Thơ là tiếng lòng!

Dòng sông chảy quanh đồng lúa

Ngày mẹ sinh con trên ổ rơm trải đất
Tuổi thiếu niên ngủ đất cả đêm hè
Sáng đi học, chiều về bừa đất
Tối kéo gầu sòng, đổ nước ải phồng tay

Đời sinh viên gian khó bao ngày
Trang sách phả thơm nồng hơi đất
Tri thức đầy thêm mái đầu xanh
Rồi đất quê theo con ra trận
Thành sức mạnh tinh thần vượt mọi gian nan

Những vườn hoa thắm rực nhà giàn
Từ tải đất quê nhà ra đảo
Đất và cát từng trộn bao xương máu
Tiếp sức chúng con nối chí tiền nhân…

Ngày Cha về nằm cõi đất âm
Con vắng mặt vì ở nơi xa hút
Nhưng hình Cha bao tháng năm lam lũ
Nuôi lớn đời con, vẫn canh cánh bên lòng…

Sắp tới Rằm tháng Giêng thiêng liêng
Gần 40 xuân, Cha xanh cùng đất
Cây vườn Cha ươm ngời ngời bóng mát
Đã thành cột, thành kèo, chắc bền mái nóc
Cháu chắt chật nhà - quả ngọt dâng CHA!...

Tưởng nhớ 38 năm Cha đi xa

(Hồng Quang, 1983-2021)

Nguyễn Hồng Vinh

Bài thơ có tên “Đất quê hương” nên hình tượng “đất” đi suốt bài thơ, làm cái trục nâng đỡ kết cấu tâm trạng trữ tình suy tư về đất đai quê hương, Tổ quốc. Bố cục thi phẩm theo trật tự tuyến tính giản dị, bắt đầu là thời tác giả sinh ra đã gắn liền với “đất”: Ngày mẹ sinh con trên ổ rơm trải đất/ Tuổi thiếu niên ngủ đất cả đêm hè/ Sáng đi học, chiều về bừa đất/ Tối kéo gầu sòng, đổ nước ải phồng tay.

Thuyền bè tấp nập trên sông

Hầu như đây là tuổi thơ của tất cả những ai ở nông thôn đã ở ngưỡng tuổi “lục thập” trở lên. Các hình tượng chọn lọc tái hiện thời điểm thiêng liêng nhất (sinh con) nhưng trong hoàn cảnh đơn sơ, thiếu thốn nhất (ổ rơm trải đất) tạo nên một hiệu ứng đồng cảm. Những chi tiết lam lũ như một nông dân chính cống của “cậu” “thiếu niên” này trở thành ấn tượng chung, kỷ niệm chung của nhiều người.

Bộ đội Trường Sơn hành quân

Khổ 2 nói về đời sinh viên đã đau đáu “nồng thơm hơi đất” trong trang sách giảng đường, và nhất là khi tác giả nhập đoàn quân vào Trường Sơn trong những tháng năm chống Mỹ cứu nước. Đến khổ 3 thì ý thơ mở ra, hình tượng mang tính lan tỏa nhờ sự quan sát và suy ngẫm: Những vườn hoa thắm rực nhà giàn/ Từ tải đất quê nhà ra đảo/ Đất và cát từng trộn bao xương máu/ Tiếp sức chúng con nối chí tiền nhân…

Hoa mai trên nhà giàn DK1

Những ai ra thăm Trường Sa sẽ thấy ở đó là đất nước mình, có nhà, có chùa, có bà con và tiếng trẻ thơ, có rau và có cả hoa nhiều loại... Nhìn kỹ vào đất, đúng như bài thơ miêu tả: “Từ tải đất quê nhà ra đảo”. Đó là hiện thực. Nhưng bài thơ đã nâng cao hơn cái tầm hiện thực, khái quát và kết tinh tư tưởng vào hình tượng: “Đất và cát từng trộn bao xương máu”. Đây không chỉ là câu chữ, đây là lịch sử, đây là hy sinh, đây là niềm tự hào, là đau thương... mà tất cả chúng ta phải nhớ! Quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra, mà còn là Tổ quốc, là đất nước, là biển đảo, là xương máu cha anh!!!

