Tìm kiếm và phát hiện tài năng 'Tiếng hát sinh viên toàn quốc' lần thứ XV

Cuộc thi nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tình yêu đối với quê hương, đất nước, nhà trường, thầy cô và bạn bè cho thế hệ trẻ; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh, cán bộ quản lý, thầy, cô giáo, người lao động trong toàn ngành và tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên; phát hiện tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật ca hát chuyên và không chuyên của sinh viên để lan tỏa trong toàn xã hội.

Đồng thời, cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”.

Bên cạnh đó còn đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, nhằm giáo dục giá trị thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử văn hóa; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho sinh viên trong giai đoạn mới.

Chương trình Cuộc thi THSV-2023 bám sát chủ đề, trang trọng, ý nghĩa, có nội dung phù hợp, có tính nghệ thuật và hiệu quả tuyên truyền cao, khuyến khích những sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong môi trường giáo dục và toàn xã hội.

Các hoạt động trong khuôn khổ Cuộc thi phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, an toàn và tiết kiệm, tạo không khí vui tươi phấn khởi trên tinh thần: “Đoàn kết - Sáng tạo - Thân thiện - An toàn”.

Địa điểm tổ chức

Cuộc thi được phát động, tổ chức thành 2 vòng thi gồm: Vòng Khu vực (3 khu vực: Bắc, Trung, Nam) và Vòng Chung kết toàn quốc.

Vòng Khu vực: Dự kiến tổ chức trong tháng 10/2023. Vòng Chung kết toàn quốc: Dự kiến tổ chức trong tháng 12/2023.

Khu vực phía Bắc: Gồm tiết mục dự thi của sinh viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Gồm tiết mục dự thi của sinh viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kontum, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa.

Khu vực phía Nam: Gồm tiết mục dự thi của sinh viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau.

Đối tượng dự thi

Thí sinh tham dự Cuộc thi THSV-2023 là sinh viên hiện đang học tập hệ tập trung tại các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm (sau đây gọi tắt là các trường) trong cả nước, có độ tuổi từ 18 đến 28 tính đến ngày 31/12/2023.

Sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế, sinh viên học các khoa chuyên ngành âm nhạc tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm tham gia Cuộc thi được xếp hạng và chia bảng riêng.

Thí sinh tham gia yêu cầu không nằm trong diện điều tra vi phạm pháp luật của cơ quan pháp luật, có lối sống lành mạnh, giao tiếp ứng xử chuẩn mực và chịu trách nhiệm khai báo đầy đủ, trung thực trên hồ sơ cá nhân gửi về Ban Tổ chức.

Hồ sơ đăng ký dự thi

Hồ sơ đăng ký dự thi chính thức gồm: Danh sách tổng hợp các sinh viên dự thi, các tiết mục dự thi (rõ danh sách sinh viên thi phần Ca và phần phụ họa với từng tiết mục dự thi), các thành viên trong đoàn (3 bản); Phiếu dự thi (theo mẫu) đối với sinh viên phần Ca có dán ảnh (3 x 4), chụp sau ngày 30/6/2023 (3 bản), Chương trình dự thi của đoàn (3 bản).

Giám đốc, hiệu trưởng các nhà trường có nhiệm vụ xác nhận, ký, đóng dấu các bản đăng ký dự thi và phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhân sự tham dự Cuộc thi của đoàn mình.

Các đoàn dự thi cử người đại diện cho đoàn để có mặt tại địa điểm thi trước 1 ngày diễn ra Khai mạc Cuộc thi (cả Vòng thi Khu vực và Vòng thi Chung kết) theo thông báo của Ban Tổ chức để bốc thăm thứ tự dự thi; làm các thủ tục nhân sự; các đoàn chủ động đăng ký với Ban Tổ chức về thời gian đưa đoàn đến khớp nhạc, làm quen sân khấu sao cho phù hợp với lịch dự thi của đoàn và có trách nhiệm quản lý các sinh viên, thành viên của đoàn cho đến khi kết thúc Cuộc thi.

Cơ cấu giải thưởng

Cơ cấu Giải toàn đoàn của mỗi khu vực gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba. Đối với Vòng Chung kết toàn quốc: Giải toàn đoàn gồm giải Đặc biệt (nếu có), 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích.

Đối với Vòng Khu vực: Cơ cấu giải tiết mục của mỗi khu vực gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba. - Đối với Vòng Chung kết toàn quốc: Cơ cấu giải tiết mục gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.

Đối với Vòng Khu vực gồm: Giải Nhất, giải Nhì toàn đoàn của mỗi khu vực được tặng Bằng khen Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng theo quy định. Giải Ba, giải Khuyến khích toàn đoàn và tiết mục được cấp Giấy Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với Vòng Chung kết toàn quốc gồm: Giải Nhất, giải Nhì toàn đoàn và tiết mục được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải Nhất, giải Nhì tiết mục được nhận huy chương Vàng và Bạc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giải Ba, giải Khuyến khích toàn đoàn và tiết mục sẽ được nhận Giấy Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PV