Nhà báo Thái Duy - cây đại thụ, một nhân cách lớn

Thường thì cứ nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), hoặc là nhân một sự kiện nào đó của đất nước mà cần bài đăng báo, tôi lại tìm đến ông. Khoảng chục năm trở lại đây, ông vẫn đầy nhiệt huyết, minh mẫn, nhận xét sắc sảo về mọi vấn đề. Tuy nhiên, ông lại dặn: “Không đưa lên báo đâu nhé! Không Facebook nữa. Giờ già rồi, nói ai nghe”.

Nhưng tôi chẳng nghe lời ông dặn bao giờ. Biết được, ông lại bảo: “Cái cậu này, lần sau thì thôi nhé”. Nhưng rồi, ông chẳng từ chối bao giờ.

Ông bảo: “Có thể nói từ cuối năm 1989, khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên cùng với đó, nạn tham nhũng bắt đầu phát triển. Ý thức rất rõ điều đó, năm 1990, chúng ta đã có một nghị quyết rất hay, đó là tách kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước. Đây là nghị quyết, theo tôi, là cực kỳ quan trọng. Một bộ lớn như Bộ NN&PTNT quản lý tới hơn 500 doanh nghiệp, bộ nhỏ hơn thì cũng có hàng hai, ba trăm DN. Chủ tịch tỉnh cũng quản lý hàng trăm doanh nghiệp. Các “ông ấy” vừa nắm chính quyền lại vừa đi buôn thì nguy rồi. Ngân hàng cũng bị “ông ấy” chi phối. Mọi hoạt động lớn đều phải xin chữ ký duyệt của “ông ấy”. Mà ký là phải quà cả đấy.

Cho nên tại sao đến Tết cứ nhà lãnh đạo ở đâu thì cả phố tắc đường, vì có lúc hàng trăm chiếc ô tô nối đuôi nhau chờ đến lượt vào chúc tết, tặng quà. Chính vì thế, tôi xin nhắc lại, tách sản xuất - kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước là cực kỳ sáng suốt. Tiếp đến năm 1992 có nghị quyết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Quá sáng suốt! Tiếp đến năm 1993 làm quyết liệt hơn: có Nghị quyết của Quốc hội về chống tham nhũng. Ba việc làm trong 3 năm là rất có ý nghĩa, rất hay. Nhưng tiếc là nó đã không được thực hiện đến nơi đến chốn”.

Các nhà báo của tờ báo Giải Phóng: Thép Mới, Kim Toàn và Thái Duy (từ trái qua) trong một bức ảnh cũ.

Rồi ông lại bảo: “Không chống được tham nhũng thì chết!”. Ông kể: “Trong lịch sử nước nhà Trần, Lê, Nguyễn là 3 triều đại rất thịnh vượng, nhưng cuối cùng đều sụp đổ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết cục bi thảm ấy là do bộ máy cai trị tham nhũng vô độ. Thời Trần thịnh vượng là vậy, 60 năm dân chúng no ấm, nhưng đến đời Trần Dụ Tông thì sụp đổ vì tham nhũng. Vua quan chỉ có ăn chơi trác táng, đánh bạc. Khi Lê Lợi và Nguyễn Trãi lập nên nhà Lê ra chiếu gửi nhân dân đã nói thẳng là: “Chúng ta nhất định không đi vào vết xe đổ của Nhà Trần, tránh tham nhũng”. Thế nhưng cuối cùng Nguyễn Trãi cũng thất bại. Đến nhà Nguyễn cũng thế. Nhà Nguyễn tham nhũng đến mức độ phải gọi là ruỗng nát”.

Ông vào phòng trong lôi ra một chồng sách, lần giở từng cuốn đọc cho tôi nghe: “Chữ các cụ viết sợ lắm". Nhà báo Thái Duy nhắc đến chuyện Nguyễn Trãi từng viết: “Sau chiến tranh được hưởng thái bình bọn quan lại có nhiều người đua ăn chơi, yến tiệc, biếng nhác việc công, chỉ chăn bóp nặn nhân dân kiếm chác”.

Tháng 7 năm 430, Nguyễn Trãi thay vua làm chiếu truyền các quan không được làm lễ nghi khánh hạ (tức không được mở tiệc tùng): “Dẹp cung thất cao đài tạ. Cao đài tạ, cung thất đài tạ tất gây thói tục xa hoa. Theo ý mình tức lòng người tất đến trăm năm oán giận. Trẫm rất thẹn thùng về điều đó. Thường nghĩ những quy mô lớn lao, lộng lẫy đều là sức lao khổ của công dân. Cứ để yên thế mà ở còn e không đáng, thế mà văn võ thần liêu định làm đầy đủ những lễ nghi đăng điện yến hạc thật rất không hợp ý trẫm. Vậy truyền bách quan không được làm những việc xưng tụng công đức viễn vông cùng bày đặt linh đình lễ nghi yến hạ”.

Còn Nguyễn Trường Tô thì viết thế này: “Hiện nay tình hình trong nước rối loạn, trời thì xanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của, sức lực của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi. Trong triều đình quần thần thì làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái chống đối nhau. Những việc như vậy cũng đã nhiều. Ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng, xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước”.

