Huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh cải cách công tác hành chính

Trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tăng cao

Là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với trên 83% là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân còn khó khăn trong tiếp cận với internet và thiếu kĩ năng thao tác trên các thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính. Do vậy, cùng với tuyên truyền hướng dẫn trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động, cấp phát tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), huyện Tân Sơn đã lựa chọn một số thủ tục dễ thực hiện, phát sinh nhiều hồ sơ để trực tiếp hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.

Hiện nay, UBND cấp huyện, cấp xã duy trì, tổ chức hoạt động của Bộ phậnTiếp nhận và Trả kết quả, đảm bảo đưa 100% các TTHC liên quan đến công việc của cá nhân, tổ chức vào giải quyết theo cơ chế một cửa theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Việc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, đôn đốc, giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của huyện, của xã được quản lý tập trung, thống nhất và đã phát huy hiệu quả, từ đó tạo được sự yên tâm, tin tưởng cho người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC.

Anh Phùng Xuân Quảng - Cán bộ phụ trách Bộ phận Một cửa UBND huyện Tân Sơn cho biết: Từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, Bộ phận Một cửa đều bố trí cán bộ trực, hỗ trợ công dân đến làm thủ tục. Các thành viên có nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tra cứu, scan tài liệu và nộp hồ sơ DVCTT.

Nếu như trước đây để triển khai văn bản chỉ đạo cấp trên và giải quyết TTHC cho người dân, cán bộ văn thư mất nhiều thời gian in ấn, photo tài liệu để chuyển đến đầu mối các bộ phận. Từ khi triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành gắn với ký số đến nay, những công đoạn đó đã được giảm tải rõ rệt. Có thể nói, bằng các giải pháp quyết liệt và cách làm mới, Tân Sơn liên tục là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tỉ lệ thực hiện DVCTT. Trong 06 tháng đầu năm 2021, huyện đã tiếp nhận 4.214 hồ sơ trực tuyến, chiếm 87,92% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. trong đó: Số hồ sơ phải tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 3, 4 theo đúng quy trình công bố TTHC của UBND tỉnh là 2.401/2.401 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; Số hồ sơ phải tiếp nhận và giải quyết ở mức độ 4 theo đúng quy trình công bố TTHC của UBND tỉnh là 1.800/1800 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%.

Khai trương bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hiện đại huyện Tân sơn

Tiên phong trong xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử

Tân Sơn là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn, trong đó đề cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND huyện và từng cán bộ công chức.

Đồng chí Tạ Ngọc Yến - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để vận hành đồng bộ chính quyền điện tử từ cấp huyện đến cấp xã điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, lề lối làm việc. Từ việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số đến quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng; tăng cường họp trực tuyến, sử dụng DVCTT… đều được UBND huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đánh giá xếp loại các cơ quan, đơn vị hằng năm”.

Điểm mới trong cách làm của Tân Sơn đó là UBND huyện đã thành lập Tổ công tác gồm 5 - 7 thành viên do đồng chí Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND làm trưởng bộ phận trực tiếp xuống các xã hướng dẫn cho cán bộ tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống Cổng DVCTT và Một cửa điện tử của tỉnh.

UBND huyện thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với UBND các xã.

Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cấp xã, trong đó yêu cầu đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng bộ phận. Việc kiện toàn này giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm, kịp thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân trên môi trường mạng.

Xác định để khai thác hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh, công tác đào tạo, tập huấn giữ vai trò hết sức quan trọng. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp nhận, xử lý TTHC trên hệ thống Cổng DVCTT, sử dụng chữ ký số, chứng thư số trên thiết bị di động (ký SIM), hệ thống quản lý văn bản và điều hành, DVCTT cho lãnh đạo, cán bộ cấp xã - lực lượng nòng cốt làm công tác triển khai ứng dụng CNTT tại cơ sở. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT; triển khai cấp bổ sung máy tính, trang thiết bị cần thiết phục vụ xây dựng chính quyền điện tử cho 100% các xã trên địa bàn để đảm bảo vận hành, kết nối các phần mềm dùng chung của tỉnh. Việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng CNTT và đẩy mạnh ứng dụng CNTT góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến cơ sở; nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Không những vậy, thời gian qua, huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra của UBND huyện do đồng chí Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại các xã Lai Đồng, Thạch Kiệt, Tam Thanh, Vinh Tiền. Qua kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh hoạt động tại Bộ phận Một cửa, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số tại cơ sở.

Dựa trên nền tảng những kết quả đạt được, trong 06 tháng cuối năm 2021, huyện Tân Sơn tiếp tục đẩy mạnh CCHC, thực hiện cải cách mạnh mẽ TTHC, trong đó chú trọng tuyên truyền, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công theo hình thức trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, dịch vụ BCCI, đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử; Thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp nhận TTHC của các tổ chức, công dân, đảm bảo đúng quy định, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Phấn đấu hết năm 2021, UBND các xã hoàn thành việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015;… Từ đó, tạo bước đột phá trong công cuộc CCHC, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng Tân Sơn ngày càng phát triển và bền vững, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp./.

TT