Nói không với tập huấn nửa vời

Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung các chủ đề trong chương trình tập huấn trên đều hữu ích, nhưng vì thời gian gấp rút, giảng viên không có điều kiện "cầm tay chỉ việc", quá trình giảng dạy nặng về lý thuyết, thiếu những bài học và kinh nghiệm thực tiễn.

Ngay cả khi tổ chức tập huấn kéo dài vài ngày thì cũng không dễ mang lại hiệu quả như mong muốn. Đáng nói, câu chuyện trên đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực.

Quang cảnh một lớp tập huấn. Ảnh minh họa: TTXVN

Đơn cử trong thể thao, mỗi năm có hàng trăm chuyến tập huấn trong nước và quốc tế được tổ chức. Bên cạnh nhiều chuyến tập huấn bổ ích, giúp các tài năng của thể thao nước nhà được cọ xát, tôi luyện bản lĩnh thi đấu thì vẫn còn nhiều chuyến tập huấn thất bại.

Chính những chuyến tập huấn gấp rút, thiếu nghiên cứu và không dự báo được kết quả là một trong những nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam chưa giành được kết quả như ý tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 đang diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Tập huấn là hướng dẫn, tập luyện, giúp nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho những người tham dự về một công việc và lĩnh vực cụ thể. Từ những chuyến tập huấn, nhiều học viên đã học hỏi được nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm bổ ích, phong phú; là dịp để giao lưu, làm quen với các đồng nghiệp xa gần. Có những chuyến tập huấn tuy ngắn mà hiệu quả, trong khi đó nhan nhản chuyến tập huấn tổ chức cả tuần hay nửa tháng nhưng hiệu quả không cao.

Thời gian qua, không ít chuyến tập huấn thường được tổ chức rập khuôn, máy móc, năm sau na ná năm trước; đội ngũ giảng viên chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bài giảng nặng về lý thuyết; có những giảng viên giỏi về chuyên môn nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm.

Đáng nói, nhiều chuyến tập huấn nửa vời được tổ chức cho xong, trở thành nơi tụ tập vui chơi, thậm chí để... giải ngân. Điểm chung sau những chuyến tập huấn là các bản báo cáo với số liệu đẹp, nhiều tập thể, cá nhân được vinh danh, cùng kết luận: "Chương trình thành công tốt đẹp".

Muốn nâng cao chất lượng các lớp tập huấn, trước hết ban tổ chức cần nắm bắt những người tham dự muốn gì, trình độ của họ đang ở đâu, cần nâng cao trình độ, nghiệp vụ khâu nào...

Thay vì tổ chức tập huấn tràn lan thiếu thực tiễn, các đơn vị chuyên môn cần có đội ngũ nghiên cứu, khảo sát lĩnh vực thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong việc mời giảng viên và nội dung học tập. Cần loại bỏ ngay những chương trình tập huấn nửa vời, thiếu thiết thực, xa rời thực tiễn để tránh lãng phí ngân sách, thời gian và gây mất niềm tin của những người tham gia.

HỮU TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.