Mái rêu xanh tiếng vọng núi rừng

Nơi đây, những mái nhà sàn được phủ lớp rêu dày dễ đến nửa gang tay cứ thôi miên, hút hồn khách lạ, chim rừng hót vang từ sáng tới chiều. Dọc hai bên đường, những loài hoa lặng lẽ nở và tàn trong sương, mùi hương dìu dặt. Vừa gặp khách, bà con người Dao Áo Dài môi mắt đã hấp háy, long lanh nhưng vẫn buông lời tiếc nuối: “Vui thì vui đấy, lúc nào cũng vui, nhưng sao không lên vào mùa lúa chín?”. Bây giờ, rừng núi đầy sương, sương đong đầy, dâng ngập trong từng ánh mắt.

Minh họa: LÊ ANH.

Cung đường từ bản người Tày lên Khuổi My, bản của người Dao Áo Dài không xa lắm, cũng chẳng vướng đèo cao, dốc thẳm. Những khúc quanh duyên dáng thắt eo, chậm rãi buông chùng như vạt áo chàm. Có lúc, tai cũng ù đi, gáy lạnh, nhưng mây đã kịp vỗ về. Mây ở đây ấm như khói bếp trong nhà anh bạn, quấn lấy người, ôm lấy núi. Nhờ độ cao, độ ẩm khác biệt so với những địa phương trong vùng mà những mái nhà sàn ở Khuổi My hầu như đều xanh um rêu. Lớp rêu từ năm này qua năm nọ tốt bời bời, sục tay vào cũng lại thấy ấm như tấm chăn trời đất, núi rừng đã ủ sẵn, đắp cho những mái nhà bốn mùa ẩn mình trong sương khói, gió mây. Khuổi My nhỏ nhắn, mơ màng như chính cái tên, như hiện thân của nàng sơn nữ. Cả bản chừng dăm chục hộ gia đình, dạo bộ một vòng ngắn thôi là hết lượt, ai giọng khỏe, nói đầu bản thì cuối bản đã tỏ tường. Nhiều người vẫn bảo, màu xanh trên những mái nhà ở đây thường gợi cảm giác buồn bã và tiếc nuối. Ai đến, đi và quay lại nơi này, sẽ thấy mỗi mùa màu rêu một khác. Sắc rêu xanh thẫm hơn, sâu hơn, cảm giác tấm chăn trên những mái nhà nặng hơn bởi nỗi niềm day dứt, quyến luyến. Riêng tôi lại không hề có cảm giác ấy. Tôi thấy niềm thương mến, bao dung và che chở đang rất gần kề, ấm êm, thanh thản. Trong màu xanh nõn nà của rêu non, màu úa vàng của lớp rêu già đang héo dần và bong tróc, có hơi ấm của núi rừng, của trời mây và chính không khí tỏa ra từ mỗi mái nhà. Mái nhà mà cả bản làng đã chung tay đỡ đần nhau từ thuở nghèo nàn, khốn khó. Không ai thuê mướn, mua bán gì cả, hễ nhà nào dựng nhà, khắc cả bản kéo sang làm mái. Mái nhà càng chặt, tình nghĩa càng bền. Người đi cắt lá cọ về phơi, người chuốt cái nọ, người gõ cái kia, mấy chốc mà nên mái ấm.

Khách đến, người đàn ông dân tộc Dao Áo Dài vẫn đều tay sao chè trên chảo gang to. Ông ngoái lại hồ hởi chỉ chỗ ngồi cho khách, chào xởi lởi: “Cố chờ xong mẻ này mình mời trà đấy nhé!”. Nhà ông nhiều đời làm chè, thu hái từ cây chè Shan Tuyết cổ thụ, thân to bằng hai vòng tay ôm của người lớn. Dân muốn hái được chè phải đeo gùi trên lưng, leo núi mất nửa ngày. Chiếc bàn uống nước làm từ một khúc gỗ rừng có đến chục cái ấm khác nhau về kích thước, kiểu dáng, chất liệu. Xem ra, thú thưởng trà miền sơn cước cũng công phu lắm, chẳng kém cạnh các vùng miền khác. Đây bạch trà trắng như phủ tuyết, còn nguyên dáng lá cong cong, chồi búp mập mạp. Đây thanh trà mảnh mai hơn, đang nền nã bung tỏa trong lòng ấm đất nung. Ngoài bộ “trà cụ” bằng gỗ, tre, nứa và các loại ấm đất nung, sứ, sành... còn bày dăm chậu địa lan, sâm núi đang trĩu trịt nụ bông tím biếc, xanh ngọc. Chẳng biết có phải nhờ được “thưởng” hương trà thanh tao, thuần khiết mỗi ngày không mà đến địa lan, sâm núi, những loài cây vốn chỉ ưa bám rễ sâu vào mạch nguồn lại vẫn khỏe khoắn, xanh tươi mà kết hoa, kết nụ. Chỉ riêng chiếc bàn uống trà, đã thấy nguyên khí âm dương hòa hợp, người thưởng trà nhờ đó mà thanh thản, nhẹ nhõm hơn. Trà ngấm, chủ nhà từ tốn nâng chiếc chén nhỏ bằng hai tay mời khách, khách gọi vọng xuống bếp mời vợ ông lên thưởng trà. Người phụ nữ lúi húi dụi đôi mắt ướt vì khói bếp bước lên. Phụ nữ vùng này có nước da rất đẹp, lúc nào cũng căng nhức, ửng hồng, đôi gò má hơi lấm chấm tàn nhang, vết dấu nhọc nhằn nhưng cũng điểm tô cho vẻ đẹp của họ trở nên mặn mà, sâu thẳm. Trên đầu người phụ nữ Dao Áo Dài, tóc được búi gọn đằng gáy, phía trên vầng trán là vạt khăn quấn khéo léo như một vành mũ màu đỏ rực, những tua rua len màu xanh chấp chới phía trên. Vẻ đẹp ấy tựa bức họa chân dung nho nhỏ, có cánh hoa chuối rừng ôm những nhụy xanh non đang chờ ngày đậu quả trùm khẽ lên mái tóc đen mượt, còn trên cao kia, mái rêu xanh như tiếng vọng núi rừng.

Tản văn của LỮ MAI