Nghệ sĩ Hoài Linh giữ hơn 14 tỷ đồng chưa làm từ thiện: Luật sư nói gì?

6 tháng sau khi nhận hơn 14 tỷ đồng tiền ủng hộ, nghệ sĩ Hoài Linh chưa tiến hành giải ngân.

Nghệ sĩ Hoài Linh và lùm xùm chưa chuyển hơn 14 tỷ đồng tiền từ thiện

Mới đây, thông tin về vụ số tiền từ thiện mà nghệ sĩ Hoài Linh vận động ủng hộ người dân miền Trung nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cụ thể, nhiều người bày tỏ thái độ hoài nghi liên quan đến vụ việc Hoài Linh nhận được hơn 14 tỷ đồng tiền kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt nhưng suốt 6 tháng ròng, nghệ sĩ gần như không có bất cứ công bố nào liên quan đến số tiền trên.

Chỉ khi sự việc được cộng đồng mạng “đào lên”, nam nghệ sĩ mới lên tiếng trần tình về số tiền và sự chậm trễ trong quá trình đưa số tiền từ thiện trên tới đồng bào miền Trung gặp khó khăn.

Theo chia sẻ mới nhất trên báo chí, nghệ sĩ Hoài Linh khẳng định số tiền này vẫn còn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích thiện nguyện mà anh đã thiết lập.

Nghệ sĩ Hoài Linh giải thích, anh đã chuẩn bị chuyến đi trao số tiền cho đồng bào miền Trung, sau chuyến lưu diễn tại Điện Biên, Lai Châu. Song, vì tình hình dịch bệnh bùng phát nên anh phải dời lại. Anh dự kiến từ ngày 10 đến 17/5 tiến hành chuyến đi nhưng rồi dịch bệnh lại bùng phát nên đành phải dời.

Đồng thời, nghệ sĩ Hoài Linh cam kết sẽ gửi đến người dân miền Trung đầy đủ số tiền mà các nhà hảo tâm đã ủng hộ, có chứng từ rõ ràng cùng lời khẳng định không đánh đổi 30 năm sự nghiệp lấy 13 tỷ đồng.

Chia sẻ của nam nghệ sĩ nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng với những ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ sự cảm thông trước những chia sẻ của nghệ sĩ Hoài Linh. Bên cạnh đó cũng có không ít những trường hợp bày tỏ thất vọng về việc chậm trễ của nghệ sĩ này trong công tác “giải ngân” số tiền từ thiện tới đồng bào vùng lũ.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội.

Luật gia nói gì?

Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Theo điều 5 của Nghị định này thì chỉ có các tổ chức, cơ quan nhà nước được liệt kê ở điều này mới có quyền thực hiện các hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, thực hiện các hoạt động từ thiện. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động này.

Tuy nhiên ngoài Nghị định này quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc kêu gọi, huy động, tiếp nhận hàng, quà cứu trợ thì các tổ chức, cá nhân khác cũng có thể căn cứ vào quy định của bộ luật dân sự để thực hiện quyền tặng cho tài sản, ủy quyền tặng cho tài sản theo quy định của bộ luật dân sự.

Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu tài sản có quyền tặng cho tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bất kỳ ai. Chủ sở hữu tài sản có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc tặng cho. Việc các tổ chức cá nhân giao tiền, hàng, tài sản cho nghệ sĩ hoặc người khác để họ đứng ra thực hiện hoạt động từ thiện thay mình đó là quan hệ dân sự tặng cho tài sản có ủy quyền theo quy định của bộ luật dân sự.

Theo quy định của pháp luật thì đây là quan hệ dân sự về việc thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền tặng cho tài sản. Người tặng cho là người có tiền, tài sản. Người được tặng cho là đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn vì thiên tai. Nghệ sĩ Hoài Linh trong trường hợp này chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước nó.

Việc ủy quyền tặng cho tài sản này được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Như vậy, nghệ sĩ Hoài Linh đã đồng ý nhận ủy quyền của những người khác để nhận tiền, chuyển giao số tiền đó cho đồng bào lũ lụt miền Trung là nhận thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Nghĩa vụ của nghệ sĩ Hoài Linh xuất phát từ thời điểm nhận tiền của những người hâm mộ. Nghệ sĩ Hoài Linh cũng có trách nhiệm phải thông báo cho đồng bào lũ lụt miền Trung, người được tặng cho số tiền đó về số tiền tặng cho, thời gian, phương thức tặng cho (từ thiện)...

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản nào thì thuộc về chủ sở hữu tài sản đó. Khi chủ sở hữu đồng ý chuyển tài sản đó cho người khác hưởng thụ thì người hưởng thụ sẽ được sở hữu hoa lợi, lợi tức đó.

Bởi vậy, việc thực hiện hoạt động từ thiện kéo dài khiến phát sinh các khoản lãi suất từ khoản tiền đó thì lãi suất cũng thuộc về người được hưởng số tiền đó là đồng bào miền Trung. Nghệ sĩ Hoài Linh có trách nhiệm phải chuyển giao toàn bộ số tiền gốc và lại cho đồng bào miền Trung trong thời hạn sớm nhất có thể. Ngoài ra nếu việc thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung thì nghệ sĩ Hoài Linh còn phải chịu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Với tư cách là người nhận ủy quyền thể nghệ sĩ Hoài Linh phải thực hiện đúng thỏa thuận, cam kết với người có tài sản, người đã chuyển tiền cho nghệ sĩ Hoài Linh. Đây là nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng là vấn đề đạo đức xã hội.

