Người mẫu ảo sẽ thay thế và nổi tiếng hơn người thật?

Rae (Singapore) gây chú ý khi xuất hiện trên bìa tạp chí Jstyle cùng nữ rapper hàng đầu Trung Quốc - Vava.

Cô là người mẫu ảo, tác phẩm của CGI được cung cấp bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Rae có vóc dáng mảnh mai cùng mái tóc nhuộm ombre xanh thời thượng.

Nàng mẫu ra mắt vào tháng 10/2020. Đến nay, Rae có hơn 150.000 lượt theo dõi trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, cô còn trở thành một trong những người mẫu ảo phát triển nhanh nhất.

Sự phát triển của người mẫu ảo tại châu Á

Rae không phải người mẫu ảo duy nhất nổi tiếng. Trước đó, Lil miquela, Shudu Gram và Noonoouri đã có thành công nhất định ở phương Tây. Họ thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện thời trang nổi tiếng.

Trong chiến dịch truyền thông mới nhất, nhãn hiệu đến từ Italy - Ermenegildo Zegna - tung ra những bức hình ghép Noonoouri cùng nam diễn viên Lý Hiện.

Sự hiện diện của người mẫu ảo trong làng thời trang châu Á đang ngày càng rõ rệt hơn. Để ra mắt bộ sưu tập mới, Irene Kim hợp tác với Rozy (người mẫu ảo đầu tiên của Hàn Quốc). Trong khi đó, tập đoàn L'Oreal ra mắt người mẫu ảo đầu tiên.

Người mẫu ảo Rae chụp hình cùng rapper Vava trên tạp chí Jstyle. Ảnh: SCMP.

Kim Leitzes - giám đốc điều hành nền tảng phân tích và quản lý mối quan hệ KOL hàng đầu Trung Quốc Parklu - cho biết: "So với phương Tây, người mẫu ảo tại Trung Quốc đang có những bước sơ khai trong việc xây dựng thương hiệu".

Bên cạnh đó, cô tin rằng người mẫu ảo sẽ được ưa chuộng trong tương lai. Kim Leitzes lấy ví dụ Ling (người mẫu ảo) đã hợp tác với công ty sản xuất ôtô điện của Mỹ Tesla và đem lại kết quả lạc quan. Hiệu quả hơn 30% về giá trị tác động truyền thông so với KOLs là người thật.

Mất nhiều thời gian, chi phí để tạo nên người mẫu ảo

Theo báo cáo năm 2019 về thần tượng ảo của iQiyi, 64% những người ở độ tuổi 14-24 đặc biệt yêu thích thần tượng ảo. Năm 2020, thời gian xem trung bình hàng tháng của thần tượng ảo khi phát trực tiếp trên nền tảng video Bilibili tăng 225% so với năm 2019.

So với người nổi tiếng là con người, thần tượng ảo có nhiều lợi thế. Họ không bị ràng buộc bởi ranh giới địa lý, không lo lắng về tai tiếng. Thậm chí, họ không cần ăn và ngủ, có thể hoạt động năng suất.

Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiếp ảnh gia thời trang Shavonne Wong ra mắt Gen V (công ty quản lý người mẫu ảo) vào năm 2020.

Nữ nhiếp ảnh gia nhận định: "Tôi nghĩ rằng với tình hình phức tạp của dịch bệnh, những người mẫu ảo sẽ được ưa chuộng vì họ có thể làm việc 24/7 trên khắp thế giới, không phải lo lắng việc đi lại hoặc vấn đề hậu cần.

Người mẫu ảo có thể sử dụng để quảng bá trang phục, trình diễn trên sàn runway hoặc quảng cáo hàng hóa mà không cần rời khỏi nhà".

Các công ty cần đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc để tạo nên người mẫu ảo. Ảnh: @imma.gram, @rozy.gram.

Tuy nhiên, sự nghiệp của những người mẫu ảo vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Một trong số đó là đáp ứng tiêu chuẩn về cái đẹp của các quốc gia. Trong khi đó, hình ảnh cho người mẫu ảo nam còn hạn chế. Các công ty mất nhiều thời gian để xây dựng một thần tượng ảo.

Việc duy trì người mẫu ảo rất tốn kém và mất thời gian. Bên cạnh đó, mọi dự án phải được thiết kế, hoàn thiện từ đầu.

Nghiên cứu của Nielsen cho thấy 83% người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng các đề xuất từ gia đình và bạn bè hơn là quảng cáo. Bởi vậy, những chiến dịch hợp tác với người mẫu ảo vẫn tồn tại nhiều rủi ro.

Kim Leitzes nhận định: "Mục đích của việc truyền thông qua KOLs là tác động đến khán giả của họ. Điều quan trọng đối với thương hiệu khi chọn người đại diện hoặc người mẫu là mang lại tính xác thực cao, uy tín cho công ty từ đó sẽ tạo ra doanh thu. Tiếng vang chỉ là một yếu tố".

Giai Kỳ