Niềm vui từ những con đường thúc đẩy phát triển du lịch tại Ba Bể

Những con đường lâm nghiệp kết nối những vùng kinh tế tiềm năng gắn với du lịch trải nghiệm ở Ba Bể.

Sau gần 4 tháng tích cực thực hiện, con đường sản xuất vào khu trồng hồng không hạt, ruộng bậc thang gắn với du lịch trải nghiệm tại cánh đồng Nà Mặn, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể với tổng chiều dài 2,3km đã cơ bản hoàn thành trong niềm vui của người dân thôn Nà Chom. Đây là một trong những tuyến đường mơ ước của người dân trong xã nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo vùng cây ăn quả cho cây hồng không hạt theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Theo ông Phương Văn Lâm, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê: "Từ chủ trương của các cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển du lịch, Nhà nước đã bố trí nguồn kinh phí đầu tư mở con đường vào khu vực sản xuất của thôn với hơn 80 hộ dân ở đây được hưởng lợi. Có con đường đi thuận lợi vào khu vực sản xuất này chắc chắn sẽ phát triển được nhiều loại cây trồng, đồng thời thông qua phát triển du lịch trải nghiệm sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân nơi đây. Từ những suy nghĩ trên, riêng gia đình tôi đã hiến hơn 1.000 mét vuông đất vườn đồi; nhiều hộ khác trong thôn cũng đã hiến đất để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung là phát triển kinh tế".

Từ khi có con đường ô tô đến được khu vực nuôi cá hồi, cá tầm ở Pù Lầu, khách đến đây trải nghiệm ngày càng đông hơn.

Với tiềm năng sẵn có từ thế mạnh nông - lâm nghiệp, huyện Ba Bể đã chỉ đạo thực hiện các mô hình phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch như: Mô hình sản xuất bí xanh thơm, lúa Nếp Tài, nuôi cá tầm gắn với du lịch trải nghiệm rừng trúc và thác Pù Lầu tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương; Mô hình sản xuất chè trung du gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Mỹ Phương và mô hình trồng hồng không hạt, lúa ruộng bậc thang gắn với du lịch trải nghiệm tại khu vực cánh đồng Nà Mặn, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê…

Bên cạnh việc đẩy mạnh các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch, tiêu thụ nông sản, huyện Ba Bể cũng đã ưu tiên nguồn vốn; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường vào các khu vực sản xuất gắn với du lịch trải nghiệm. Một số tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bước đầu mang lại hiệu quả rất tích cực.

Bà Triệu Thị An, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể cho hay: Đường mới hoàn thiện được 2-3 tháng, khách ngày một đông, mỗi tuần gia đình đón 3 – 4 đoàn khách, mỗi đoàn trên 10 người đến trải nghiệm và ăn uống tại đây, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập.

Cảnh đẹp ở vùng cao đang được người dân huyện Ba Bể tích cực khai thác tiềm năng du lịch.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Ba Bể phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu hút trên 200.000 lượt khách du lịch/năm; doanh thu phí tham quan du lịch đạt trên 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Với nhiều giải pháp đã đề ra, cùng với việc nâng cấp tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể, tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ “chắp cánh” cho du lịch Ba Bể phát triển hơn nữa. Ngoài ra, việc đón đầu trong xây dựng các mô hình phát triển nông - lâm nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện là một trong những hướng đi có nhiều tiềm năng và mang tính khả thi cao của Ba Bể./.

Đình Văn