Nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo

Một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo

Phóng viên (PV): Năm 2023 là năm có nhiều dấu ấn trong hoạt động ĐMST của nước ta. Đâu là những dấu ấn nổi bật nhất, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Huy. Ảnh: TRANG MAI

Ông Vũ Quốc Huy: Khép lại năm 2023, vượt qua những thách thức khó khăn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động ĐMST. Nổi bật là việc phát triển thành công hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới... Đặc biệt, lễ khánh thành NIC Hòa Lạc và Triển lãm Quốc tế ĐMST Việt Nam 2023 được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm về ĐMST, mang lại nhiều cơ hội, giá trị cho các bên tham gia. NIC Hòa Lạc là điểm đến của ĐMST. Sự kiện góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ ĐMST nói riêng và trên hành trình trở thành con hổ châu Á nói chung.

PV: Hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam hiện phát triển ra sao so với các nước, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Huy: Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số ĐMST, tận dụng các thế mạnh của mình để nhanh chóng bắt kịp thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Theo Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế (tăng hai bậc so với năm 2022), đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua. Chính phủ Việt Nam đã thành lập một số quỹ và sáng kiến ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp ởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Hơn nữa, các tổ chức, tập đoàn quốc tế đang đóng góp cho hệ sinh thái Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến và chương trình khác nhau.

Đầu tư mạo hiểm của Việt Nam đang tăng lên. Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023-2025 là 1,5 tỷ USD, tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023-2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

Việt Nam đủ điều kiện để phát triển công nghiệp bán dẫn

PV: Theo ông, những khó khăn và thuận lợi lớn nhất của hoạt động ĐMST trong năm 2024 là gì?

Ông Vũ Quốc Huy: Về thuận lợi, có thể kể đến cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng internet và điện thoại thông minh. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày một hoàn thiện và đang mở rộng nhanh chóng, mang lại nhiều lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người tiêu dùng, gồm thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử. Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới. Thêm vào đó, ĐMST và khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nền kinh tế số dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022-2025.

Chiều ngược lại, Việt Nam đang thiếu cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường ĐMST bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp trong việc bảo đảm nguồn vốn, thu hút, giữ chân nhân tài. Bên cạnh đó, thiếu các thương vụ thoái vốn lớn. Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam...

PV: Nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn trong thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Vũ Quốc Huy: Với 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói, Việt Nam chỉ mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối. Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn. Đối với thiết kế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có công ty VHT (Viettel) và Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 36 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với đội ngũ nhân lực khoảng 5.600 kỹ sư. Đối với kiểm thử, đóng gói, Việt Nam có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn lắp ráp, kiểm thử, đóng gói. Hiện tại, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư. Tại Bắc Ninh, nhà máy Amkor với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD chia làm 3 giai đoạn.

Nhưng tôi cần nhấn mạnh, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực công nghệ cao dồi dào. Việt Nam có lợi thế ở khâu thiết kế và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển. Khảo sát năm 2023 của ộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện, năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam cần hành động như thế nào để gặt hái được những thành quả từ ĐMST?

Ông Vũ Quốc Huy: Theo tôi, Chính phủ cần đưa ra những chính sách và cơ chế hỗ trợ ĐMST, bao gồm việc giảm các rào cản về quy định, thủ tục hành chính, thuế, cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để khuyến khích sự sáng tạo.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, các viện-trường đại học. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, trung tâm ươm tạo... xây dựng chương trình đào tạo, thực tập để trang bị, nâng cao năng lực ĐMST cho sinh viên, nhân viên. Chính phủ cũng có thể tạo ra những chương trình khuyến khích, hỗ trợ cho các start up, các doanh nghiệp mới, gồm: Cung cấp tài trợ, mức thuế thấp, sự hỗ trợ tư vấn, quản lý, xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp ĐMST...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VŨ DUNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.