nào", anh nói. "Nhưng khi đoàn tàu khác tông vào chúng tôi, mọi thứ lật tung. Mẹ tôi chết ngay trước mắt tôi, mọi người đều chết".

Tương tự, hành khách Akhtar Rajput trên tàu Millat chia sẻ với AFP: “Khi tàu trật bánh, chúng tôi đã va vào nhau, nhưng không có gì quá nguy hiểm”.

"Tuy nhiên, sau đó tôi thấy một đoàn tàu khác lao vào chúng tôi. Khi tôi định thần lại, tôi thấy la liệt những hành khách khác nằm xung quanh mình, một số đang cố gắng thoát ra khỏi toa", anh cho hay.

“Tôi đã bị mất phương hướng trong khi cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với chúng tôi khi đoàn tàu kia tông phải”, anh Shahid, một hành khách khác, nói với AFP.

"Mẹ tôi chết ngay trước mắt tôi, ai cũng chết", anh Norman Riaz kể lại. Ảnh: AFP.

Sau vụ va chạm đường sắt kinh hoàng, ông Usman Abdullah, một sĩ quan cảnh sát địa phương, cho biết 13-14 toa tàu đã bị trật bánh, trong khi 6-8 toa bị "phá hủy hoàn toàn".

Hiện nguyên nhân gây ra vụ trật bánh và va chạm sau đó vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Sheikh Rashid, người từng là cựu bộ trưởng đường sắt, đã mô tả đoạn đường xảy ra tai nạn là "một sự hỗn loạn".

Trong khi đó, Bộ trưởng Đường sắt đương nhiệm Azam Swati gọi đoạn đường là "mối nguy hiểm thực sự".

“Chỉ có đèn xanh"

Ông Abdullah xác nhận thảm kịch xảy ra tại huyện Ghotki, tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan khi đoàn tàu Millat Express trật bánh và đâm vào đoàn tàu Sir Syed Express.

Tàu tốc hành Sir Syed, trong những giây phút cuối cùng của hành trình, đã lao thẳng vào đoàn tàu đối diện với tốc độ nhanh, cắt xuyên các toa tàu kim loại.

Người lái tàu tốc hành Sir Sayed cho biết ông chỉ nhìn thấy đèn xanh khi điều khiển tàu chạy dọc theo đường ray.

“Khi tàu đi qua biển cảnh báo giao nhau và tăng tốc, tôi thấy vài người ra hiệu cho tôi dừng lại”, ông Iftikhar Thaheem nhấn mạnh với truyền thông địa phương.

"Tôi đã kéo phanh khẩn cấp, nhưng đã quá muộn", ông nói trong khi đầu quấn đầy băng và đồng phục còn dính máu.

Binh sĩ Pakistan đã có mặt tại hiện trường để di chuyển đống đổ nát và hỗ trợ công tác cứu hộ, nhà chức trách cho biết.

Khi tin tức được lan truyền, người dân địa phương cũng đã đi bộ và đạp xe đến để giúp đỡ, dưới cái nắng chói chang lên tới 45 độ C.

Binh sĩ đã đứng trên một toa tàu bị lật để chỉ dẫn công tác cứu hộ. Suốt cả ngày, những người bị thương liên tục được đưa ra xe cứu thương và xe tư nhân để đến các phòng khám và bệnh viện gần đó.

Thi thể người chết được phủ khăn xếp thành hàng dài cạnh đường ray.

Binh lính và nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát sau vụ va chạm giữa hai đoàn tàu. Ảnh: Reuters.

Malik Aslam, một cư dân địa phương, nói với kênh Geo News TV của Pakistan rằng anh đếm được hàng chục thi thể khi tham gia giải cứu.

Các kỹ sư dân sự cũng đang nỗ lực làm việc để dọn dẹp và sửa chữa các đường ray.

Các vụ tai nạn tàu hỏa diễn ra khá thường xuyên tại Pakistan, khi hệ thống đường sắt và đèn tín hiệu đã xuống cấp và không được bảo dưỡng thường xuyên.

Tuyến đường sắt xảy ra tai nạn trên được xây dựng vào những năm 1880, và có rất ít thay đổi, sửa chữa trong suốt 140 năm kể từ đó.

Minh An