Quy hoạch Thủ đô Hà Nội hướng đến mục tiêu 'văn hiến - văn minh - hiện đại' | Hà Nội tin mỗi chiều

Quy hoạch Thủ đô à Nội hướng đến mục tiêu “văn hiến - văn minh - hiện đại”

Chiều 23/2, Hội đồng thẩm định quy hoạch đã họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình lập quy hoạch, TP Hà Nội đã xin ý kiến 21 Bộ, cơ quan Trung ương, tham khảo 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng dân cư.

Quy hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, đó là: giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng đô thị, các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm. Hà Nội xác định 5 trụ cột phát triển, bao gồm: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Và bốn khâu đột phá chiến lược, là tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.

Quy hoạch còn chỉ ra việc tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực, trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính. Ảnh: Văn Tuyến

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng. Chính vì vậy, để tạo được động lực tăng trưởng mới, khai thác hết tiềm năng cho phát triển, quy hoạch cần phải dài hơi và đi trước một bước; phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội.

Người dân kỳ vọng quy hoạch Hà Nội theo đúng định hướng "Văn hóa - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Kỳ vọng vì nhiều lý do, trong đó có lý do không gian địa lý và không gian văn hóa được mở rộng chưa từng có sau khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây. Đặc biệt, không gian văn hóa được mở rộng đáng kể với một vùng văn hóa giàu truyền thống và bản sắc. Sự mở rộng về không gian địa lý và không gian văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm quy hoạch, mở ra dư địa phát triển. Người làm quy hoạch không bị bó trong không gian nội đô chật hẹp, mà có nhiều lựa chọn để tối ưu hóa các phương án của mình. Mặt khác, khi quy hoạch được triển khai với không gian rộng mở thì sẽ tránh được áp lực điều chỉnh dự án có thể phá vỡ tầm nhìn tổng thể cả về thời gian và không gian của quy hoạch.

Với tâm thế: trân trọng quá khứ - trách nhiệm hiện tại - khát vọng tương lai trong quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội phải tiếp tục coi việc xây dựng con người Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ hàng đầu để hoạch định chương trình, lộ trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội. Trước tiên phải xây dựng con người Thủ đô Hà Nội hội tụ nét tinh túy của văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến, đồng thời chọn lọc tiếp nhận tinh hoa bốn phương để có người Hà Nội thanh lịch - văn minh - hiện đại. Chính vì vậy mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị khẳng định tư duy đổi mới, thể hiện quyết tâm chính trị mới của Thành ủy Hà Nội nhằm tạo ra kết quả mới trong nhiệm vụ quan trọng này.

Việc xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tầm nhìn đến năm 2050 là tầm nhìn đến một mốc phát triển có tính lịch sử của dân tộc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm tuổi, một thời điểm đặc biệt trong lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam. Đối với Thủ đô Hà Nội, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù được Quốc hội thông qua, việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực sự là một cơ hội phát triển hết sức thuận lợi. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm phải thấm sâu vào mọi khâu của quy hoạch, từ việc xây dựng quy hoạch đến việc triển khai thực hiện cũng như điều chỉnh quy hoạch trong thực tiễn cuộc sống. Với tinh thần ấy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lần này sẽ được xây dựng và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, vì một Thủ đô sáng tạo, phát triển bền vững.

Giải pháp giảm áp lực cho học sinh Hà Nội tại kỳ thi lớp 10

Theo kế hoạch, tháng 3/2024, Hà Nội sẽ công bố phương án kỳ thi ển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 – 2025. Thời điểm hiện tại, sức nóng của kỳ thi khiến phụ huynh, học sinh lứa 2009 đứng ngồi không yên. Từ thực tế công tác tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập được ví như một cuộc đua căng thẳng bởi toàn thành phố chỉ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS đỗ vào các trường THPT công lập; gần 40% còn lại nếu có nguyện vọng sẽ tiếp tục theo học tại các loại hình trường khác nhau như tư thục, giáo dục thường xuyên, trường nghề... Xét về nguyện vọng thì đa số phụ huynh có con thi lớp 10 đều mong con đỗ vào trường THPT công lập.

Trong khi đó, với tốc độ tăng dân số cơ học chóng mặt, dân số tập trung đông đảo ở các quận nội thành và thưa thớt ở huyện ngoại thành dẫn đến hiện tượng thừa - thiếu trường lớp cục bộ. Hệ quả của điều này là điểm chuẩn lớp 10 có sự chênh lệch lớn khi tốp trường có điểm chuẩn cao nhất và trường có điểm chuẩn thấp nhất vênh nhau đến vài chục điểm. Sức ép chọn trường cũng dẫn đến tâm lý hoang mang, nôn nóng ở một bộ phận không nhỏ phụ huynh. Nhất là khi, khoảng 20 tỉnh, thành cả nước lần lượt công bố phương án thi tuyển sinh lớp 10, trong đó đa phần địa phương quyết định giảm số môn thi xuống còn ba môn để tránh áp lực không cần thiết cho học sinh thì tại Hà Nội, phương án tuyển sinh bao gồm số môn thi chưa được công bố. Hầu hết học sinh, phụ huynh đề đạt mong muốn Hà Nội sẽ chốt phương án thi 3 môn, mặt khác sớm chính thức thông tin cụ thể về số môn thi để học sinh yên tâm ôn luyện.

Phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi lớp 10 năm 2023. Ảnh: Kinhtedothi

Khoảng một tuần nữa là đến tháng 3/2024 - thời điểm công bố số môn thi. Dù phương án thi cuối cùng như thế nào thì nhiệm vụ của học sinh lớp 9 vẫn là tập trung cao độ, học tập trách nhiệm các môn trên lớp để hoàn thành chương trình, phục vụ xét tốt nghiệp THCS và sẵn sàng tinh thần, kiến thức bước vào kỳ thi lớp 10. Theo các chuyên gia giáo dục, môn thứ tư, nếu có cũng vẫn nằm trong phạm vi sách giáo khoa. Do vậy, việc quá sốt ruột về số môn thi không những làm sức nóng của kỳ thi bị đẩy lên quá mức mà còn khiến tâm lý học sinh bị ảnh hưởng, xáo trộn, không tập trung toàn lực để ôn thi.

TS.BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, giai đoạn nước rút ôn thi, các học sinh thường có tâm lý lo lắng, căng thẳng, thậm chí "quên ăn, quên ngủ". Để đảm bảo sức khỏe, phụ huynh học sinh cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho các con trong giai đoạn này. Ngoài dinh dưỡng, học sinh cần được động viên, chia sẻ để có tâm lý thoải mái, tránh trạng thái lo âu. Như vậy, chế độ ăn uống đủ chất, có nghỉ ngơi thư giãn, bình tĩnh để cập nhật thông tin chính thống, tăng cường động viên, khích lệ, chủ động dự phòng phương án thích hợp... là những hình thức đồng hành hiệu quả, thiết thực phụ huynh nên làm cho con trong giai đoạn này nhằm giúp con có thể chất, tinh thần tốt nhất để sẵn sàng bước vào kỳ thi lớp 10./.