Giáo dục truyền thống qua những chuyến trải nghiệm thực tế

Cô và trò Trường THCS Hoằng Trường thăm Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng.

Trong chương trình học, các em học sinh lớp 6 đã được đến thăm Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, được nghe những câu chuyện lịch sử về chiến công hào hùng của các lão dân quân đã bắn rơi 2 chiếc máy bay của giặc Mỹ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiết học tuy ngắn, nhưng tất cả học sinh đều tỏ ra thích thú với “địa chỉ đỏ” nơi mình được đến. Một địa điểm không mới, nhưng được đến thăm trong một tâm thế mới đã giúp các em có tiết học hoạt động ngoài trời sôi nổi theo tinh thần vừa chơi, vừa học. Em Lê Thị Quỳnh, học sinh lớp 6C, Trường THCS Hoằng Trường, chia sẻ: “Mỗi lần được tham gia các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức, em cảm thấy rất thích thú và vui vẻ khi được đi tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử”.

Trên địa bàn xã Hoằng Trường có các điểm lịch sử như: Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường, Đài chiến thắng trận đầu hải quân Nhân dân Việt Nam, Đồi 82 - nơi trận địa các cụ lão dân quân bắn rơi máy bay Mỹ. Đây đều là các “địa chỉ đỏ”, giúp các thế hệ trẻ hiểu được những năm tháng chiến tranh mà cha ông đã chiến đấu, hy sinh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Từ đó, phát huy được sức mạnh của quê hương Hoằng Trường anh hùng, nuôi dưỡng niềm tự hào để thế hệ trẻ vươn lên xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Phương pháp giáo dục lịch sử địa phương thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế ngày càng được nhiều trường học chú trọng thực hiện, gắn nội dung bài học với lịch sử địa phương; giúp giờ học trở nên hào hứng và học sinh chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức vốn gần gũi, gắn bó với chính mảnh đất các em sinh ra và lớn lên. Đây là hoạt động bổ ích giúp các em học sinh hiểu biết thêm về thực tế lịch sử địa phương; đồng thời cũng là cách giúp các em ghi nhớ nhanh hơn các sự kiện lịch sử so với phương pháp giảng dạy trên lớp.

Cô giáo Lê Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Hoằng Trường, cho biết: Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống giặc giữ nước, cho nên giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các em học sinh là điều vô cùng cần thiết. Qua đó các em sẽ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, tăng thêm niềm tự hào đối với lịch sử cha ông ta đã để lại. Đồng thời, các em sẽ thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình khi được sinh ra, lớn lên trong bối cảnh đất nước hòa bình. Từ truyền thống lịch sử, các em sẽ phát huy được tinh thần của con người Việt Nam.

Thực hiện chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, các nhà trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đang chú trọng ứng dụng các phương pháp dạy học hiện đại, trong đó đưa vào chương trình học lịch sử hình thức trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, Hoằng Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, việc giáo dục lịch sử địa phương thông qua các hoạt động ngoại khóa đã góp phần tích cực vào việc khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh. Qua thống kê, mỗi năm các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa tổ chức gần 100 đoàn học sinh, giáo viên, phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn như: bảng Môn Đình, nhà thờ Nguyễn Quỳnh, nhà thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất ở xã Hoằng Lộc; Đài chiến thắng trận đầu của hải quân Nhân dân Việt Nam; chùa Bụt, Hòn Bò, xã Hoằng Trường; đền thờ Tô Hiến Thành, xã Hoằng Tiến... Đồng thời, tổ chức nhiều chuyến tham quan ở các địa danh lịch sử nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Hoạt động này giúp các em học sinh tìm hiểu sâu sắc những giá trị lịch sử và truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Bài và ảnh: Việt Hương