Ông Nguyễn Cơ Thạch và bản lĩnh 'ôm cả con voi khổng lồ'

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru ký Thông cáo chung Việt Nam - Ấn Độ ngày 7/2/1958. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch dự lễ ký (hàng trên, thứ hai từ trái).

Trong căn phòng khách với nhiều tấm ảnh, bằng khen kỷ niệm quãng thời gian làm ngoại giao nhiều kỷ niệm của mình, Đại sứ Vũ Quang Diệm vừa nhâm nhi tách trà, vừa kể cho chúng tôi những cảm nhận và ký ức của ông về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người thầy và cũng là thần tượng của ông.

Bốn tầm nhìn nổi bật

Đại sứ Vũ Quang Diệm đánh giá, chưa có một vị Bộ trưởng Ngoại giao nào vượt được đỉnh cao Nguyễn Cơ Thạch về tầm nhìn chiến lược, tài năng, khả năng nghiên cứu và công tác xây dựng ngành.

“Tầm nhìn của ông Nguyễn Cơ Thạch tài tình ở chỗ, những ý kiến, chiến lược của ông đưa ra cách đây hơn nửa thế kỷ cho đến giờ chiêm nghiệm lại càng đúng đắn, hợp lý và hiệu quả”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có 4 điểm nổi bật nhất.

Một là, chủ trương thúc đẩy đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ.

Ngày nay, cụm từ “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ có lẽ đã quá quen thuộc, trở thành xu hướng chính trong quan hệ quốc tế nhưng trong bối cảnh những năm 80 của thế kỷ trước, khái niệm này còn rất mới mẻ.

Sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, Việt Nam rơi vào thế bao vây cấm vận, thêm vào đó, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu buộc Việt Nam phải hội nhập quốc tế.

Chính lúc này, chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa đã được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đề xuất và cụ thể hóa trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ra ngày 20/5/1988, tạo bước ngoặt đổi mới tư duy, nhận thức về các vấn đề quốc tế và đối ngoại trong tình hình mới.

Từ khi có Nghị quyết 13, Bộ Ngoại giao như “bừng lên” sức sống, tháo gỡ được những vướng mắc, từng bước đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập, bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Hai là, cân bằng quan hệ giữa các nước lớn.

Trong vấn đề Mỹ-Trung, ông Nguyễn Cơ Thạch là người có công lớn “phá băng” giúp bình thường hóa quan hệ với Mỹ và duy trì quan hệ hòa hảo, hữu nghị với Trung Quốc.

Trong vấn đề Ấn Độ-Trung Quốc, ông Thạch cũng cân bằng quan hệ mặc dù Trung Quốc vừa là nước láng giềng, vừa là nước anh em xã hội chủ nghĩa.

Khi xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962, ông Thạch đã hết sức ngăn cản tư duy chống Ấn Độ, cho rằng Việt Nam không nên đi quá xa trong việc này.

Vị cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nhận định: “Quan điểm này của ông Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện tính đúng đắn. Kết quả là mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển tốt đẹp, sự ủng hộ của Ấn Độ với Việt Nam ngày càng mạnh mẽ”.

Ba là, giải bao vây cấm vận.

Năm 1979, quân đội Việt Nam tham gia cùng nhân dân Campuchia chiến đấu đẩy lùi chế độ diệt chủng Pol Pot. Việc này dẫn đến Liên hợp quốc và các diễn đàn không liên kết lên án, cô lập Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp rất lớn vào việc giải vây và chấm dứt cấm vận. Chính ông là người đề xuất rút quân khỏi Campuchia năm 1982. Đến 1989, ta đã rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia, hoàn thành sứ mệnh giúp đỡ nhân dân Campuchia.

Ngoài ra, ông Thạch còn là người đề xuất họp Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Đông Dương gồm Lào, Việt Nam và Campuchia 6 tháng/lần để thảo luận giải quyết vấn đề Campuchia. Sau mỗi lần họp, có một cuộc họp báo quốc tế để công bố những sáng kiến mới của ba nước về giải pháp cho vấn đề Campuchia.

Trong quan hệ với ASEAN, ông Nguyễn Cơ Thạch cũng đấu tranh ngoại giao mạnh mẽ để hóa giải hoài nghi của các nước ASEAN và đóng góp to lớn vào quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN.

Bốn là, đổi mới về kinh tế thị trường.

Bên cạnh mối trăn trở về các vấn đề ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch còn đi sâu nghiên cứu về kinh tế.

Trong quá trình nghiên cứu, ông Nguyễn Cơ Thạch đi khắp nơi, tìm mọi cách để có được các loại sách về kinh tế thị trường. Mỗi lần đi họp ở Mỹ, ông đều tranh thủ gặp bà con Việt kiều trí thức để nhờ cung cấp sách và trao đổi, đặt vấn đề phát triển kinh tế thị trường nhằm cung cấp thông tin cho đất nước.

