Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Bài 1
ĐẨY MẠNH TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP

Chỉ tiêu chung của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 30% năm 2023, 35% năm 2024 và 40% năm 2025; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng đạt 35% năm 2023, 40% năm 2024 và 45% năm 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra, không phải thời gian gần đây mà nhiều năm trước Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT được xem là giải pháp căn cơ nhất.

Hiệu ứng tích cực

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp các đơn vị, cơ sở GDNN đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại các buổi tư vấn, học sinh, phụ huynh và giáo viên được nghe các cơ sở GDNN giới thiệu về trường, các ngành nghề học tập, lợi ích khi tham gia học nghề sau THCS, THPT; cùng với đó được nghe Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin về nhu cầu nguồn lao động, mức thu nhập, cơ hội tìm việc làm hiện tại cũng như trong tương lai. Trong thời gian có hạn nhưng buổi tư vấn đã nâng cao nhận thức của học sinh về GDNN, giúp các em chọn hướng đi thích hợp với bản thân, hoàn cảnh gia đình sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.

Em Võ Thị Thu Thủy, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, huyện Bù Đăng chia sẻ, thông qua các buổi tư vấn đã giúp em nâng cao hiểu biết về GDNN, từ đó sẽ chọn hướng đi phù hợp với bản thân. Theo Thủy, đối với các bạn hoàn cảnh khó khăn, học lực trung bình nên chọn những trường dạy nghề để bớt chi phí cũng như nhanh có việc làm.

Đồng quan điểm, em Lê Khánh Linh, học sinh lớp 81, Trường THCS Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng cho rằng, thông qua buổi hướng nghiệp, bản thân đã có suy nghĩ, cách nhìn khác. Đó là không nhất thiết phải học lên cao, nếu cuối bậc THCS cảm thấy học lực không thể lên THPT thì chọn học nghề.

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp được đẩy mạnh, góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, huyện Bù Đăng được tư vấn, giải đáp thắc mắc trong khuôn khổ chương trình hướng nghiệp tổ chức tại trường

Thầy Nguyễn Hữu Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết: Hiện nay, công tác phân luồng được Ban Giám hiệu, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm tích cực tư vấn, định hướng để các em hiểu và lựa chọn hướng đi phù hợp. Đối với những em học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chọn các cơ sở GDNN để học, bởi vào trường nghề được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí học tập, ra trường dễ kiếm việc làm. Đặc biệt, những em học lực yếu nếu cứ cố gắng học lên THPT sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi, dễ nảy sinh tư tưởng chán nản, bỏ học giữa chừng, tốn kém chi phí và mất thời gian. Vì vậy, nhà trường rất quan tâm, chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS. Và chắc chắn sau buổi tư vấn do các đơn vị tổ chức tại trường, các em sẽ có cách nhìn sáng suốt, định hướng được nghề nghiệp và chọn lựa cho mình hướng đi thích hợp trong tương lai.

…và những rào cản

Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cũng là giải pháp để các trường, chính quyền địa phương thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đạt kết quả tốt. Tuy vậy, công tác phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn và chưa đạt mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ đề ra với nhiều lý do.

Cô Nguyễn Lê Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Trung chia sẻ: Công tác phân luồng học sinh sau THCS rất quan trọng đối với mọi cá nhân cũng như toàn xã hội hiện nay. Trường THCS Nghĩa Trung không đứng ngoài mà đã nhận thấy tầm quan trọng và rất quan tâm đến công tác này. Tuy nhiên, công tác phân luồng tại đơn vị gặp nhiều khó khăn, rào cản. Đó là độ tuổi học sinh bậc THCS chưa nhận thức sâu, định hình rõ ràng, chắc chắn về nghề nghiệp cho tương lai, nhưng có lẽ khó khăn nhất chính là ở phụ huynh, bởi ai cũng muốn con em mình học tới nơi tới chốn, phải học cao… Đã là học sinh cuối cấp THCS nhưng phụ huynh vẫn nghĩ con em mình còn quá nhỏ, nếu đi học nghề sẽ sớm xa gia đình nên không yên tâm. Bởi vậy, phụ huynh luôn mong muốn con em học lên THPT, biết đâu cứ nỗ lực, cố gắng sẽ thành công.

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại trường học trên địa bàn huyện Bù Đăng năm 2024 thu hút đông học sinh tham gia

Theo cô Thảo, giải pháp phân luồng hiệu quả của trường là qua từng tiết học, nhất là tiết sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm sẽ phân tích, định hướng học sinh theo đúng năng lực, sở trường của mỗi em. Cụ thể, những em học lực khá, giỏi sẽ định hướng học lên THPT; những em còn lại, giáo viên phân tích để thấy rằng không phải chỉ có học lên THPT, đại học là con đường thành công, duy nhất, sau khi tốt nghiệp THCS sẽ có nhiều hướng đi, chọn những ngành nghề phù hợp năng lực, hoàn cảnh gia đình... Từ đó chính các em là những “tuyên truyền viên” đắc lực về trao đổi, tư vấn cha mẹ trong việc định hướng cho bản thân sau tốt nghiệp THCS.

Đối với phụ huynh, thông qua các buổi họp, qua Zalo lớp hoặc có thể trao đổi riêng với giáo viên chủ nhiệm để biết lực học của con mình. Nếu học lực trung bình, yếu mà cứ cố lên THPT sẽ “mất cả chì lẫn chài”, trong khi nếu chọn trường nghề phù hợp sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và dễ tìm được việc làm với thu nhập khá. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều phụ huynh, học sinh từng bước thấm nhuần và đồng tình với nhà trường, từ đó số học sinh vào các trường nghề đã tăng hằng năm.

“Nhiều phụ huynh luôn có tư tưởng cho con em mình học lên đại học để lấy bằng cấp, nhưng khá nhiều em lấy được bằng cử nhân, thậm chí thạc sĩ không xin được việc làm đã quay trở lại học nghề để tìm cơ hội khác. Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng rất nhạy bén với thời cuộc, đã cho con em mình đi học nghề. Bằng chứng là học sinh sau THCS, THPT vào Trường cao đẳng Bình Phước tăng dần từng năm. Khi các em học nghề ra trường được doanh nghiệp chào đón, tạo việc làm ổn định với mức lương khá cao” - cô Nguyễn Bích Liên, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Phước cho biết.

Vũ Thuyên