Tình trạng phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình trở nên nghiêm trọng trong xã hội hiện đại

Những người mẫu mới của hãng nội y nổi tiếng Victoria's Secret với sự đa dạng về ngoại hình,

Một người quản lý quyết định sẽ sa thải một phụ nữ vì anh ta không thích làn da của cô ấy. Nếu anh ta sa thải cô ấy vì làn da của cô ấy là màu nâu, đó được gọi là phân biệt chủng tộc và sẽ có hình thức xử lý theo pháp luật đối với người quản lý này. Nếu anh ta sa thải cô ấy vì làn da của cô ấy nữ tính, đó là phân biệt giới tính và anh ta cũng sẽ nhận hình thức xử lý. Nếu anh ta sa thải cô ấy vì làn da của cô ấy có vết rỗ và anh ta thấy cô ấy không xinh đẹp thì chúng ta sẽ không nói nhiều về điều đó. Ở hầu hết các bang ở Mỹ đều không có hình thức pháp lý nào được sử dụng đối với việc này.

Thật khó hiểu. Chúng ta đang sống trong một xã hội chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên nhiều đặc điểm: giới tính, chủng tộc,... Thế nhưng, một trong những hình thức phân biệt đối xử là ngoại hình, là định kiến chống lại những người khó coi lại gần như không thu hút bất kỳ sự chú ý nào và ít gây ra sự phẫn nộ. Tại sao?

Chủ nghĩa ngoại hình bắt đầu với những định kiến và khuôn mẫu, giống như những hình thức chủ nghĩa bè phái khác.

Các nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết mọi người nhận định một khuôn mặt “hấp dẫn” sẽ có các đặc điểm cân đối, dễ nhìn. Chúng ta nhận ra và phân loại những khuôn mặt này dễ dàng hơn những khuôn mặt bất thường và “kém hấp dẫn” hơn. Vì vậy, từ cách xử lý của bộ não, chúng ta cảm thấy những người xinh đẹp “dễ nhìn hơn”.

Những người hấp dẫn có thêm một chút lợi thế về ngoại hình. Nhưng sau đó mọi người lại sử dụng tất cả các loại định kiến không liên quan để áp đặt lên ngoại hình của người khác. Qua các cuộc khảo sát, những người có vẻ ngoài xinh đẹp được mô tả là đáng tin cậy, hiểu biết, thân thiện, dễ mến và thông minh, trong khi người kém hấp dẫn bị gán những định kiến ngược lại. Đây là một phiên bản của hiệu ứng hào quang.

Không phải luôn luôn, nhưng rất nhiều lần, những người có ngoại hình đẹp được đối xử tốt hơn cả. Nghiên cứu cho thấy rằng họ có nhiều khả năng được mời phỏng vấn xin việc hơn, có nhiều khả năng được tuyển dụng hơn trong cuộc phỏng vấn và có nhiều khả năng được thăng chức hơn, có nhiều khả năng nhận được các khoản vay hơn và có lãi suất thấp hơn đối với các khoản vay này so với những người có vẻ ngoài không ưa nhìn.

Theo tờ Thời báo New York, các tác động của sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình xuất hiện ở khắp nơi. Các nhà kinh tế học hấp dẫn có nhiều khả năng theo học các chương trình sau đại học cấp cao hơn và các bài báo của họ được trích dẫn thường xuyên hơn các bài báo của các đồng nghiệp kém hấp dẫn khác. Một nghiên cứu cho thấy rằng khi những tội phạm không hấp dẫn phạm trọng tội vừa phải, mức phạt của họ cao hơn khoảng bốn lần so với những kẻ phạm trọng tội nhưng có ngoại hình ưa nhìn.

Daniel Hamermesh, một học giả hàng đầu trong lĩnh vực này, đã quan sát thấy rằng một công nhân Mỹ có ngoại hình ở vị trí thứ 7 hàng cuối kiếm được ít hơn khoảng 10 đến 15% mỗi năm so với một công nhân ở vị trí thứ 3 hàng đầu. Một người kém hấp dẫn sẽ mất gần một phần tư triệu đô la thu nhập trong cuộc đời của họ.

Ảnh hưởng tổng thể của những thành kiến này là rất lớn. Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy nhiều người cho biết họ bị phân biệt đối xử vì ngoại hình hơn là vì sắc tộc của họ.