Có thể nói, ông Thạch là người tiên phong, đặt nền móng cho ngoại giao kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới kinh tế thị trường, hiện đại hóa đất nước.

Đại sứ Vũ Quang Diệm nhấn mạnh: “Nhắc đến ông Nguyễn Cơ Thạch, ngoài danh hiệu nhà ngoại giao lỗi lạc thì có lẽ người ta còn phải thêm cả danh hiệu nhà kinh tế tài ba”.

Bộ trưởng “khát thông tin”

Theo Đại sứ Vũ Quang Diệm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một người không ngừng học hỏi, đi sâu nghiên cứu trong mọi vấn đề mà nhiều cấp dưới của ông còn đùa vui rằng ông là Bộ trưởng “khát thông tin”.

Điều này được thể hiện qua một câu chuyện khi ông Nguyễn Cơ Thạch chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958, cũng là chuyến thăm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến một nước không phải nước chủ nghĩa xã hội. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Cơ Thạch đang là Tổng lãnh sự đầu tiên của Việt Nam ở Ấn Độ.

Để chuẩn bị báo cáo về tình hình chính trị, kinh tế nước sở tại, quan hệ, chính sách đối ngoại và quan hệ Việt-Ấn, ông Nguyễn Cơ Thạch đã cho mua sách trên tất cả các lĩnh vực, giao cho từng cán bộ đọc và tóm tắt lại cho ông.

Sự đầu tư nghiên cứu, đọc sách trau dồi kiến thức của ông Nguyễn Cơ Thạch đã khiến Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi Lê Lộc lúc bấy giờ phải thốt lên rằng: “Ông Nguyễn Cơ Thạch định ôm cả con voi khổng lồ hay sao?” (con voi là biểu tượng của Ấn Độ).

Và bản lĩnh “ôm cả con voi khổng lồ” đó không chỉ giúp nâng cao trình độ của cán bộ ngoại giao thuở đó mà còn trực tiếp dẫn đến thành công cho chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ năm 1958.

Đại sứ Vũ Quang Diệm và Tổng thống Ấn Độ A. P. J. Abdul Kalam trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại Ấn Độ.

Khi ông Nguyễn Cơ Thạch đã đảm nhiệm cương vị tư lệnh ngành Ngoại giao, hằng năm cứ 6 tháng/lần, Vụ Tổng hợp Đối ngoại phải trình bày về tình hình thế giới hiện thời, quan hệ chiến lược của các nước lớn và xu hướng quan hệ trong tương lai để ông cho ý kiến đánh giá.

Theo Đại sứ Vũ Quang Diệm, mỗi lần nộp báo cáo như vậy, các cán bộ đều lo nơm nớp lo lắng vì yêu cầu của Bộ trưởng rất cao, thường xuyên lật đi lật lại vấn đề, và những gì ông muốn biết thì sẽ “truy” đến cùng.

Nhưng cũng chính sự đòi hỏi cao đó của ông Thạch đã giúp các cán bộ cấp dưới trưởng thành nhanh chóng.

Với cấp dưới, Bộ trưởng luôn cư xử có “cương” và có “nhu”. Trong công việc, ông nghiêm túc, quyết liệt là thế, nhưng ở cuộc sống đời thường ông lại rất ân cần, thoải mái, nhiệt tình chỉ bảo cấp dưới.

Đại sứ Vũ Quang Diệm kể lại trong một lần tháp tùng Bộ trưởng đi họp, khi đi qua một cán bộ đang mải chơi cờ, ông Thạch không mắng mỏ mà chỉ ôn tồn nói: “Nếu cậu biết thu xếp công việc của cậu trong một ngày như thế nào, thì cậu sẽ biết sắp xếp cuộc đời của cậu như vậy”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều bài học về đối ngoại, về cuộc sống mà Đại sứ Vũ Quang Diệm cũng như nhiều lớp cán bộ ngoại giao đã học được từ vị Bộ trưởng đáng kính.

Cuối buổi trò chuyện, nhắc đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Vũ Quang Diệm gửi gắm: “Tuy rằng hiện nay đã có con đường mang tên Nguyễn Cơ Thạch, nhưng nhân dịp này tôi cũng mong muốn sẽ có một viện chiến lược mang tên Nguyễn Cơ Thạch, bởi ông cùng tầm nhìn chiến lược của mình đã làm rạng danh ngành Ngoại giao và đưa đất nước sang một trang mới”.

Đại sứ Vũ Quang Diệm từng là Đại sứ Việt Nam tại Philippines (1992), Vụ trưởng Vụ ASEAN (1992-1996), Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch (2001-2004) và Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (2006-2010). Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ và Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Philippines.