'Thiện xạ-83': 7 ngày NATO nằm dưới thanh gươm hạt nhân

Bối cảnh ngột ngạt đầu thập niên 80 của thế kỷ 20

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã giải mật các tài liệu tình báo, đưa ra công khai những chi tiết về cuộc tập trận “Thiện xạ-83” (Able Archer 83) của NATO hồi tháng 11 năm 1983, suýt chút nữa làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 3.

Tài liệu giải mật từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bao gồm nhiều tiết lộ về tình hình bất ổn nảy sinh vào năm 1983, cũng như một văn bản gần như hoàn toàn chưa được chỉnh sửa mà tác giả là một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, Trung tướng Leonard Perruts.

Năm 1983, mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc-Đại Tây Dương (NATO) và khối Hiệp ước Warsaw đã leo thang đến cực hạn.

Nguyên nhân xuất phát từ hàng loạt yếu tố: Luận điệu chống Cộng sản gay gắt của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, cuộc xâm nhập của quân Mỹ vào Grenada, sự việc Mỹ điều động tên lửa tầm trung “Pershing-II” đến châu Âu, sự tập trung quân của NATO gần biên giới các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu.

Thêm vào đó, vào đêm rạng ngày 01 tháng 9 năm 1983, các chiến đấu cơ của Liên Xô trên vùng Viễn Đông đã bắn hạ đối tượng vi phạm biên giới là chiếc máy bay dân dụng Boeing 747 của Hàn Quốc.

Ngoài ra, không thể không tính đến một yếu tố khác, đó là cuộc chiến tranh ở Afghanistan mà Liên Xô can dự trực tiếp còn phương Tây tham gia gián tiếp tham gia.

Vào thời điểm đó, ở Mỹ và châu Âu đã vang lên những lời hô hào “trừng trị” Moscow. Tình thế căng thẳng đến nỗi người ta cảm nhận được rằng, bất cứ lúc nào “Chiến tranh Lạnh” cũng có thể trở thành cuộc “Chiến tranh nóng”.

Mùa thu năm 1983, cục diện căng thẳng đối đầu giữa Liên Xô với Mỹ-NATO giống hệt như trong thời gian cuộc khủng hoảng Caribe vào mùa thu năm 1962 (còn được gọi là cuộc “Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962”), đưa thế giới mấp mé bên bờ vực diệt vong.

Thời chiến tranh lạnh, Mỹ đã triển khai tên lửa tầm trung Pershing II ở châu Âu

Cuộc tập trận vô cùng quan trọng với NATO

Trong bối cảnh đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các cơ quan đặc nhiệm và quân đội Xô viết chú ý đến sự kiện NATO tiến hành tập trận quy mô lớn Able Archer-83, nhằm nâng cao khả năng chỉ huy kiểm soát quân đội trong quá trình xảy ra xung đột hạt nhân tiềm ẩn.

Điều kiện diễn tập đều sát gần với thực tế chiến đấu, đến mức công bố kịch bản sẵn sàng chiến đấu “như trong tình trạng chiến tranh”.

Đích thân Tổng thống, Phó Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cùng với Thủ tướng Anh, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức cũng trực tiếp theo dõi cuộc tập trận. Điều này cho thấy giới lãnh đạo phương Tây coi trọng cuộc tập trận này như thế nào.

Tương ứng với mối quan tâm, khối NATO cũng đã huy động phần tham gia của các lực lượng vũ trang cũng như các cơ quan dân sự của toàn thể các nước trong khối Liên minh.

Nhịp độ các cuộc trao đổi vô tuyến mã hóa giữa Washington và London đột ngột tăng vọt, mà tình báo Liên Xô ngờ rằng nội dung trong đó là các cuộc tham vấn bàn bạc về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phía Mỹ khăng khăng là họ không định gây hấn, rằng giữa Moscow và Washington đã có “sự hiểu lầm”. Nhưng họ hành động như vậy thì làm sao Liên Xô có thể tin được những lời giải thích?

Sau khi sự việc diễn ra, báo cáo của Ban cố vấn tình báo nước ngoài của Tổng thống (PFIAB) đánh giá, phản ứng của Liên Xô và Tổ chức Hiệp ước Warsaw đối với cuộc tập trận Able Archer là chưa từng có.

“Vào năm 1983, có thể chúng tôi đã vô tình đặt quan hệ của chúng ta với Liên Xô bên bờ vực cuộc chiến hạt nhân” - các tác giả của một tài liệu mật vừa được công bố đã thừa nhận rằng, Hoa Kỳ đã không tính đến khả năng phản ứng tiềm tàng của Liên Xô đối với cuộc tập trận Able Archer 83.

Xe tăng T-64 của Lục quân Liên Xô trong một cuộc tập trận

Chính các nhà phân tích Mỹ khẳng định rằng, cuộc tập trận “Thiện xạ - 83” của NATO hồi tháng 11 năm 1983 chỉ chút nữa là làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 3, bởi Liên Xô coi đây là chuẩn bị cho cuộc xâm lược và cũng đã thực sự sẵn sàng chống trả.