Số tiền này không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã gửi vào tài khoản của Hoài Linh để nhờ Hoài Linh chuyển tiền cho đồng bào miền Trung đang gặp thiên tai. Việc chuyển tiền từ thiện xuất phát từ thông tin, thông báo của Hoài Linh về việc tiếp nhận từ thiện, từ sự tin tưởng, mến mộ vệ sĩ này.

“Đây là uy tín, là “tín nhiệm” là danh dự của nghệ sĩ chứ không đơn giản chỉ là chuyện tiền bạc. Khi người hâm mộ, những nhà hảo tâm đã tin tưởng chuyển tiền thì họ luôn hy vọng số tiền đó sẽ sử dụng kịp thời, đúng mục đích, khắc phục phần nào khó khăn cho đồng bào miền Trung Việt Nam. Vậy mà thông tin đến bây giờ hỏi nghệ sĩ Hoài Linh vẫn giữ số tiền đó, chưa chuyển cho đồng bào miền Trung sau một thời gian rất dài như vậy khiến nhiều người khá bất ngờ, bức xúc, thậm chí sốc, không tin nổi chuyện đó lại có thể xảy ra”, ông Cường chia sẻ.

Đến nay nghệ sĩ Hoài Linh đã xác nhận sự việc trong tài khoản của nghệ sĩ có hơn 14.000.000.000 đồng là tiền của các nhà hảo tâm gửi Hoài Linh để mang từ thiện cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Với thông tin tài khoản, giao dịch tại ngân hàng qua sao kê tài khoản có lẽ cũng sẽ thể hiện rất rõ số tiền chuyển đến và tiền có trong tài khoản của nghệ sĩ này.

Nghệ sĩ giải thích sự chậm trễ trong việc chuyển tiền từ thiện này là do nghệ sĩ bận và do dịch bệnh. Tuy nhiên giải thích như vậy là không thuyết phục. Công việc của nghệ sĩ đúng là rất bận, nhưng nhiều nghệ sĩ đứng ra quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung thời điểm đó đều đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình. Dịch bệnh diễn ra nhưng không phức tạp đến mức không thể chuyển số tiền cho đồng bào đang gặp khó khăn một thời gian dài như vậy.

Việc chậm trễ rõ ràng là gây thiệt hại nghiêm trọng đến đồng bào miền Trung. Nếu số tiền đó được chuyển đến đúng địa chỉ phải đúng thời điểm thì đã khắc phục được rất nhiều khó khăn đối với đồng bào. Nghệ sĩ Hoài Linh đang nợ đồng bào miền Trung một lời xin lỗi chân thành. Nếu dư luận không phát hiện ra sự việc này, không lên tiếng thì số tiền này sẽ được giải quyết như thế nào?

“Bây giờ đã là năm 2021 sắp đến mùa mưa bão. Năm nào mùa mưa bão cũng gây những thiệt hại đáng kể đối với đồng bào miền Trung. Đồng bào miền Trung có lẽ lại sắp phải đối mặt với những khó khăn về thời tiết, chẳng lẽ đến đợt mưa lũ lần sau thì đồng bào mới nhận được tiền hỗ trợ của lần trước hay sao?”, ông Cường phân tích và đặt câu hỏi.

Trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện như thế này nếu như phát hiện có việc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền như nghệ sĩ Hoài Linh trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự năm 2015.

"Nghệ sĩ Hoài Linh nợ đồng bào miền Trung một lời xin lỗi"

Theo ông Cường, giải pháp tích cực nhất của Hoài Linh trong tình huống này là phải xin lỗi đồng bào miền Trung, xin lỗi người hâm mộ, những người đã chuyển tiền cho nghệ sĩ này để thực hiện từ thiện. Đồng thời, phải công khai minh bạch về việc nhận tiền và thực hiện ngay nghĩa vụ của mình là chuyển tiền cho đồng bào miền Trung theo đúng cam kết trước đó.

Việc chuyển tiền vào thời điểm này khi khó khăn của đồng bào đã qua rồi là có vẻ hơi “vô duyên”, khó có lời giải thích nào thuyết phục. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm pháp lý, là đạo đức của con người. Trường hợp nghệ sĩ không chuyển tiền theo cam kết hoặc có sự gian dối trong việc chi tiêu sử dụng số tiền này mà có đơn thư tố cáo thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

“Dù vụ việc có diễn ra theo hướng nào chăng nữa thì việc chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự từ thiện khi đồng bào đang gặp khó khăn hoạn nạn trong tình huống này cũng là chuyện rất đáng tiếc. Chắc chắn là uy tín và các fan hâm mộ của nghệ sĩ này sẽ giảm đi rất nhiều.

Người xưa thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi đồng bào đang gặp khó khăn, hoạn nạn mới cần có sự giúp đỡ kịp thời của nhân dân trong và ngoài nước theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Những nghệ sĩ có tên tuổi, có uy tín như nghệ sĩ Hoài Linh đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ thì sẽ được rất nhiều người hưởng ứng, tin tưởng chuyển tiền.

Tuy nhiên, nghệ sĩ đã không chuyển tiền từ thiện cho đồng bào theo đúng cam kết, lại không công khai thông tin, không có lời xin lỗi, chậm trễ một thời gian quá dài như vậy thì rõ ràng là chuyện chưa từng xảy ra trên thực tế. Chuyện này sẽ tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của con người đối với lòng tốt, cái thiện và sẽ là bài học sâu sắc đối với những nghệ sĩ, những người nổi tiếng trong việc thực hiện quyền góp từ thiện”, ông Cường chia sẻ thêm.