Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững

EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. (Ảnh: Vietnam+)

Kể từ 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, săm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.

Ngày 4/4, báo Việt Nam News và Công ty Cổ phần và Quảng cáo Hội chợ Thương mại VINEXAD đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi.” Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024) tại Hà Nội.

Truyền thông góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng

Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam-Đoàn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh: “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một nội dung có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.”

Vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sống của người dân luôn được đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách. Ngày 1/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, các bộ, ban, ngành đã và đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy chuyển đổi xanh, xây dựng lộ trình, quy định để đưa mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn sản xuất. Một trong những chính sách nổi bật là quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam-Đoàn Thị Tuyết Nhung. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới. EPR được coi là một công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, việc thực hiện EPR sẽ góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Với trách nhiệm của cơ quan báo chí, truyền thông, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến thông tin nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất cũng như công chúng về thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… Điều này sẽ thay đổi thực hành sản xuất và hành vi tiêu dùng dựa trên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực và tài nguyên.

Với vai trò cơ quan thông tấn chủ lực đa phương tiện, bà Nhung cho biết Thông tấn xã Việt Nam đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng các loại hình thông tin, trên nhiều nền tảng, hướng tới nhiều đối tượng công chúng, đóng góp hiệu quả vào quá trình hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

“Với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cũng như tạo dựng mối quan hệ hợp tác trong quá trình thực thi EPR, Thông tấn xã Việt Nam đã giao báo Việt Nam News – Tờ báo đối ngoại Quốc gia, cũng là tờ báo tiếng Anh hàng ngày duy nhất ở Việt Nam, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc tọa đàm này," bà Nhung chia sẻ.

EPR là cơ hội để phát triển bền vững

Trên cơ sở phân tích những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện EPR, tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến quan trọng của các chuyên gia, nhà quản lý, các đối tác nước ngoài với những ý tưởng, giải pháp thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp thực thi EPR một cách hiệu quả.

Theo quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Tại sự kiện, các chuyên gia có chung quan điểm EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi,” ngày 4/4. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ EPR. Do đó, đây là một thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai và thực thi một cách thông suốt và hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các cơ quan chuyên môn mà còn cả sự đồng hành của toàn xã hội.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng, nơi họ sản xuất kinh doanh và cũng nhằm mục đích đạt được phát triển bền vững cho mô hình doanh nghiệp.

“Đối với các nhà tái chế, thì đây là một cơ hội có thể nói là rất tốt chưa từng có vì họ sẽ có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR, bên cạnh nguồn từ sản xuất kinh doanh,” ông Phan Tuấn Hùng nói.

Đi vào vấn đề cụ thể, bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam, cho rằng việc quản lý quỹ nguồn thu từ EPR theo đúng luật nguồn sẽ dành cho các doanh nghiệp tái chế. Do đó, sử dụng quỹ này để hộ trợ cho lực lượng thu gom phi chính thức là rất khó. Bà Thanh đề nghị có chính sách hỗ trợ giá thu mua phế liệu thu gom, để người lao động có thể tự vận hành công việc của mình.

Bà Thanh chia sẻ PRO Việt Nam đang thực hiện những hỗ trợ như cấp bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tại nạn cho những lao động ở khối phi chính thức này. Song, bà Thanh nhấn mạnh những người lao động thu gom phế liệu thường mặc cảm về giá trị công việc. Vì vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ và truyền thông xã hội nhằm động viên công việc của họ.

“Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm xã hội lãng phí khoảng 3 tỷ USD từ rác thải không được tái chế. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần có trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên nguyên sinh cho thế hệ tương lai. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức về giá trị công việc của người lao động thu gom phế liệu là rất cần thiết. Từ việc thay đổi nhận thức sẽ chuyển biến hành vi và cần xây dựng có hệ thống với sự tham gia của các bên liên quan, trong đó quan trọng nhất là các cấp quản lý Nhà nước,” bà Thanh nói./.

(Vietnam+)