Liên Xô nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu hạt nhân

Liên Xô và Nga không đưa ra bình luận chính thức nào về phản ứng của Matxcơva đối với cuộc tập trận Able Archer. Nguồn thông tin duy nhất về hành động của phía Liên Xô trong những ngày đó là lời khai của tên phản bội Oleg Gordievsky cung cấp cho tình báo Anh.

Các tài liệu lưu trữ được giải mật của cơ quan tình báo Mỹ lần đầu tiên tiết lộ quan điểm của Washington về tình hình phát triển hồi mùa thu năm 1983.

Tưởng định của Able Archer-83 là “dường như binh sĩ của khối Hiệp ước Warsaw đã có những hành động thù địch chống lại NATO, mưu toan sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Do đó, các cuộc tập trận lớn là cần thiết, để vạch ra phương thức hành động của quân đội NATO nếu đột nhiên kịch bản nguy cơ trở thành hiện thực.

Trong khi đó, Điện Kremlin đánh giá những gì đang diễn ra ở châu Âu như là động thái tổ chức một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Moscow và các đồng minh của Liên Xô.

Chẳng hạn, theo dữ liệu giải mật của tình báo Mỹ, trong suốt thời gian diễn ra cuộc tập trận của NATO, trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô thông báo nâng cao mức sẵn sàng chiến đấu, các sở chỉ huy quân sự đều tăng cường các ca trực chiến bổ sung.

Hai nhóm không quân Liên Xô được triển khai tại hàng chục sân bay ở Cộng hòa Dân chủ Đức và Ba Lan, đã ban hành chế độ 30 phút sẵn sàng xuất kích. Lực lượng căn bản của đội quân này là những máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân, đó là chiến đấu cơ đa năng Su-27, máy bay tiêm kích-ném bom Su-17 và máy bay ném bom tiền tuyến Su-24.

Theo dữ liệu có được, vào ngày 2 tháng 11 năm 1983, Tập đoàn không quân “Cờ đỏ 16”, khi đó đang đóng tại Cộng hòa Dân chủ Đức, đã đưa các máy bay vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Máy bay được trang bị vũ khí hạt nhân phải có nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu của đối phương ở tuyến đầu.

Máy bay tiêm kích - ném bom Su-17 của Không quân Liên Xô

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các phi đội sấm sét này có thể phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật với tổng công suất 30 kiloton vào lực lượng quân đội NATO. Để so sánh, lượng nổ này mạnh hơn gấp đôi công suất của quả bom hạt nhân mà người Mỹ ném xuống Hiroshima hồi tháng 8 năm 1945.

Tình báo Mỹ, NATO không nhạy bén

Liên Xô đã sửa soạn nghênh chiến một cách nghiêm túc và phương Tây cuối cùng cũng đã hiểu ra điều này, nhưng đó là mãi về sau. Thế giới đã được cứu vãn khỏi đại họa Thế chiến III do thực tế là những nhân vật nắm quyền quyết định không phải bao giờ cũng luôn nhận được thông tin tình báo kịp thời đúng lúc.

Trong các tài liệu lưu trữ được giải mật có lời khai của Trung tướng Leonard Perruts, Giám đốc tình báo của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Châu Âu (USAFE). Ông này nhớ lại rằng trong quá trình tập trận, ông đã liên lạc với Tư lệnh của USAFE là Tướng Minter.

Perruts thông báo: “Minter hỏi tôi, chuyện gì đang xảy ra ở Đông Đức vậy? - Tôi trả lời: Chẳng có cơ sở đầy đủ nào để phải nâng cao mức sẵn sàng chiến đấu của quân đội ở châu Âu. Nhưng giá như khi đó tôi biết chi tiết về những gì đang diễn ra ở bên kia biên giới, không biết tôi sẽ nói gì với chỉ huy”.

Có lẽ sự thiếu thông tin của Perruts đã ngẫu nhiên ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và khối Hiệp ước Warsaw, vốn nhiều khả năng biến thành cuộc chiến hạt nhân, khi các vị tướng Tư lệnh Mỹ ở châu Âu không hề nhận được tin tình báo về sự nâng cấp lực lượng hạt nhân của Liên Xô.

Chỉ sau cuộc tập trận, tình báo Mỹ mới khá choáng váng nhận ra rằng lực lượng NATO đã nằm dưới “thanh gươm hạt nhân” của Liên Xô trong suốt hơn một tuần lễ. Và chính bản thân phương Tây đã kích động dẫn đến tình trạng như vậy.

Từ những sự kiện của 38 năm trước cho thấy cần rút ra bài học không chỉ cho phương Tây, không riêng cho Nga, mà là bài học cho tất cả các nước.

Những tuyên bố hùng biện hiếu chiến và các chiêu trò đẩy hai bên đến “bờ vực chiến tranh” gây khó chịu cực kỳ cho các láng giềng và có thể biến thành cuộc đụng độ thực tế. Trong điều kiện như vậy, chỉ một động tác nhỏ nhất cũng đủ để mở đầu cuộc phóng tên lửa lớn.

Huy Bình