Đến khổ 4 thì bài thơ rõ hơn xu hướng “định nghĩa” khái niệm “đất quê hương” là nơi sinh ra, là những kỷ niệm không quên thời thơ ấu, là mọi miền đất nước, mà nhiều người đang chung tay xây dựng cơ đồ. “Đất quê hương” còn là hình hài cụ thể của người Cha thân thương: Ngày Cha về nằm cõi đất âm/ Con vắng mặt vì ở nơi xa hút/ Nhưng hình Cha bao tháng năm lam lũ/ Nuôi lớn đời con, vẫn canh cánh bên lòng…

Đó là nỗi “canh cánh” day dứt thiêng liêng: cha mất, con không thể về vì đang ở nơi xa hút. Ý thơ trăn trở về chữ Hiếu của một người con chưa tròn vẹn với Cha – người sinh ra, nuôi mình lớn lên, cho mình hướng đi và thành quả của sự nghiệp. Thế mà...!!! Nỗi trăn trở, “canh cánh” ấy đã nâng cảm xúc, đưa tình thơ vượt khỏi cấu trúc hình tượng để nói với cuộc đời: Cha Mẹ mình là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất!

Bữa cơm tất niên trong gia đình

Khép lại là niềm vui: Cha mất, nhưng để lại đàn cháu con trưởng thành. Thế là dù Cha đã tan vào đất, hòa vào đất, nhưng chắc cũng vui lòng vì cháu con mình đã góp phần làm quê mình “thay da, đổi thịt”: Sắp tới Rằm tháng Giêng thiêng liêng/ Gần 40 xuân, Cha xanh cùng đất/ Cây vườn Cha ươm ngời ngời bóng mát/ Đã thành cột, thành kèo, chắc bền mái nóc/ Cháu chắt chật nhà - quả ngọt dâng Cha!...

Bài thơ cảm động, chân thành, rất riêng tư, nhưng lại nói được nhiều điều về cái chung nhân văn, thấm thía đối với mỗi chúng ta đang trải nghiệm cuộc đời!

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Xem thêm:

>>> Đất quê hương

>>> Thắm sắc hoa ban

>>> Lời mẹ

>>> Từ tấm danh thiếp của xuân

>>> Niềm vui Ngày Tình yêu

>>> Chùm thơ đầu năm của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

>>> Chuyện thời đáng nhớ

>>> Thư gửi người lính biên cương

>>> Lời rừng và biển

>>> Chỉ tình người còn đọng

>>> Thao thức dòng thơ bật mầm!

>>> Những cảm nhận từ “Thơ Nguyễn Hồng Vinh – Tuyển chọn”

>>> Một giọng thơ thấm đẫm nhân văn

>>> Hiệu ứng từ những bài viết

>>> Thêm những cảm nhận về con người và tác phẩm

>>> Thắm tình người Việt Nam

>>> Như những ngọn lửa

>>> Hiệu ứng từ bài thơ chống dịch

>>> Hoa hạnh phúc

>>> Các nhà báo, nhà thơ và độc giả với nhiệm vụ chống dịch

>>> Mỗi người dân là một chiến sĩ!

>>> “Âm hưởng từ một bút ký chống dịch”

>>> Lặng lẽ để hồi sinh

>>> Sức lan tỏa qua bài thơ chống dịch

>>> Nghe bài hát "Hoa hạnh phúc" - nhớ về các "chiến sĩ áo trắng"

>>> Âm hưởng bài hát dành tặng các “chiến sĩ áo trắng”

>>> Sức mạnh của âm nhạc

>>> Sức lan tỏa một tác phẩm âm nhạc

>>> Hồi sinh đang tới!

>>> Sang mùa