Trong một nghiên cứu được công bố trên số mới ra của Tạp chí Xã hội học Mỹ, Ellis P. Monk Jr., Michael H. Esposito và Hedwig Lee báo cáo rằng, khoảng cách thu nhập giữa những người hấp dẫn và kém hấp dẫn vượt quá khoảng cách thu nhập giữa người da trắng và người da đen. Có những người đáp ứng tiêu chí về vẻ đẹp nổi trội về mặt xã hội nhận thấy thu nhập của họ tăng lên; lại có những người không kiếm được trung bình 63 xu trên một đô la của những người có sự ưa nhìn.

Tại sao chúng ta lại quá thờ ơ về dạng phân biệt đối xử này? Có thể mọi người nghĩ rằng do chủ nghĩa ngoại hình đã ăn sâu vào bản chất con người và chúng ta không thể làm được gì nhiều để thay đổi. Có thể là do không có một “hiệp hội những người xấu xí quốc gia” được thành lập và thúc đẩy sự thay đổi. Nhà kinh tế học Tyler Cowen lưu ý rằng tầng lớp có học vấn thường áp dụng các tiêu chuẩn về độ gầy và ăn mặc nghiêm ngặt nhất. Vậy có lẽ chính chúng ta cũng không thích kiểm soát những định kiến mà chúng ta vẫn luôn mắc phải?

Rất khó để đi ngược lại các giá trị cốt lõi của nền văn hóa của chúng ta, ngay cả khi ta biết đó là điều đúng đắn và cần được hiện thực hóa.

Trong vài thập kỷ qua, phương tiện truyền thông xã hội, chế độ nhân tài và văn hóa danh nhân đã kết hợp để tạo thành một nền văn hóa hiện đại với các giá trị gần như ngoại giáo (Paganism). Nền văn hóa này đặt trọng tâm vào việc phô trương sự cạnh tranh, thành công cá nhân và ý tưởng rằng vẻ đẹp hình thể là một dấu hiệu bên ngoài của vẻ đẹp đạo đức và giá trị tổng thể.

Văn hóa ngoại giáo ủng hộ một hình tượng lý tưởng nhất định - những người được thiên phú về mặt di truyền trong các lĩnh vực thể thao, trí thông minh và sắc đẹp. Nền văn hóa này coi béo phì là một điểm yếu về đạo đức và là một dấu hiệu cho thấy bạn thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn.

Văn hóa ngoại giáo hiện đại có một vị trí quan trọng trên đấu trường thể thao, môi trường đại học và màn hình truyền thông xã hội - nơi vẻ đẹp, sức mạnh và chỉ số IQ có thể được thể hiện theo cách ấn tượng nhất.

Triết lý này làm nền tảng cho nhiều quảng cáo cho giày thể thao và phòng gym - ở đó, thiên phú về thể chất và đạo đức tốt là một. Đó là triết lý của người CEO thích được vây quanh bởi một đội ngũ nhân viên gợi cảm (“Tôi phải là người chiến thắng vì xung quanh tôi là những người xinh đẹp”), của tạp chí thời trang có các bài báo về công bằng xã hội được xen kẽ với những bức ảnh của những trai xinh gái đẹp (“Chúng tôi tin vào sự bình đẳng xã hội, miễn là bạn phải đẹp”). Triết lý này cũng được áp dụng như một cách chào giá trên TikTok của những người theo chủ nghĩa ngoại hình.

Trong một xã hội mà cái đẹp được tôn vinh đến mức ám ảnh thì những người không ưa nhìn sẽ bị coi thường. Giải pháp duy nhất để xóa bỏ tình trạng này đó là thay đổi các tiêu chuẩn và định kiến về ngoại hình. Điều kỳ lạ là ví dụ của sự thay đổi này lại đến từ hãng nội y nổi tiếng với những “Thiên thần” - Victoria’s Secrets. Hãng đã thay thế những "Thiên thần" với nhan sắc và thân hình mỹ miều của mình bằng bảy người phụ nữ có ngoại hình đa dạng hơn. Khi Victoria's Secret đi đầu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa ngoại hình thì chúng ta cũng cần làm gì đó để tiến tới sự công bằng cho xã hội.

Lan Hương (Theo The New York Times)