Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà

Anh bảo đôi ta sống có nhau...

Hà Tĩnh đang những ngày đỉnh nóng. Gió Phơn đã về, hung hăng. Cộng hưởng làm cho mùa hè càng khốc liệt. Mẹ Tý - tôi dùng cách gọi trìu mến xứ Nghệ, để gọi cô em “thay cháu”, đón từng xô vữa chuyền lên cho thợ đổ nốt trần nhà cho chú em bên chồng. Quần áo chống nóng, mũ, khẩu trang kín mít. Chỉ có đôi mắt của thời con gái, hài hòa trên khuôn mặt, long lanh, hun hút...thì còn nguyên đó. Thời gian không lấy đi được vẻ đẹp của đôi mắt Tý.

Tiếng Việt từng có nhiều cách nói về đôi mắt đẹp, so sánh, ẩn dụ. Ví như: đôi mắt bồ câu, đôi mắt hạt nhãn, đôi mắt lá răm...Ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng đã có hẳn “kho tàng” về đôi mắt. Tất nhiên, chủ yếu chỉ dành cho đôi mắt phụ nữ. Đối với đàn ông, hình như chỉ có câu: “Mấy người con mắt ốc nhồi / Giỏi tài đánh vợ, đập nồi đập niêu”, (ca dao).

mắt nào thì ví dao cau / trầu không trổ lá sắc màu diệp chi” (thơ Ngô Đức Hành), nhìn đôi mắt Tý, tôi nhớ hai câu thơ đầu trong bài thơ “Đôi mắt” viết thời xa xưa.

Tý người làng bên, lớn lên, nhiều trai đến dạm hỏi. Bố Tý nói vui, sinh ra đứa con gái “dệ coi” là bố mẹ đến khổ. Đêm đến cứ lo ngồi đuổi chó, không đuổi nó cắn vào con người ta. Đuổi hết đêm này, sang đêm khác, mệt. Thế nhưng, chú Minh là người được Tý “gật đầu”. Ngày Minh “rước nàng về dinh”, làng trên xóm dưới ai cũng mừng cho gia đình bà Hiến. “Chắc tích phúc, tích đức mấy đời, con trai mới tìm được vợ như con Tý”, họ kháo thế.

Vợ chồng Minh Tý là những người làm tự do. Tý nết na, tần tảo, chịu thương, chịu khó như nhành rau má, như cây lúa...quê nhà. Dẫu đất cằn, khắc nghiệt cứ bám đất mà xanh, mà chín, nuôi người, nín nhịn và thơm thảo.

Rồi những đứa con ra đời. Nếu nói hơi sến, hơi cũ là “hoa trái tình yêu” thì tình yêu của cô chú Minh Tý ba lần đơm trái ngọt. Các cháu ngoan ngoãn, chăm học, vâng lời bố mẹ, ý thức về gia phong. Không may cho vợ chồng Minh Tý, cháu trai đầu mắc bệnh nan y khi còn quá bé. Sáu năm trời, Tý và cháu bé gắn với tuyến đường Hà Tĩnh – Hà Nội và ngược lại, đến đi/ về một địa chỉ không ai muốn nghĩ đến: Bệnh viện K Trung ương. “Để chồng đi không yên tâm, anh vụng, khó xoay xở”, nghĩ thế mà Tý dành con về mình chăm sóc.

Trong một số tác phẩm văn chương có nói về một loài chim đặc biệt, đó là Bồ Nông với phẩm chất đặc biệt. Bồ Nông, một giống chim biển lớn, khi đàn con đói, khát, chim mẹ có thể rạch bụng rỏ máu cho con bú thay sữa. Hành động đó được loài người công nhận là một tượng trưng cho lòng hy sinh cao quí của tình mẫu tử. Cũng do vậy qua nhiều thế kỷ, một số Hội Từ thiện đã lấy hình ảnh chim Bồ Nông làm biểu tượng cho tôn chỉ và tinh thần bác ái của Hội mình.

Tình cảm máu mủ mẹ con là thiêng liêng nhất. Không có người mẹ nào không thương con; trừ cá biệt; từ sự “biến thái” không giải thích được nhiều bà mẹ trẻ lạnh lùng bỏ con trước cửa đình, cửa chùa, thậm chí vứt trẻ sơ sinh vào thùng rác...

