Những dư âm của Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi ngày 9-10/9. (Nguồn: AFP)

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thể hiện sự đồng thuận của Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9-10/9.

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu phức tạp, việc nhất trí thông qua tuyên bố mang tính sâu rộng và định hướng hành động, bao gồm các quyết định và chính sách toàn diện về kinh tế quốc tế, được đánh giá là thành công của nỗ lực hợp tác và toàn diện dưới nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ. Kết quả của hội nghị này ảnh hưởng đến toàn thế giới, bao gồm các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Việt Nam.

Tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện như G20 đề ra với các chính sách kinh tế vĩ mô được điều chỉnh, cùng sự hợp tác và gắn kết giữa các quốc gia và ngân hàng trung ương về lập trường tiền tệ và tài chính, sẽ thúc đẩy tăng trưởng, thu hẹp bất bình đẳng và duy trì ổn định tài chính.

Về thương mại, tuyên bố chung G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh công bằng và không khuyến khích các hành vi bóp méo thị trường. Văn bản này cũng kêu gọi hỗ trợ hệ thống giải quyết tranh chấp Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoạt động đầy đủ vào năm 2024, các nguyên tắc về việc số hóa các tài liệu thương mại, khuôn khổ xây dựng khả năng phục hồi thông qua bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong hội nhập thương mại quốc tế.

Đồng thời, Hội nghị thượng đỉnh G20 cam kết hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương trở nên tốt hơn, lớn hơn và hiệu quả hơn, cũng như tăng cường đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng này.

Thông qua Lộ trình G20 thực hiện khuôn khổ an toàn vốn cho các ngân hàng phát triển đa phương, tuyên bố lưu ý rằng các ngân hàng này có thể tạo khoản cho vay bổ sung 200 tỷ USD trong thập kỷ tới. Hội nghị thượng đỉnh G20 hoan nghênh tiến triển của Ngân hàng thế giới (WB) trong lộ trình phát triển của tổ chức.

Điều này sẽ được tiếp tục nhấn mạnh tại Hội thảo cấp cao G20 vào tháng tới về tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng phát triển đa phương.

Ngoài việc hỗ trợ huy động nguồn lực trong nước, đổi mới tài trợ bằng cách tận dụng vốn tư nhân, việc G20 tán thành các nguyên tắc tài trợ cho các thành phố trong tương lai sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ những nỗ lực này. Hội nghị ủng hộ mong muốn của các nước G20 về đóng góp tự nguyện 100 tỷ USD, cam kết tài trợ 2,6 tỷ USD cho các nước nghèo, những bước tiến trong củng cố niềm tin vào tăng trưởng và giảm nghèo, nỗ lực cải cách hạn ngạch và quản trị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Phát triển bền vững

Cho rằng thế giới đang đi chệch hướng so với các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã thông qua Kế hoạch hành động và các Nguyên tắc cấp cao để đẩy nhanh tiến độ các mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn tài chính hợp lý, đầy đủ và dễ tiếp cận để phát triển ở các nước đang phát triển tiếp tục là một phần của thảo luận về các ngân hàng đa phương, đóng góp tự nguyện và quỹ tín thác. Hội nghị nhấn mạnh vai trò của du lịch và văn hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, và công nhận vai trò của giáo dục chất lượng, tài chính y tế, thông qua Nguyên tắc cấp cao Deccan về an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng như nhu cầu bổ sung nguồn lực cho Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế.

G20 ủng hộ xử lý nợ hiệu quả với từng nước (Zambia, Ghana, Ethiopia, Sri Lanka) và khuyến khích Hội nghị bàn tròn về nợ quốc gia toàn cầu do Ấn Độ đồng chủ trì.

Tài chính khí hậu đã được Hội nghị thượng đỉnh G20 xem xét chi tiết, trong đó mục tiêu huy động hằng năm 100 tỷ USD của các nước phát triển dự kiến đạt được lần đầu tiên vào năm 2023.

