100% sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được quảng bá ra thế giới

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được triển khai từ năm 2003, trong đó, Bộ Công Thương được Chính phủ giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất, hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực kinh doanh, xây dựng, bảo vệ, phát triển, gia tăng giá trị sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, chương trình góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Đến nay, số DN có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã tăng từ 30 đơn vị năm 2008 lên 124 đơn vị. Các DN đạt Thương hiệu Quốc gia ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế về quy mô, doanh thu, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, trách nhiệm xã hội cũng như năng lực cạnh tranh. Năm 2019, tổng doanh thu của 124 DN đạt Thương hiệu Quốc gia khoảng 1,43 triệu tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 137.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước hơn 200.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 471.000 lao động.

Vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Ảnh: Thanh Hải)

Theo báo cáo của hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Vương quốc Anh), năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới - tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD. Giá trị Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong nhóm 100 Thương hiệu Quốc gia giá trị nhất thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg về Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng bình quân 20%/năm, số lượng DN trong danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất tăng 10%/năm, theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Đến năm 2030, Việt Nam có hơn 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. 90% DN nhận thức đầy đủ về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư. 100% sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ cộng đồng nâng cao nhận thức về vai trò của thương hiệu đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của quốc gia. Cùng với đó, Bộ hỗ trợ cộng đồng DN tham gia xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; từ đó góp phần tăng cường những lợi ích mà vị thế mới, giá trị mới của Thương hiệu Quốc gia mang lại.

Đối với nhóm DN chưa có sản phẩm Thương hiệu Quốc gia, chương trình sẽ hỗ trợ kỹ thuật để sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của chương trình, được công nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. Đối với nhóm DN có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, chương trình sẽ hỗ trợ kỹ thuật về bảo vệ và phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước, quốc tế, cũng như kỹ năng quảng cáo, truyền thông thương hiệu sản phẩm.

Ngoài ra, Chương trình sẽ đẩy mạnh quảng bá, truyền thông cho DN có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia cũng như các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia với từng khu vực thị trường, nhóm đối tượng cụ thể, thông qua đa dạng hóa các kênh và loại hình truyền thông.

Ánh Ngọc