Tác dụng của rau mầm cho sức khỏe

Rau mầm có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn như sinh tố, nước ép, cháo… Đối với trẻ nhỏ, loại rau này cũng rất tốt bởi nó chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như sắt, protein…

Rau mầm thường được canh tác bằng các hạt giống như củ cải, cải bẹ xanh, cải ngọt, cải tần ô, rau muống, hành tây, đậu xanh, đậu đỏ… Ưu điểm của loại rau này là dễ trồng và chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người như chất đạm, vitamin, chất khoáng hữu cơ, phytochemical và axit amin. Vì có đặc điểm mỏng, mọng nước nên rau mầm có thể được sử dụng toàn bộ từ phần lá cho đến phần rễ.

Rau mầm được cho là có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với các loại rau bình thường và là nguồn chất xơ tự nhiên, giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Trong rau mầm chứa nhiều loại vitamin, axit amin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao, cứ 50 gam rau mầm tương đương với lượng dinh dưỡng trong 200 gam rau bình thường. Rau mầm chứa nhiều men kích thích tăng trưởng, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, ngừa cảm cúm, giảm cholesterol thừa trong máu. Nguồn vitamin E và vitamin C dồi dào trong rau mầm sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường sinh lực.

Đặc biệt, tất cả các loại rau mầm đều có chứa chất glucosinonates (GSL) và khi nhai trong miệng, chất này sẽ biến thành chất isothiocyanates (ITC) giúp cơ thể chống lại sự phát triển tế bào ung thư. Còn chất antioxidants trong rau mầm giúp bảo vệ bạn tránh khỏi những hóa chất phóng xạ và độc hại từ môi trường. Rau mầm còn chứa nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe và chứa một lượng protein thực vật, rất hữu ích trong chế độ ăn uống hàng ngày, thậm chí có thể thay thế cho protein từ động vật.

Mỗi loại rau mầm lại có công dụng riêng đối với sức khỏe. Chẳng hạn, giá đỗ xanh bảo vệ răng miệng, chống lão hóa; giá đỗ tương làm giảm huyết áp; rau mầm gạo lức thúc đẩy quá trình lưu thông mạch máu; rau mầm lúa mạch tốt cho tiêu hóa; rau mầm từ lạc giúp giảm cân; rau mầm hạt cải kích thích ăn ngon, giảm mệt mỏi…

Tuy chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng rau mầm cần phải được làm sạch và chế biến đúng cách, nếu không chúng sẽ trở nên vô tác dụng và đôi khi gây hại cho sức khỏe. Rau mầm không nên ăn quá nhiều, một người bình thường chỉ cần ăn lượng rau mầm nhỏ bằng 1/10 - 2/10 rau trưởng thành. Vì rau mầm được trồng trong môi trường nóng ẩm khiến các loại vi khuẩn, vi sinh vật có cơ hội phát sinh phát triển rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, dù mua hay thu hái rau mầm tại nhà thì rau mầm vẫn có vi khuẩn, do đó không nên ăn sống mà phải rửa thật sạch, kỹ trước khi chế biến món ăn. Nên ăn rau mầm chín vì các hóa chất (nếu có) trong rau mầm có thể sẽ bị tiêu hủy hoặc giảm đi nhiều khi nấu chín.