Tại sao pháo phản lực M270 của Mỹ khiến Trung Quốc run sợ?

Pháo phản lực phóng loạt (MLRS), đầu tiên được Quân đội Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ đầu Thế chiến hai; với ưu điểm là tầm bắn xa, tốc độ bắn nhanh (có thể phóng cả xe đạn, chỉ trong vài giây).

Nhược điểm của pháo phản lực là đạn đi kém chính xác, độ tản mát lớn, tốc độ nạp đạn chậm; do vậy MLRS chỉ có thể dùng để bắn chế áp các mục tiêu có diện tích lớn, như các căn cứ quân sự tập trung, kho trạm, nơi tập trung binh lực; chứ không thể dùng chi viện trực tiếp cho bộ binh chiến đấu như các loại pháo truyền thống.

Quân đội Liên Xô phụ thuộc rất nhiều vào hỏa lực pháo phản lực trong Thế chiến thứ hai, với số lượng lớn các phiên bản MRLS như BM-13 và BM-8, để cung cấp hỏa lực hàng loạt. Do MRLS dễ sản xuất, giá thành hạ, đáp ứng nhanh yêu cầu của cuộc chiến.

Pháo phản lực phóng loạt BM-13-16 chỉ đơn giản là các ray phóng đạn, được kết nối thành giá phóng, có thể thay đổi góc bắn và hướng bắn. BM-13-16 có thể phóng đi liên tục 16 quả đạn pháo phản lực, với đầu đạn nặng 5kg, tầm bắn tối đa 11,7km.

Mặc dù mức chính xác kém, nhưng với sự tập trung hỏa lực của 1 đại đội (6 xe phóng), sẽ phóng đi 96 quả đạn vào khu vực mục tiêu, trong thời gian vài chục giây, đủ sức phá hủy hoàn toàn mục tiêu. Đồng thời tiếng rít của đạn pháo phản lực, sẽ gây tâm lý hoảng sợ cho đối phương.

Vào đầu những năm 1970, Quân đội Mỹ đã tái tập trung lực lượng, để chuẩn bị cho một cuộc chiến trên bộ ở châu Âu. Do vậy họ tìm cách cải tiến năng lực pháo binh, với trọng tâm là tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của kẻ địch.

Mặc dù còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng cuối cùng hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 cũng được đưa vào biên chế. M270 có 12 ống phóng, có thể phóng đạn rocket 227mm; thời gian bắn hết một loạt 12 quả đạn, chưa đến 40 giây.

M270 sử dụng khung gầm của xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, có khả năng cơ động cao; thời gian chuyển thế từ hành quân, sang chiến đấu chỉ dưới 5 phút, rất phù hợp với chiến thuật pháo binh hiện đại “bắn và chạy”, để tránh đòn phản pháo của đối phương.

Cũng giống như các loại pháo phản lực của Liên Xô, M270 không được thiết kế để chi viện hỏa lực trực tiếp cho bộ binh trong chiến đấu. Thay vào đó, các đơn vị MLRS M270 tập trung tiêu diệt các mối đe dọa từ trung bình đến xa.

Thay vì tấn công một trung đoàn cơ giới của đối phương khi đang di chuyển, các đơn vị MLRS M270 sẽ tấn công các mục tiêu ở xa phía sau phòng tuyến của đối phương như kho tàng, trận địa phòng không, sở chỉ huy.

Thay vì cố gắng làm cho đạn pháo M270 chính xác hơn, nhà phát triển Vought quyết định chấp nhận sự thiếu chính xác của đạn rocket và tối đa hóa khả năng phá hủy toàn bộ khu vực của nó.

Thay vì đầu đạn đơn, thì một đạn rocket M26, sẽ mang theo 644 quả đạn con, có kích thước bằng lựu đạn cầm tay; khi đến gần mục tiêu, đạn mẹ sẽ được kích nổ, rải 644 đạn con ra một khu vực rộng lớn, gây sát thương cho bộ binh đối phương.

Loại đạn sát thương này, không chỉ có hiệu quả tàn khốc trong việc chống lại bộ binh và các mục tiêu như kho nhiên liệu, kho đạn và các sở chỉ huy; mà còn có khả năng gây sát thương cho xe tăng và xe bọc thép, tiêu diệt chúng hoặc khiến chúng ngừng hoạt động.

Lần thực chiến đầu tiên của MLRS M270 là trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, khi các bệ phóng M270 được mệnh danh là “kẻ giết người hàng loạt”, vì khả năng của một khẩu M270 duy nhất, có thể quét sạch bán kính đến một km trên bản đồ quân sự.

Một tiểu đoàn MLRS có tổng cộng 27 xe phóng M270, cung cấp cho các sư đoàn bộ binh cơ giới và lữ đoàn pháo binh của quân đội Mỹ, một hỏa lực đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên thời của loại đạn “giết người hàng loạt” cũng nhanh chóng qua đi, khi loại đạn M26 có thể gây sát thương cho dân thường trong khu vực chiến sự; đặc biệt, những quả đạn con không nổ, tiềm ẩn nguy hiểm cho dân thường và cả lính Mỹ.

Để biến loại pháo phản lực có tầm tiêu diệt mục tiêu có diện tích đến hàng nghìn mét vuông, thành loại pháo bắn đạn chính xác đến hàng mét, M270 đã được cải tiến, để có thể phóng tên lửa chiến thuật cơ động cao (HIMARS).

Một xe phóng tên lửa M270, có thể mang được 6 tên lửa HIMARS; những tên lửa này đã được dùng tại chiến trường Afghanistan để chống lại khủng bố Taliban và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq, với mức chính xác rất cao.

Những hệ thống MRLS M270 phóng tên lửa chiến thuật và đạn thường hiện nay, đã được triển khai tại Philippines, đối diện Trung Quốc và Đông Âu đối diện với Nga. Đây là vũ khí chính xác, để dùng để tiến công theo kiểu “phẫu thuật” và khi cần, có thể bắn đạn chống chiến thuật “biển người”.

Việc Trung Quốc đầu tư phát triển quân đội trong những năm vừa qua, buộc Mỹ một lần nữa đặt trọng tâm vào hỏa lực pháo phản lực phóng loạt; nhất là khi xác định đối tượng tác chiến là quân đội Trung Quốc và Nga, thì yêu cầu hỏa lực không chỉ cần mạnh, mà còn phải chính xác.

Những tên lửa chiến thuật ATACM, được phóng bằng pháo phản lực M270, thậm chí còn có khả năng tấn công các tàu đang di chuyển trên biển. Những tên lửa chiến thuật mới, dẫn đường bằng GPS, có thể tiêu diệt các mục tiêu điểm. Nguồn ảnh: Warfare.

Pháo phản lực M270 nỗi khiếp sợ của Nga và thế giới. Nguồn: QPVN.

Tiến Minh