Mùa giải thăng trầm của Son Heung-min

Giữa tháng 9/2011, chúng tôi có trận đấu với Borussia Monchengladbach, tôi được vào sân thay người sau khi chấn thương khỏi hoàn toàn. Đến tận lúc ấy, tôi vẫn không biết rằng, một mùa giải thăng trầm như tàu lượn siêu tốc mới chỉ bắt đầu.

Hôm đó, trận đấu kết thúc và chúng tôi để thua 0-1 trước đối thủ. Hamburg đã thi đấu 6 trận, trong đó thua 5, hòa 1. Chúng tôi bét bảng với điểm số không thể tệ hơn. Tôi còn chưa kịp tận hưởng cảm giác sung sướng khi khỏi chấn thương thì đã phải hứng nỗi buồn của đội đứng cuối bảng.

Câu lạc bộ đã thông báo về việc thay đổi nhân sự với huấn luyện viên Oenning. Mọi việc diễn ra dồn dập, làm tôi khá bối rối. Tôi vừa mới lấy lại sự cân bằng thể trạng của cơ thể thì lại gặp chấn thương cổ chân. Giữa lúc đó, ân nhân của tôi, huấn luyện viên Oenning lại ra đi. Thay vào đó là huấn luyện viên mới, một người không hề biết gì về những nỗ lực của tôi trong quá khứ.

Son Heung-min tới châu Âu từ khi còn trẻ để gây dựng sự nghiệp. Ảnh: Hamburg FC.

Tôi tiếp tục trải qua mùa giải thứ hai cùng Hamburg trong tâm trạng thấp thỏm với tình hình đầy xáo trộn của câu lạc bộ. Sự cạnh tranh suất đá chính ở mỗi vị trí cũng trở nên hết sức quyết liệt. Chỉ có một từ để diễn tả không khí ở câu lạc bộ lúc này: Ngột ngạt!

Vì tâm trạng buồn vui lẫn lộn suốt từ đầu mùa nên trong đầu tôi tràn ngập những suy nghĩ phức tạp. Giữa lúc ấy, đội tuyển quốc gia triệu tập tôi về nước vào tháng 10/2011. Đây là một tin tốt đối với tôi lúc này, vì nó giống như một sự đổi gió cần thiết cho bản thân.

Trong trận giao hữu với Ba Lan, tôi đã được chơi 45 phút ở hiệp 2. Để xoa dịu sự tiếc nuối sau trận bất phân thắng bại với Ba Lan (hòa 2 đều), chúng tôi đã tập trung chuẩn bị cho trận tiếp đón Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sau đó 4 ngày. Đây là trận đánh dấu lần đầu tiên tôi được dự Vòng loại World Cup, tôi rất háo hức và kì vọng. Ở trận này, tôi đã vào sân thay người ở phút 72 và chỉ được đá có 18 phút. Kết quả thắng 2-1 nên tâm trạng tôi cũng vui. Dù vậy, tôi vẫn muốn được thi đấu trên sân lâu hơn.

Ngày hôm sau, trên đường ra sân bay Incheon, bố tôi ngồi trong xe với tâm trạng không vui. Một phần ông lo lắng vì tình hình cạnh tranh ở câu lạc bộ, cộng thêm thất vọng khi tôi chỉ được ra sân chút ít ở đội tuyển quốc gia. Tại sảnh xuất cảnh của sân bay, bố tôi đã bày tỏ tâm trạng bức bối trước toàn thể đội ngũ phóng viên trong nước. Tôi rất ngạc nhiên! Khi nghe những lời chia sẻ của bố, tôi cảm thấy đau lòng và bối rối.

Một “cơn bão” cường độ mạnh ập đến ngay sau cánh cửa sân bay. Hàng chục bài báo có nội dung tiêu cực, chỉ trích tôi đã được nhanh chóng sản xuất. Huấn luyện viên Cho Kwang-rae đã trực tiếp gọi điện cho tôi và an ủi: “Trên thế gian này, tấm lòng của bố mẹ nào cũng thế đấy".

Tôi đã quyết định sẽ tạm thời ngưng sử dụng Internet và giữ im lặng. Đến khi đọc được những bình luận ác ý của cộng đồng mạng, tôi lại tiếp tục chìm vào nỗi buồn. Vốn dĩ bản chất của con người là có thể chịu đựng được mọi việc của bản thân nhưng những việc liên quan đến người thân của mình thì lại không ngừng lo lắng.

Khi thấy người thân phải hứng chịu “búa rìu dư luận” vì mình, tôi thật sự đã rất buồn. Khi tôi đọc được lời bình luận yêu cầu tôi thay đổi quốc tịch, nước mắt tôi đã trực trào ra. Có ai hiểu được tấm lòng của tôi không? Tấm lòng của một cầu thủ dù thi đấu ở nước ngoài nhưng đã khắc lên đôi giày đá bóng của mình hình lá cờ tổ quốc.

Son Heung-min / NXB Trẻ