Mạnh tay loại bỏ trào lưu độc hại

Mạng xã hội mỗi ngày xuất hiện những trào lưu mới, khơi gợi sự hiếu kỳ và thích thú với giới trẻ, nhưng không phải "trend" nào cũng xứng đáng để tiếp nhận. Thời gian này, chỉ cần lướt mạng vài giây sẽ thấy vô số tranh chế với nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Nội dung của những tranh tự chế thường lấy mối quan hệ cha mẹ - con cái, học sinh - giáo viên, những câu chuyện bên lề cuộc sống hay những sự kiện gây sốt trong xã hội... để mang ra đùa cợt, khiếm nhã từ phần nhìn đến phần đọc. Các tranh này có nội dung về nhân vật hư cấu với cách vẽ bắt mắt, câu chuyện hài hước nên mang tính giải trí cao, chạm đến số đông người trẻ.

Nguy hiểm hơn là, những bức tranh tự chế này có sức hút khá mạnh với lượt like lên đến hàng trăm ngàn. Thậm chí nó còn tạo nên diễn đàn sôi nổi với hàng trăm bình luận, chia sẻ từ chính người dùng và các trang khác. Ðiều này vô tình tiếp tay cho những sản phẩm "rác" này càng lan truyền rộng rãi.

Không chỉ góp sức lan tỏa tranh chế có nội dung thiếu văn hóa, chính giới trẻ là những người mở rộng sự dung tục bằng những từ ngữ khó chấp nhận nổi. Không khó để bắt gặp những từ chửi tục, được viết tắt nhưng người đọc cũng tự hiểu. Họ còn chế ra cách biến thể của từ tiếng Anh, như "very kool" thay vì ghi "vkl" - một từ chửi bậy; "vice-car-loan" cũng có ý nghĩa giống "very kool"...

Nhiều hội nhóm chửi thề được lập ra để ăn theo trào lưu chế tranh. (Ảnh chụp từ mạng xã hội).

Bạn Trương Thảo Nghi, 18 tuổi, Khóm 4, Phường 6, TP Cà Mau, cho biết: "Nhiều bạn thích chế những ảnh hay tranh có nội dung rất kỳ và phản cảm. Ở phần bình luận, để tỏ ra ngầu hơn, các bạn còn để lại nhiều từ ngữ không hay, như "bm", "đệt", “"dcm", "vcl"... vì muốn thể hiện mình sành điệu, là dân chơi theo kịp trào lưu. Nhưng, người có học không ai viết bậy và cũng không thể dung nạp nỗi những bức tranh đồi trụy với những thứ văn hóa "đen" đó".

Bạn Trương Thanh Tuấn, 16 tuổi, Khóm 2, Phường 8, TP Cà Mau, chia sẻ: "Mình thấy có nhiều bạn ban đầu cũng khó chịu về mấy từ ngữ và tranh vẽ kém văn hóa, nhưng sau đó các bạn lại chấp nhận, thậm chí hào hứng tham gia. Nội dung những tranh vẽ và bình luận này phải nói là gợi mở và đa dạng nội dung, nên có nhiều bạn trẻ từ chỗ đọc cho vui rồi bị cuốn vào lúc nào không hay. Sau đó, các bạn sử dụng những ngôn ngữ và đưa cả những nội dung này vào cách trò chuyện thông thường, khiến người đối diện thấy rất khó chịu".

Sự lơ là và hời hợt trong cách tiếp nhận văn hóa, trào lưu của một số bạn trẻ đã tạo nên những hệ quả khó lường. Chưa kể, thói quen có thể tạo nên tính cách. Bởi họ không ngờ những con chữ đằng sau màn hình sẽ dần thâm nhập vào cuộc sống, dẫn đến sự phản cảm với người giao tiếp hằng ngày với mình. Lúc này, mọi ấn tượng tốt đẹp về bạn gần như sụp đổ trong mắt mọi người.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, giới trẻ với sự hiếu kỳ, tò mò, đã chạy đua một cách vô thức mà không có sự kiểm soát của lý trí. Bên cạnh đó, sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội cũng bị buông lỏng và còn nhiều thiếu sót cũng là nguyên nhân khiến các trào lưu mạng thâm nhập giới trẻ "quá dễ và mượt". Có một thực tế, những thói quen ảo và tranh ảnh, ngôn từ phản cảm khi hấp thụ quá nhiều sẽ làm con người rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, tiêu cực, có thể có hành vi chống đối xã hội, hay dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm.

Mạng xã hội bao giờ cũng là con dao 2 lưỡi đối với người sử dụng, nhất là với các bạn trẻ. Nếu sử dụng đúng cách, mạng xã hội trở thành nơi cung cấp nguồn thông tin hữu ích, nơi thu thập kiến thức sống bao la rộng mở. Nhưng đối với những người sử dụng một cách không đúng đắn thì mạng xã hội sẽ kéo ta vào một cuộc sống ảo với những ham muốn tầm thường để đáp ứng nhu cầu tinh thần, đó cũng là nơi dễ lây nhiễm những thói hư tật xấu. Thế nên, khi đối mặt với những trang mạng, hội nhóm... lan truyền tranh ảnh dung tục và những bình luận phản cảm, thay vì thờ ơ lướt qua, bạn hãy mạnh tay nhấn "report" để góp phần loại bỏ những trào lưu độc hại./.

Lam Khánh