Cho nên từ 1952, cụ Hồ đã gọi tham nhũng là một thứ giặc “nội xâm”, ngang với giặc ngoại xâm: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm xong cách mệnh rồi thì quyền nên giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Bác Hồ lo nhất cái chỗ đó (tức tham nhũng) cho nên Người mới gọi là “nội xâm”.

Cách đây vài năm, đến thăm ông, tôi than phiền “viết báo giờ khó lắm cụ ơi”, viết gì cũng phải theo tôn chỉ mục đích của tờ báo.

Ông cười, bảo: “Khi lên làm Tổng bí thư ông Nguyễn Văn Linh đã gặp các nhà báo nói chuyện hai ngày liền, cho nói tha hồ, bảo có gì cứ phản ánh, nói thẳng, nói thật, nhìn thẳng vào sự thật. Chủ tịch Hội Nhà báo lúc bấy giờ là ông Hồng Chương chỉ định tôi phát biểu. Lúc ấy tôi cũng đã già rồi.

Trước đó tôi hay than thở với ông ấy: “Mất nghề rồi anh ạ! Các anh cứ kêu rằng tiểu thủ công nghiệp đang mất nghề, nhưng cả nhà báo chúng tôi cũng đang mất nghề đây thôi”. Anh ấy hỏi tại sao? Tôi bảo tôi đi làm Quốc hội chỉ có mỗi việc là đến lĩnh thông báo rồi về đăng. Bao nhiêu kỳ Quốc hội rồi, tôi chẳng được viết bài nào. Thế nên ông ấy bảo tôi phát biểu.

Tôi phát biểu. Bắt đầu công cuộc đổi mới. Các đại biểu Quốc hội không phải nộp báo cáo trước khi phát biểu nữa. Từ đấy bắt đầu tiến trình đổi mới của Quốc hội. Ai phát biểu thì cứ phát biểu. Tuy nhiên khi ấy ai muốn phát biểu thì lên diễn đàn. Sau này dân chủ hơn nữa là mỗi bàn có một micrô. Ai phát biểu thì đứng tại chỗ.

Sau đó đến bắt đầu chất vấn. Sau chất vấn mới hô hào “các vị” ấy tranh luận. Không khí Quốc hội bắt đầu nhộn nhịp hơn lên. Các phóng viên cũng bắt đầu các cuộc phỏng vấn.

Ông Cụ nói: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm xong cách mệnh rồi thì quyền nên giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”

Nhớ lại lần hầu chuyện Đại lão nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân) về vấn đề mà thiên hạ đang “cãi nhau” với Bộ GD& ĐT về việc học sinh được lựa chọn thi môn lịch sử hay không. Ông bảo: “Dạy sử như hiện nay thì thi cũng được mà bỏ cũng chẳng sao. Dạy sử là lấy chuyện xưa ông cha mà giáo dục con cái về đạo làm người, cao hơn nữa là dạy về nhân cách và liêm sĩ của kẻ cầm quyền. Này nhé, Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương (thực ra Nguyễn Tri Phương không phải là Tổng đốc Hà Nội. Lúc bấy giờ ông đang thực thi nhiệm vụ đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, được chuyển về đóng tại Hà Nội, gặp lúc Pháp tấn công, ông đứng ra lãnh đạo quan quân chống trả) đã tuẫn tiết, một ông treo cổ tự vẫn, ông kia tuyệt thực mà chết, vì không giữ được thành Hà Nội.

Trách nhiệm cá nhân cao đến như vậy. Họ làm quan to đến như vậy mà gia quyến của họ ở quê sống như những người bình dân. Chuyện kể rằng, mẹ Nguyễn Tri Phương ngày ngày vẫn tần tảo chạy chợ, có người hỏi: “Tại sao con làm quan to như vậy mà không lên sống với con để con hầu hạ, chạy chợ chi cho cực?”, bà bảo: “Tôi mà lên thì nó phải nuôi tôi. Mà nuôi tôi sung sướng thì nó phải bòn rút của công”.

"Đấy dạy sử là phải như vậy”. Ông quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi: “Dạy mà như thế có hay không nào? Trẻ con có thích học không nào? Có dễ nhớ không nào?”

Không để tôi trả lời, ông cười: “Hay quá đi chứ lỵ!”

“Các nhà làm sử thì cứ chê trách ông Bộ trưởng GD&ĐT, chứ tôi thấy trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà sử học. Tại sao viết sử chỉ một chiều? Tại sao lịch sử lại chỉ có chiến tranh? Rất nhiều vấn đề cần phải viết lại. Dạy sử cũng vậy, phải dạy theo cách khác. Nội dung phải tôn trọng sự thật".

Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn, còn có bút danh khác: Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949, tác giả cuốn sách “Sống như Anh”.

Ông được kết nạp Đảng năm 1950 tại chi bộ Báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) ở chiến khu Việt Bắc, ngay trước khi tham gia Chiến dịch Biên giới. Đầu năm 1964, ông đi B vào Nam, cùng Tổng biên tập Trần Phong và nhà báo Tâm Trí thành lập Báo Giải Phóng.

Ngày 4/2/1977, 3 tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết. Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến khi nghỉ hưu (1995).

Ngày 14/4/2024 (tức ngày 6/3 âm lịch), nhà báo Thái Duy từ trần, hưởng thọ 98 tuổi.

Lê Thọ Bình