Việc định lượng nhu cầu tài trợ khí hậu là 5.800-5.900 tỷ USD cho các nước đang phát triển đến năm 2030, ngoài 4.000 tỷ USD mỗi năm cho công nghệ năng lượng sạch, sẽ thúc đẩy nỗ lực tài trợ thông qua các ngân hàng đa phương, quỹ và tài chính hỗn hợp.

Hội nghị thượng đỉnh G20 khẳng định các mục tiêu cụ thể nhằm khôi phục 30% tổng số hệ sinh thái bị suy thoái, đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học năm 2030, chấm dứt ô nhiễm nhựa. Đồng thời, tuyên bố chung hoan nghênh đàm phán công cụ ràng buộc về mặt pháp lý đối với vấn đề này và tán thành các nguyên tắc cấp cao của Chennai về nền kinh tế xanh bền vững và kiên cường (nền kinh tế dựa vào đại dương) sẽ giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách.

Hội nghị thượng đỉnh cũng mở rộng hỗ trợ để tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu, Nguyên tắc tự nguyện cấp cao của G20 về hydro, thành lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu, Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi tốc độ sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như đẩy nhanh quá trình giảm dần điện than.

Tuyên bố chung tán thành khuôn khổ G20 về phát triển, triển khai và quản trị cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, các nguyên tắc cấp cao. Từ đó, khối hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng khả năng phục hồi, an ninh và niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số, khai thác dữ liệu để phát triển. G20 cũng nhất trí với kế hoạch của Ấn Độ về xây dựng kho lưu trữ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số toàn cầu, đạt mục tiêu phát triển chính sách phối hợp và khung pháp lý cho tiền điện tử.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya. (Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam)

Tiến triển qua các sáng kiến

Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh G20 chứng kiến những tiến triển nhằm đối phó với thách thức về chênh lệch về khoảng cách năng lực (skill gap), rủi ro thiên tai, thuế quốc tế, tham nhũng, khủng bố và an ninh mạng.

Kết quả ấy được thể hiện thông qua các sáng kiến như: Lập bản đồ khoảng cách lao động toàn cầu; phát triển khung tham chiếu quốc tế về phân loại nghề nghiệp; tán thành các nguyên tắc cấp cao về chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế để thực thi pháp luật chống tham nhũng; cơ chế thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng; thể chế hóa Nhóm công tác mới về giảm thiểu rủi ro thiên tai; triển khai nhanh chóng gói thuế quốc tế hai trụ cột và cách tiếp cận toàn diện để chống khủng bố hiệu quả.

Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh G20 một lần nữa cho thấy ưu tiên của Ấn Độ, nước Chủ tịch trong bảo đảm tính toàn diện và sự hiện diện đầy đủ của các nước Nam bán cầu.

Điều này thể hiện qua việc Thủ tướng Narendra Modi đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tiếng nói Nam bán cầu tháng 1/2023 để đưa ra các ý tưởng và ưu tiên của những nước này, với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tham dự và phát biểu. Năm tháng sau, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 với tư cách khách mời đặc biệt. Việc kết nạp Liên minh châu Phi làm thành viên thường trực của G20 tại Hội nghị thượng đỉnh New Delhi sẽ khiến G20 có tính đại diện và bao trùm hơn.

Bộ ba lãnh đạo G20 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ấn Độ cùng với Indonesia với tư cách là Chủ tịch nhiệm kỳ trước và Brazil với tư cách là Chủ tịch G20 tiếp theo đã làm việc hiệu quả để đưa tiếng nói của Nam bán cầu vào các cuộc thảo luận của G20.

Có thể thấy, Hội nghị thượng đỉnh G20 New Delhi đã thành công tốt đẹp. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo không chỉ hướng tới thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế, mà còn góp phần quản lý các vấn đề chính trị, an ninh bằng biện pháp ngoại giao. Với dư âm từ những gì vừa diễn ra tại New Delhi, giờ là lúc các nước cần gìn giữ, nuôi dưỡng tinh thần của một trái đất, một gia đình, vì một tương lai chung.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Sandeep Arya