'Phong vị xuân xưa' - ngày xuân xem sách, biết việc cổ kim

Sách “Phong vị xuân xưa”. Ảnh: Lí Học

Không làm hợp tuyển các tác phẩm văn thơ, nhạc họa về xuân, về Tết như các ấn phẩm sách Tết khác, cuốn “Phong vị xuân xưa”, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cùng Công ty TNHH Sách và truyền thông Việt Nam liên kết xuất bản, chọn lối đi của dòng sách “văn sử tinh hoa”. Cuốn sách sưu tầm và tuyển chọn hơn 40 bài viết hay, độc, lạ từ nhiều cuốn sách, báo, tạp chí trong Nam, ngoài Bắc giai đoạn từ 1920 đến khoảng 1945.

Từ những tài liệu đã ngủ yên dưới lớp bụi thời gian, “Phong vị xuân xưa” làm thức dậy từng trang viết của hàng loạt những cây bút quen thuộc, nổi tiếng trong giai đoạn thời Pháp thuộc như Lê Tràng Kiều, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng...

Những bài viết trong “Phong vị xuân xưa” được chia theo 3 chủ đề. Phần “Lai rai chén rượu ngày xuân” là những bài viết kể chuyện, giải thích về Tết, như “Nguyên nhân Tết Nguyên đán”, “Tết dán câu đối”, “Chữ Xuân trong văn cổ”, “Câu chuyện ăn Tết”...

Phần “Cảm Tết” tập hợp những bài cảm nhận, suy nghĩ của các trí thức, nghệ sĩ trước mùa xuân, thời cuộc. Đó là “Đầu năm khai bút”, “Đi làm xa nhớ nhà”, “Ngày xuân viết văn”, “Giao thừa”, “Cảm Tết”, “Ngày xuân nhớ cảnh nhớ người xưa”, “Bảo tồn lễ Tết”...

Phần “Mùa xuân, văn hóa và lịch sử” giới thiệu một số bài viết, bài diễn thuyết về lịch sử, văn hóa, di tích của những trí thức nổi danh như Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến với “Phong dao và lịch sử”, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm với “Tết của sử ký nước Việt Nam: Mồng Năm - Ngày vẻ vang”, Tô Ngọc Vân với “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại”...

Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục là một số bài văn khấn dịp Tết Nguyên đán với nội dung rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành. Đây là những bài văn khấn được trích dẫn từ tập “Văn khấn giỗ Tết” của hai tác giả Nguyễn Ngọc và Phan Lãng do nhà in Mạc Đình Tư ấn hành tại Hà Nội năm 1924.

Theo tác giả Trần Văn Chánh, nhóm biên tập tiếc rằng chưa sưu tầm được đủ rộng từ những tờ báo xuân xưa để có được một nội dung phong phú, đa dạng hơn. Đây coi như sự khởi đầu của một công trình sưu tầm độc đáo, giúp mang lại niềm vui thanh nhã cho bạn đọc trong cũng như sau những ngày vui Tết.

“Phong vị xuân xưa” còn sưu tầm những hình ảnh, tranh vẽ trên báo, chí những năm trước 1945. Đặc biệt, trang bìa cuốn sách là tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong một giai phẩm số Xuân in năm 1943.

Vân Hạ