Sức sống mới cho dòng tranh dân gian Đông Hồ

Hơi thở của làng Việt

Làng Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Để tạo ra được một sản phẩm tranh Đông Hồ hoàn chỉnh từ nội dung đến hình thức đề tài, bố cục, màu sắc và thơ, chú thích đòi hỏi sự tài hoa của nghệ nhân trong từng nét vẽ, nét khắc và súc tích, ý nhị trong việc đặt câu đối nhưng vẫn nêu lên được đầy đủ ý nghĩa.

Người thợ tỉ mỉ gõ từng mũi đục, vê nét, in mộc.

Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp, người ta nghiền nát vỏ con điệp, trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.

Màu sắc sử dụng trong tranh là màu từ nhiên từ cây cỏ như màu đen làm từ than quả xoan hoặc than lá tre. Màu xanh lục tạo tác từ gỉ đồng hoặc lá chàm mua từ Cao Lạng. Màu vàng chiết suất từ hoa hòe, quả giành giành. Màu đỏ từ sỏi son hoặc gỗ vang.

Màu sắc sử dụng trong tranh là màu từ nhiên từ cây cỏ.

Với gam màu mộc mạc và cách thể hiện gần gũi, mỗi bức tranh Đông Hồ đều hàm ẩn những tầng nghĩa mang thông điệp nhân văn khác nhau, gắn liền với đời sống và những ước vọng hàng ngày của người dân.

Bản khắc gỗ tranh Đông Hồ “Chăn trâu thổi sáo”

Mặc dù mang nhiều giá trị truyền thống nhưng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang phải đối mặt với nguy cơ mai một trong xã hội đương đại. Được biết, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh nhưng đến nay chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân còn đau đáu, gắn bó với nghề làm tranh.

Nét mới trong tranh Đông Hồ

Bằng sự kết hợp sáng tạo và sức sống hiện đại, tranh Đông Hồ đang được nhiều nghệ nhân và các bạn trẻ “thổi hồn”, mang lại sức sống mới cho dòng tranh đã trải qua thăng trầm của thời cuộc.

Theo ông Nguyễn Đăng Tâm – con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Trong không gian sống hiện đại bây giờ người ta sẽ nghĩ rằng tranh dân gian không hợp nên những người làm nghề như chúng tôi đau đáu làm sao cho hình thức phải phù hợp với không gian sống mới, để hình ảnh tranh dân gian sẽ đi vào cuộc sống. Nguyên tắc về kỹ thuật khắc ván, in tranh Đông Hồ hầu như vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Sự thay đổi dường như chỉ ở đề tài hoặc chất liệu tạo nên sản phẩm”.

Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ thu hút nhiều khách đến tham quan.

Để văn hóa dân gian “sống” và phát triển, ông Tâm thành lập một Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ ngay tại nhà của mình. Nơi đây hiện lưu giữ hơn 100 bản khắc gỗ cổ và gần 1.000 bản khắc mới được ông và gia đình thu thập, lưu giữ từ năm 1991 đến nay.

Ứng dụng tranh Đông Hồ vào hộp bút.

Tại trung tâm này, khách tham quan được tận mắt tìm hiểu các công đoạn sản xuất tranh cũng như chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh Đông Hồ trên chất liệu giấy dó Đống Cao hay đồng Đại Bái, hoặc tranh ở dạng âm bản. Du khách có thể trải nghiệm quy trình hoàn thiện một bức tranh với kỹ thuật đã được lưu truyền hàng trăm năm nay.

“Nếu chỉ nhiệt huyết và đam mê với nghề thôi cũng chưa đủ, phải đánh thức dòng tranh này phát triển. Để làm được điều đó thế hệ trước không chỉ truyền nghề, mà phải truyền đam mê, để những thế hệ đi sau vững tâm gìn giữ và phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc" - ông Tâm chia sẻ.

Sổ tay tranh Đông Hồ.

Trên con đường gìn giữ tranh Đông Hồ, các nghệ nhân còn có thêm sự đồng hành của những người trẻ, những người muốn phát huy những giá trị của tranh dân gian bằng cách ứng dụng vào các sản phẩm đương đại, mang đến một sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại.

Tranh Đông Hồ ứng dụng trên gốm.

Nhóm bạn trẻ MOC với dự án “Màu dân tộc” mang lại sức sống mới cho tranh Đông Hồ thông qua việc ứng dụng vào cuộc sống như sổ tay, hộp quà, thời trang, gốm sứ, túi xách, cốc…

Các buổi workshop hướng dẫn trẻ em vẽ tranh giúp các em hiểu thêm về văn hóa tranh Đông Hồ.

Hoạt động vẽ tranh Đông Hồ nhằm lan tỏa giá trị văn hóa đến nhiều người.

“Chúng tôi mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống, nét đẹp trong tranh Đông Hồ bằng những ứng dụng cho đời sống, qua đó lan tỏa tình yêu, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngoài việc ứng dụng vào cuộc sống, chúng tôi còn tổ chức các buổi workshop, hướng dẫn mọi người tự tay vẽ tranh, làm các sản phẩm tranh Đông Hồ”, anh Đỗ Hào Quảng – Trưởng nhóm dự án Màu dân tộc chia sẻ.

Phúc Ân