SU-35S phá hỏng hệ thống chiến đấu cơ Mỹ

Trong ảnh: Tiêm kích Su-35S (Ảnh: Yuri Smityuk / TASS)

Không quân Mỹ đang gặp một số vấn đề kỹ thuật trong nhiệm vụ chiến đấu ở Syria, có liên quan đến "các hoạt động phá hoại" của các phi công Nga, những người đang kiểm soát tình hình trên không.

Trong báo cáo của Research and Development (RAND), một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động như một trung tâm nghiên cứu chiến lược do chính phủ Mỹ, Lầu Năm Góc và các tổ chức liên quan ủy quyền, đã nêu lên những vấn đề rắc rối trên.

Đây là một báo cáo mang tính toàn diện, có tên gọi là "Cuộc chiến trên không chống “Nhà nước Hồi giáo”. Vai trò của Không quân trong Chiến dịch Quyết tâm sắt đá”.

Câu chuyện diễn ra vào năm 2017 như sau: 4 máy bay chiến đấu trên tàu sân bay F / A-18E Super Hornet của Mỹ có nhiệm vụ thực hiện hoạt động tấn công các mục tiêu mặt đất.

Một tiêm kích đa năng Su-35S của Nga đã tiếp cận các máy bay nói trên trong phạm vi tầm nhìn của thiết bị, bắt đầu thực hiện các bài diễn tập và quan sát "công việc" của các máy bay Mỹ.

Một trong các máy bay chiến đấu của Mỹ quay sang định giám sát chiếc Su-35S bằng cách tiếp cận nó. Ngay sau đó, viên phi công Mỹ phát hiện ra rằng hệ thống điều khiển vũ khí của anh ta, bộ phận nắm bắt các mục tiêu mặt đất để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom bỗng dưng ngừng hoạt động.

Kết quả là, một trong 4 chiếc F / A-18E đã không thể tham gia hoạt động theo kế hoạch, mà phải quay về "nhà" với số bom, đạn chưa sử dụng tới.

Sự việc này đã dẫn đến một cuộc điều tra nghiêm túc về lý do bộ phận nói trên của máy bay Mỹ bỗng nhiên ngừng hoạt động. Sau đó, hoặc là người ta không tìm ra nguyên nhân, hoặc là các kết quả phân tích kỹ thuật đã được giữ kín. Nhưng báo cáo của RAND đã không nhắc gì về điều đó, mà các chuyên gia Mỹ chỉ thay thế cảm biến hồng ngoại loại FLIR.

Ảnh: Máy bay chiến đấu F / A-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ (Ảnh: Zuma / TASS)

Chỉ có thể đưa ra giả thuyết là một hệ thống tác chiến điện tử hoàn toàn mới đã được lắp đặt trên chiếc Su-35C mà người Nga đã quyết định thử nghiệm trên chiếc máy bay của viên phi công Mỹ.

Và, rõ ràng đây không phải là hoạt động của hệ thống tác chiến điện tử L-265 “Khibiny-10M”, vốn được trang bị cho Su-35S. "Khibiny" không thể phá vỡ bất cứ thứ gì, kể cả cảm biến hồng ngoại.

Hệ thống này chỉ thu thập thông tin về môi trường điện từ, được tạo ra bởi các radar trên mặt đất và trên không của đối phương, cũng như radar đầu tự dẫn của tên lửa tầm trung và tầm xa có thể đe dọa đến máy bay.

Đáp lại, các tín hiệu điện từ sẽ được phát ra, gây cản trở hoạt động bình thường của các đầu tự dẫn nói trên và do đó làm giảm đáng kể tín hiệu radar của máy bay. Tức là, chúng tạo ra một tình huống làm tăng khả năng bắn trượt của tên lửa bắn vào Su-35S nhiều hơn.

Ngoài ra, "Khibiny" còn bắn ra các bẫy nhiệt nếu máy bay chiến đấu bị tấn công bằng tên lửa tầm ngắn có đầu dò hồng ngoại. Khi đó, bức xạ laser cũng được sử dụng.

Tuy nhiên, với việc xuất hiện các tên lửa tầm ngắn tiên tiến nhất (RIM-9X của Mỹ và IRIS-T của châu Âu) có đầu tự dò với các mảng bộ tách sóng quang thì không thể trông cậy nhiều vào bẫy nhiệt.

Vì vậy, trong sự cố xảy ra kể trên, Su-35S đã sử dụng một hệ thống khác. Và giả thiết này không phải là không có cơ sở.

