Người nâng tầm cho nghệ thuật nặn tò he

Nghệ nhân Lê Xuân Tùng nặn chân dung khách trực tiếp tại Festival Tết Việt 2024 Thành phố Hồ Chí Minh

Vào năm 2020, nghệ nhân tò he Lê Xuân Tùng đã đạt kỷ lục Việt Nam và được xác định là người Việt Nam đầu tiên sử dụng ốc vít, mắt xích kết hợp bột tò he biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu. Ông là nghệ nhân đã góp phần quảng bá, nâng tầm giá trị nghề tò he truyền thống của Việt Nam.

Bức tranh độc đáo đã giúp nghệ nhân Tùng đưa bộ môn nghệ thuật nặn tò he vươn tầm quốc tế có chiều dài 4,88m, ngang 1,2m với chủ đề Quê hương 3 miền đã khắc họa biểu tượng 3 miền Bắc - Trung - Nam qua các hình tượng như: chùa Một Cột và Hồ Gươm (miền Bắc); nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành (miền Nam); tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ (miền Trung).

Đam mê nặn tò he từ nhỏ

* Từ đâu anh có ý tưởng kết hợp chất liệu làm tranh độc lạ như thế?

- Tôi bắt đầu học nặn tò he từ nhỏ. Những sắc màu và sự kỳ diệu trong quá trình tạo ra những sản phẩm từ bột đã lôi cuốn tôi học hỏi. Niềm đam mê lớn dần qua từng ngày cho đến khi tôi trở thành nghệ nhân nặn tò he nổi tiếng trên thế giới.

Từ sự thích thú ban đầu, sau 21 năm sống với niềm đam mê này, những hình ảnh về con gà, con trâu hay bông hoa… đã khiến tôi cảm nhận và trân trọng những giá trị về văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của môn nặn tò he Việt Nam.

Môn nghệ thuật này là cả một sự sáng tạo vô biên. Tôi kết hợp hai thể loại ốc vít, mắt xích khô cứng và bột tò he mềm mại tạo thành một sự kết hợp thú vị, lạ mắt để biểu diễn vẽ tranh và được kỷ lục Việt Nam xác lập. Những năm qua, tôi đã đi biểu diễn ở 11 nước trên thế giới như: Pháp, Đức, Anh… để giới thiệu về văn hóa truyền thống nghệ thuật tò he của Việt Nam. Tôi mong muốn được đi thêm nhiều nước khác để tiếp tục giới thiệu về những nét đẹp, sự độc đáo trong văn hóa truyền thống của nghề này.

Nghệ nhân LÊ XUÂN TÙNG sinh ra và lớn lên tại làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Đây là cái nôi của nghề nặn tò he, đồng thời là làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam.

* Nghề tò he ngoài sự sáng tạo còn điều gì khiến anh đam mê?

- Trước đây tôi thường chỉ nặn hình con vật, hình về nhân vật trên phim thiếu nhi… nhưng nay tôi có thể nặn theo hình chân dung người thật với thời gian từ 3-5 phút. Nhiều khách hàng đã rất thích thú với sản phẩm này, đặc biệt là tại các sự kiện liên hoan văn hóa, ẩm thực trong và ngoài nước. Nhiều công ty mới tôi đến để nặn chân dung nhân vật được vinh danh tại sự kiện liên hoan của họ.

Trong quá trình trình diễn, tôi luôn muốn sáng tạo những điều mới mẻ nên mới nghĩ ra vẽ tranh bằng những chất liệu trên. Nó không chỉ gây ấn tượng với khán giả mà còn tạo nên thương hiệu của chính tôi.

Khi đã hiểu được những giá trị truyền thống văn hóa, nghề truyền thống cần được gìn giữ và bảo tồn, tôi đã xác định không thể bỏ nghề truyền thống này mà sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và phát huy những giá trị truyền thống của Việt Nam. Hiện nay tất cả thành viên trong gia đình tôi đều có thể làm tò he và sẽ gìn giữ đến các thế hệ mai sau. Do đó, khi có những đơn hàng lớn, mọi thành viên trong gia đình đều có thể phụ làm tò he.

