Sau cú 'hạ cánh mềm', thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm dần

“Hạ cánh mềm” sau Nghị định 08

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và được đánh giá là “hạ cánh mềm” trong năm 2023. Sau Nghị định 08, doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trở lại, bên cạnh đó là những nỗ lực với trái chủ trong đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Nhiều doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, an toàn, bền vững được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 4/12/2023.

Nghị định 08 được ban hành ngày 5/3 được đánh giá là khẩn trương và kịp thời, với các điểm nhấn liên quan đến hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định 65, cũng như cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, chia sẻ, từ cuối năm 2022, toàn bộ các thành viên thị trường có chung một mối quan ngại là liệu rằng đến năm 2023 điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng đến thời điểm này, có thể nói rằng đã có "hạ cánh mềm" cho sự việc này.

Theo bà Ngọc Anh, ngoài việc quyết liệt đưa ra Nghị định 08 để có cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn thì việc đưa vào vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp trong một thời gian thật sự nhanh chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

Việc vận hành trái phiếu riêng lẻ tập trung đã giúp tăng thanh khoản và tính minh bạch.

Bà Ngọc Anh cho rằng, nếu như trước đây, các nhà đầu tư thứ cấp chỉ có thể thông qua hệ thống phân phối, bên môi giới bán hàng để tiếp cận thông tin và thông tin được truyền tải một cách không đầy đủ. Bây giờ thông qua thị trường trái phiếu tập trung, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền và có khả năng tiếp cận được đầy đủ tất cả thông tin mà họ muốn tiếp cận. Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro là các hệ thống phân phối đưa ra những mời chào quá mức hay lời hứa đây là những sản phẩm không rủi ro. Việc vận hành thị trường TPDN riêng lẻ này đóng một vai trò rất quan trọng đem lại tính minh bạch cho thị trường, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Về thanh khoản, nếu trước đây các nhà đầu tư không có một thị trường để giao dịch, mua đi bán lại thì hiện nay họ đã có một thị trường giao dịch điện tử để mua đi bán lại với những điều khoản, điều kiện và cam kết rất rõ ràng. Điều này giúp cho các nhà đầu tư nâng cao hiểu biết và tăng tính trách nhiệm trong bất kỳ giao dịch nào.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu tích cực trở lại.

Hoàn thiện thể chế để phát triển

Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, với thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào, đều phải trải qua giai đoạn phát triển và những vấp váp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách và chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển của mình.

Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế đó cũng là cú vấp mang tính chất tương đối tất yếu. Nhìn sang lịch sử các nước xung quanh trước khi họ đi đến một thị trường trái phiếu phát triển tương đối hoàn hảo như hiện nay và thậm chí là đến thời điểm hiện nay, họ cũng vẫn có vấn đề và tiếp tục hoàn thiện lại thể chế.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 được dự báo sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới, hiệu quả, an toàn và bền vững hơn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cũng đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách.

Theo đó, Nghị định 08 được coi là giải pháp tháo gỡ chưa có tiền lệ, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, nghị định này sắp hết hiệu lực. Và thị trường sẽ phải quay lại thực hiện theo Nghị định 65 năm 2022.

Theo ông Lực, chính sách nên có lộ trình để kiến tạo thị trường phát triển. Như quy định xếp hạng tín nhiệm đối với đơn vị phát hành, tới đây cần có lộ trình áp dụng cụ thể. Vì thị trường mới chỉ có ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Bên cạnh đó là văn hóa, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được.

Ông Lực cho rằng, cần cân nhắc lộ trình thích hợp hơn ở chỗ xếp hạng tín nhiệm và đặc biệt phải phân nhóm ra, nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ hai là họ được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.

Ông Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng cho rằng cần rà soát Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65 theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024.

Bên cạnh đó, ông Hiếu đề nghị giải pháp thời gian tới là cơ quan quản lý cần tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Mạnh Hà