Sự hy sinh của Tý dành cho con mình không khác gì loài chim Bồ Nông. “Mẹ em nể lắm, các chị gái, em gái nhà em nể lắm”, Minh ghi nhận.

Nói về công lao, tài đức cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam khó có một ngoài bút nào mà lột tả hết được, tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử, hoàn cảnh cụ thể mà nét đẹp được nhấn mạnh ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.

...Như hai tấm gương soi vào nhau để có hạnh phúc

Khổng Tử- triết gia nổi tiếng Trung Quốc, ông tổ của nền giáo dục thế giới đã đưa ra thuyết “Tam tòng, Tứ đức” với các chuẩn mực: “Công- Dung- Ngôn- Hạnh” làm tiêu chuẩn cơ bản của phụ nữ, thường bố mẹ hay dạy dỗ con gái, và phụ nữ xưa đều tu luyện, hoàn thiện mình, theo đó. Tý không phải là “xưa”, mới ngoài 40, đang ở giai đoạn “đỉnh”, chín cả về tâm, sinh lý.

Đức hạnh của người phụ nữ ngày nay như Tý được thể hiện rõ trong vai trò làm vợ làm mẹ, làm con, ở vai trò làm vợ, người phụ nữ cùng chồng thực hiện tất cả các chức năng của gia đình: chức năng sinh sản, làm kinh tế, giao tiếp… Tý luôn là chỗ dựa tinh thần của người Minh, chia sẻ buồn vui, thành công cũng như thất bại của chồng, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tý làm tròn trách nhiệm của mình trong việc đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý, tinh thần cũng như vật chất của chồng. Tý biết làm đẹp bản thân mình, vì mình, vì chồng, học hỏi nâng cao kiến thức, cư xử văn hóa…

Ba năm nay, sau ngày cháu trai đầu mất, em không làm được gì, một mình vợ em gánh vác”, Minh thả làn khói thuốc trải lòng. “Mẹ Tý tuyệt. Đây là lần đầu tiên ở quê lâu ngày, anh ghi nhận chắc không sai”, tôi mừng cho Minh. “Vợ em cứ bảo, bố lo giữ sức khỏe, làm chỗ dựa cho mẹ con, ở nhà em nuôi. Hấn nói với em rứa đó bác”, Minh chia sẻ.

Anh bảo đôi ta sống có nhau / Như hai tấm gương soi vào nhau / Mỗi vết bùn anh vương trên mặt / Trong mắt em đọng thành nước mắt...”, (thơ Tế Hanh). Tôi không nhớ trọn vẹn bài thơ này, nhưng tinh thần mà bài thơ gửi gắm cho đôi lứa yêu nhau, cho vợ chồng trong mỗi gia đình luôn đúng. Tý yêu chồng, thương con, làm vậy, nói vậy; nhưng không vì thế, Minh ỷ hết cho vợ. Họ biết “soi vào nhau” giữ tổ ấm hạnh phúc, luôn ấm áp tình yêu thương.

...

Nhưng lúc này anh ở bên em

Niềm vui sướng trong ta là có thật

Như chiếc áo trên tường như trang sách

Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà

(Nói cùng anh, thơ Xuân Quỳnh).

Vợ chồng Tý – Minh làm tôi nhớ bài thơ này. Tôi nghiệm ra rằng, không chỉ lăn vào kiếm tiền, thật nhiều tiền gia đình đã hạnh phúc, vợ chồng đã hạnh phúc. “Chất lượng sống” là một khái niệm, chỉ thực sự có “chất lượng”, ý nghĩa khi “tỷ trọng” tinh thần ngày càng lớn. Tỷ trọng ấy, không phụ thuộc vào thật nhiều biệt thự, đất để dành, vi-la, xe hơi, du thuyền...trong cuộc “săn lùng” vật chất của con người hiện nay. Nhiều khi chỉ cần “Như chiếc áo trên tường như trang sách/ Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà”./.

Hà Tĩnh, ngày 4/7/21

NĐH

Tản văn của Ngô Đức Hành