Văn hóa tiếp rượu trong công sở Trung Quốc gây phẫn nộ

Cuối tuần qua, truyền thông Trung Quốc dậy sóng khi vụ việc một nữ nhân viên của tập đoàn Alibaba bị quấy rối tình dục lan truyền trên Internet. Nữ nhân viên này cáo buộc đã bị ép uống rượu và lạm dụng tình dục bởi sếp của mình và khách hàng của công ty.

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết đang tiến hành điều tra cáo buộc và không đưa ra thêm chi tiết nào.

Uống rượu tiếp khách là một văn hóa tồn tại trong kinh doanh ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác tại khu vực Đông Á, nơi rượu bia, phụ nữ bị nam giới sử dụng làm công cụ để kết nối với đối tác và ký kết hợp đồng.

Tiếp rượu và tấn công tình dục

Nữ nhân viên giấu tên cho biết vụ việc xảy ra khi cô được yêu cầu cùng sếp đi ăn tối với khách hàng tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông hôm 27/7. Trên bàn tiệc, cô bị sếp ép uống rượu cho đến khi say.

Cô gái cáo buộc một trong những khách hàng đã tìm cách hôn và sờ mó mình ngay tại bàn ăn. Người này sau đó kéo cô vào một phòng riêng tại nhà hàng và tiếp tục hành vi tấn công tình dục.

Nạn nhân cho biết sau đó cô tỉnh dậy tại một phòng khách sạn trong tình trạng khỏa thân. Cô chỉ còn nhớ lờ mờ rằng sếp nam đi cùng đã nằm đè lên người và cưỡng hiếp mình.

Trong thông báo gửi đến nhân viên hôm 9/8, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang khẳng định công ty "kiên quyết phản đối" thứ mà ông Zhang gọi là "văn hóa tiếp rượu xấu xí", ám chỉ tới cáo buộc từ nữ nhân viên trong câu chuyện.

Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang. Ảnh: Reuters.

Ông Zhang cho biết vụ việc ở Tế Nam đã phơi bày một vấn đề mang tính hệ thống trong văn hóa làm việc của công ty và rằng ông sẽ quyết giải quyết tình trạng này.

Trong thế giới kinh doanh ở Trung Quốc, các doanh nhân gặp nhau tại nhà hàng, hộp đêm. Họ cùng uống một thứ rượu được gọi là "bạch tửu" được làm từ ngũ cốc lên men.

Một nghiên cứu hồi năm 2018 của Human Rights Watch, dựa trên phân tích 36.000 thông báo tuyển dụng tại Trung Quốc giai đoạn 2013-2018, cho thấy hiện tượng tình dục hóa nhân viên nữ phổ biến trong các thông báo tuyển dụng.

Một số công ty công nghệ lớn không ngần ngại quảng cáo trong thông báo tuyển dụng rằng họ có "những cô gái đẹp" hay "nữ thần" làm việc tại công ty mình, như một cách để thu hút nhân tài.

Nhiều cô gái, sau khi đọc xong câu chuyện ở Tế Nam, cho biết họ đồng cảm với nữ nhân viên Alibaba.

"Tôi thực sự căm ghét văn hóa uống rượu. Tôi luôn phải lấy lý do bị dị ứng để có thể từ chối", Joy Zheng, cô gái 25 tuổi sống ở Thượng Hải, cho biết. Zheng từng làm cho một công ty tư vấn, nhưng sau đó nghỉ việc, chuyển sang tự kinh doanh, một phần bởi không thể chấp nhận văn hóa uống rượu.

Zheng nói cô tin những cáo buộc của nữ nhân viên Alibaba là thật, và điều đó không làm cô bất ngờ. Tại Trung Quốc, "có luật bất thành văn là một khi bạn đồng ý đi công chuyện với cấp trên, bạn sẽ phải uống rượu", Zheng cho biết.

Sẽ không còn chỗ cho văn hóa tiếp rượu?

Trên Weibo, chủ đề về uống rượu, phụ nữ và công việc rất được quan tâm và thu hút hàng trăm triệu người theo dõi những ngày qua.

Trong khảo sát do một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tiến hành với hơn 500.000 người tham gia, đa phần cho biết họ "cực kỳ phản đối và không chấp nhận" để văn hóa tiếp rượu ảnh hưởng tới công việc.

"Các cô gái bị gọi đi tiếp rượu lúc 3h sáng, và họ không được về nhà cho tới khi đã say mèm", một tài khoản Weibo cho biết.

Tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 9/8 đã có bài xã luận chỉ trích các công ty thiếu quan tâm tới đời sống nhân viên, đồng thời lên án văn hóa tiếp rượu.

Hội liên hiệp Phụ nữ toàn Trung Quốc hôm 10/8 gửi đi thông điệp kêu gọi thêm nhiều phụ nữ làm theo nữ nhân viên của Alibaba và chống lại lạm dụng rượu bia.

Trong bài bình luận đăng trên website cùng ngày, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc miêu tả văn hóa tiếp rượu là hành vi "vô đạo đức", đồng thời kêu gọi người dân đoạn tuyệt với "những luật bất thành văn" mà nữ nhân viên của Alibaba cáo buộc.

Alibaba cho biết đã sa thải nhân viên bị cấp dưới tố cáo cưỡng hiếp. Ảnh: Reuters.

Trở lại vụ việc ở Tế Nam, sau khi quay lại trụ sở chính của công ty ở Hàng Châu, nữ nhân viên đã nói chuyện với với quản lý trực tiếp của sếp nam mà cô tố cáo đã có hành vi tấn công tình dục. Người này khi đó không thảo luận với cô về hành vi tấn công tình dục, chỉ nói về lợi ích của việc tiếp rượu đối với kết quả kinh doanh.

"Cô có nghĩ chúng ta sẽ giành được những hợp đồng ấy nếu không uống rượu không?", người quản lý nói.

Sau khi vụ việc vỡ lở, Alibaba đã tiến hành điều tra nội bộ. Người sếp nam trong vụ việc thừa nhận đã "có hành vi thân mật" với nữ nhân viên khi nạn nhân say rượu.

"Người này sẽ bị sa thải và không bao giờ được quay trở lại", ông Zhang, CEO của Alibaba, cho biết. Một đại diện của Alibaba xác nhận người đàn ông trong vụ việc đã bị sa thải.

Khách hàng bị nữ nhân viên Alibaba tố cáo tấn công tình dục cô cũng đã bị công ty của người này sa thải.

Hiện chưa rõ nhà chức trách Trung Quốc sẽ xử lý vụ việc của nữ nhân viên Alibaba như thế nào.

Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, bà Lu Pin, cho biết những tranh cãi xung quanh vụ việc về hiểm họa đối với nữ giới đến từ rượu bia và các hoạt động trong môi trường công việc đã cho thấy nhận thức của công chúng Trung Quốc về quấy rối tình dục đang được cải thiện.

Phong trào #MeToo từng rộ lên ở Trung Quốc từ năm 2018, sau khi xuất hiện những cáo buộc tấn công tình dục trong một số trường đại học và cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, phong trào này bị chính quyền Trung Quốc kiềm chế, không để phát triển như các nước phương Tây.

"Đây có lẽ sẽ là một khởi đầu mới cho #MeToo ở Trung Quốc. Văn hóa tiếp rượu trong công việc ở Trung Quốc đã bị vạch trần, từ nay hiện tượng này sẽ không còn được coi là bình thường nữa, người ta sẽ liên tục đặt câu hỏi và tranh luận về nó", bà Lu cho biết.

Duy Anh