Có bằng chứng cho thấy các tổ hợp được phát triển tại Tổng công ty “Công nghệ vô tuyến điện tử” đang phát huy tác dụng kỳ diệu ở Syria. Và chính người Mỹ cũng nói về điều này, vì bản thân họ đã trải nghiệm kết quả công việc của các nhà thiết kế điện tử Nga.

Vào tháng 4 năm ngoái, tờ The National Interest đưa tin về một báo cáo của quân đội Mỹ, trong đó có nói rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đặt tại căn cứ Khmeimim ở Syria đã làm hư hại nghiêm trọng hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 - F-22 và F-35.

Người ta thấy rằng do tác động năng lượng lên những chiếc máy bay này, các phi công đã trở nên mất phương hướng và rất khó khăn khi trở về căn cứ. Sau khi kiểm tra các máy bay chiến đấu, người ta đã tìm thấy những rối loạn nghiêm trọng trong hoạt động của một số linh kiện điện tử và phải thay thế bằng những linh kiện khác.

Điều này có cái gì đó mới lạ trong hoạt động của các hệ thống tác chiến điện tử của Nga, tờ The National Interest lưu ý. Trước đây, Nga chỉ công khai hoạt động của tổ hợp “Krasukha-4”, có khả năng gửi tín hiệu giả pseudo-GPS, đánh lạc hướng hệ thống định vị của đối phương trong nhiều dặm.

Và những tín hiệu giả này mạnh gấp năm trăm lần so với những tín hiệu do mạng vệ tinh định vị toàn cầu của Mỹ tạo ra.

Ấn phẩm của Mỹ nói, họ không biết Nga đã tiến xa đến mức nào trong lĩnh vực hệ thống đánh lừa. Nhưng rất có thể trong các hệ thống mới được sử dụng các tác động năng lượng có mục tiêu "chính xác cao" mà không yêu cầu phải sử dụng các nguồn năng lượng có công suất lớn.

Đồng thời, với xác suất cao, chúng “bắn trúng mục tiêu” bằng một tín hiệu năng lượng - thông tin trong phạm vi hẹp, ví dụ, vài chục kilowatt. Điều này dẫn đến các quá trình không thể đảo ngược trong các thành phần điện tử, hậu quả của nó không thể loại bỏ được.

Rõ ràng là thông tin về khả năng thực sự của các hệ thống tác chiến điện tử mới nhất đã được giữ bí mật, để kẻ thù không biết được điều gì sẽ xảy ra nếu những người lính Nga bật thiết bị hết công suất. Và do đó, kẻ thù không thể chuẩn bị trước cho những ảnh hưởng như vậy.

Đây sẽ là một sự "bất ngờ khó chịu" cho đối phương. Đôi khi mức độ bí mật đạt đến mức thậm chí mục đích của một vài hệ thống tác chiến điện tử khác cũng đang bị che giấu, giống như trường hợp của "Samarkand" - một tổ hợp thực sự không rõ mục đích là gì.

Có một số điều chúng ta đã biết về các tổ hợp có khả năng vô hiệu hóa vũ khí đối phương. Chúng bao gồm máy REB 1L262 "Rtut-BM", dựa trên khung gầm có bánh xích.

Tổ hợp được thiết kế để bảo vệ quân đội trên diện tích lên đến 50 ha khỏi đạn pháo của đối phương được trang bị ngòi nổ vô tuyến. Máy hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động, xác định tần số hoạt động của ngòi nổ vô tuyến của đạn bay tới, mất vài micro giây.

Tiếp theo, một hiệu ứng điện từ được truyền tới chúng với thời gian vài mili giây. Và quả đạn hoặc là được kích nổ ở độ cao lớn, không đến được mục tiêu, hoặc là rơi xuống đất và được kích nổ bằng ngòi nổ tiếp xúc. Trong cả hai trường hợp, sẽ giảm thiểu thiệt hại ở mức tối đa.

Tổ hợp này không phải là mới. Nó xuất hiện cách đây 5 năm nhờ quá trình hiện đại hóa tổ hợp “Rtut-B”, được đưa vào trang bị vào cuối những năm 1980. Trong các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, những ý tưởng đột phá mới luôn được đặt ra, và việc triển khai chúng trên thực tế khiến các chiến lược gia NATO phải vò đầu bứt tai.

NguynQuang (Theo “Bình luận quân sự” Nga)