Thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Nhu cầu tăng cao

Ngành mỹ phẩm là một trong những ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ngành này bao gồm các sản phẩm làm đẹp cho da, tóc và cơ thể, bao gồm cả mỹ phẩm trang điểm. Tại Việt Nam, ngành làm đẹp cũng đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, trở thành phân ngành phát triển nhanh nhất trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bản thân cũng tăng lên, qua đó giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm phát triển hơn.

Nói về sự tăng trưởng mạnh mẽ này, đại diện của Công ty cổ phần mỹ phẩm quốc tế OME cho biết: “GDP của Việt Nam cũng như sức tiêu dùng, sức mua của Việt Nam đang tăng theo thời gian. Trong các thập niên gần đây, sức mua của người Việt Nam đã tăng đến khoảng mấy chục lần, đặc biệt là ở lĩnh vực thời trang và mỹ phẩm. Thu nhập cao hơn thì việc người Việt Nam, những phụ nữ Việt Nam, họ yêu cầu, mong muốn một sản phẩm nước ngoài chất lượng cao càng nhiều hơn. Thế nên, thị trường Việt Nam không chỉ hút các thương hiệm mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cả những thương hiệu của châu Âu, châu Mỹ”.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút nhiều thương hiệu ngoại.

Trong một cuộc khảo sát được Q&Me thực hiện với sự tham gia của 353 người ở độ tuổi từ 25 đến 45 tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cho thấy, có tới 95% số người tham gia khảo sát sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp ít nhất một lần/tuần. Trong số này, có 62% sử dụng ít nhất hai lần/tuần. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu mua sắm các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp ngày càng tăng tại Việt Nam.

Theo Statista, doanh thu của thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 2,2 tỷ USD, dự kiến đạt 2,69 tỷ USD vào năm 2027. Tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt giai đoạn 2023 – 2027 ước đạt 3,32%. Trong khi đó, theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.

Gen Z là động lực tăng trưởng của thị trường

Gen Z được các chuyên gia đánh giá là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt trong những năm tiếp theo.

Trong năm 2023, phân khúc giá dưới 500.000 đồng chiếm đến 80% thị phần doanh số của ngành hàng mỹ phẩm. Trong đó, phân khúc trong tầm giá 100.000 - 200.000 đồng là phân khúc giá bán chạy nhất. Phân khúc có doanh số cao nhất là từ 200.000 - 500.000 đồng với gần 8.000 tỷ đồng, chiếm 35% thị phần toàn ngành hàng.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997 – 2012) lớn lên trong thời kỳ internet bùng nổ, dễ bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo trực tuyến, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt trong những năm tiếp theo.

Với cơ cấu về khách hàng và sản phẩm như trên, các thương hiệm mỹ phẩm cũng có những sách lược nhằm tận dụng tối đa “sức nóng” của thị trường. “Về phân khúc khách hàng, đối tượng các thương hiệu nhắm tới khá rộng. Nhưng trên cương vị là một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong mảng phân phối mỹ phẩm Hàn Quốc tôi thấy, họ quan tâm đến những người đã có thu nhập, khoảng từ 22 tuổi trở lên. Tôi đánh giá, đây sẽ là phân khúc có sức mua lớn nhất và đây cũng là tệp khách hàng đa số các thương hiệu ngoại hướng đến để duy trì sức mua lâu dài. Tôi đánh giá thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn nhiều dự địa để phát triển”, đại diện OME chia sẻ.

NAM ANH