Giữ nghề truyền thống đặc sắc

* Đây có phải là nghề nuôi sống được bản thân?

- Khi lớn lên, tôi cùng gia đình vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp. Cuộc sống mới nơi đất khách quê người khá nhiều khó khăn. Lúc đó, nghề nặn tò he cho thu nhập thấp và không ổn định nên nếu cứ bám trụ một nghề sẽ rất khó khăn. Tạm gác lại niềm đam mê với tò he, tôi làm đủ mọi nghề để mưu sinh như biểu diễn xiếc, nặn bong bóng, viết thư pháp… Dù làm những công việc cũng có chút liên quan đến biểu diễn, sáng tạo nhưng nghề nặn tò he vẫn canh cánh trong lòng. Cuối cùng tôi quyết định trở lại với nghề và chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo để cho ra những hình nhân mang giá trị nghệ thuật cao, bắt mắt, được khách hàng hài lòng.

Nghề truyền thống tò he chỉ có thu nhập vào các mùa Tết Nguyên đán, Tết Trung thu khi bán sản phẩm tại các điểm vui chơi giải trí. Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống, nghệ nhân tò he cần có thêm công việc để kiếm tiền vào những mùa thấp điểm. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi gặp không ít khó khăn, vất vả. Thế nhưng mỗi khi tạo ra những sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, được nhìn thấy ánh mắt hài lòng, thích thú của khách; khi biểu diễn những nơi đông người, có đông khách đến xem, nghe những tiếng trầm trồ của khách khiến tôi rất xúc động và bồi đắp thêm cho tôi tình yêu, ý chí gắn bó với nghề. Sự đón nhận của khách hàng chính là động lực thúc đẩy tôi kiên trì, tiếp tục nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm độc đáo từ bột, ốc vít và dây xích…

Nghệ nhân Lê Xuân Tùng biểu diễn nặn tò he tại Anh. Ảnh: NVCC

* Anh nghĩ sao về sự lan tỏa, gìn giữ nghề truyền thống hiện nay?

- Ngày nay, khi công nghệ đang phát triển mạnh, phần lớn các em thiếu nhi và cả không ít người lớn đều thích công nghệ hơn mà ít quan tâm đến những giá trị văn hóa, nghề truyền thống. Ước muốn của tôi là được mang những giá trị truyền thống của nghề nặn tò he đến các em học sinh, thế hệ tương lại của đất nước. Hiện tôi có 2 địa điểm mở workshop nặn tò he ở Khu du lịch Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh). Tôi cũng từng biểu diễn nặn hò te và hướng dẫn các em học sinh sáng tạo nên sản phẩm của mình.

Ngoài là một nghề mưu sinh, nặn tò he đã trở thành bộ môn nghệ thuật mang nét đẹp văn hóa dân gian qua những hình tượng về con trâu, cây lúa, bông hoa…

Trong tương lai, tôi muốn mở nhiều điểm dạy nghề truyền thống, không gian làm workshop ở các tỉnh thành để khơi dậy sự thích thú cho các em học sinh. Nghề tò he cần có sự yêu thích và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, lâu nay nghề này chưa thật sự nổi bật do còn rất ít các nghệ nhân nên muốn bồi đắp thêm niềm yêu thích thì cần có thời gian.

Năm 2020, khi được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên dùng bột tò he kết hợp với mắt xích và ốc vít để biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu, tôi rất vui vì bản thân đã đưa nghề truyền thống của làng quê mình lên một tầm cao mới. Kết quả trên là cột mốc ý nghĩa với tôi sau gần 20 năm theo đuổi nghề, cho tôi động lực để tiếp tục nỗ lực quảng bá những giá trị văn hóa, nghệ thuật của nghề nặn tò he đi khắp thế giới. Tôi luôn mong ước bộ môn tò he sẽ được giữ gìn và được nhiều khán giả yêu mến.

* Xin cảm ơn anh!

Ngọc Liên (thực hiện)