Lý giải cơn sốt vàng tại Trung Quốc

Hơn bao giờ hết, người dân Quốc đang đổ xô mua vàng tích trữ trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ suy yếu, thị trường chứng khoán bất ổn và bất động sản đóng băng. Thậm chí, giới trẻ quốc gia tỷ dân đã xem vàng là vật làm quà thay cho những chiếc nhẫn kim cương trong lễ cưới của mình.

Emma Huang, 26 tuổi, một giáo viên dạy tiếng Trung tại trường tiểu học ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù những chiếc nhẫn kim cương có vẻ ngoài hấp dẫn, chúng tôi vẫn quan tâm hơn cả đến giá trị của vàng”. Cô và chồng sắp cưới quyết định mua trang sức bằng vàng từ nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Trung Quốc, Chow Tai Fook.

Từ tháng 1 đến tháng 11/2023, doanh số bán lẻ trang sức vàng và bạc tại Trung Quốc đã tăng 11,9% so với cùng kỳ. Ảnh: SCMP

Hiện tại, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức khiến người tiêu dùng nội địa khó có thể tiếp cận với các sản phẩm đầu tư nước ngoài, điều này khiến người dân dần chuyển sang lựa chọn vàng như một khoản đầu tư an toàn, bất chấp những tốn kém khi mua vàng miếng hoặc đồ trang sức tại các cửa hàng bán lẻ.

Fred Qu, giám đốc phát triển của một thương hiệu trang sức tập trung tại thị trường phía đông Trung Quốc, cho biết làn sóng mua vàng bán lẻ đặc biệt tập trung tại các thành phố cấp thấp, những quận ít phát triển hơn.

Ông cho biết thêm giá bất động sản tại các thành phố nhỏ sụt giảm đáng kể do nhu cầu giảm đã góp phần giúp vàng trở thành món đồ ưa chuộng của giới trẻ.

Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, mức tiêu thụ trang sức bằng vàng bình quân đầu người hàng năm tại các thành phố hạng ba trở xuống đã tăng từ 460,7 nhân dân tệ (65 USD) lên đến 617,5 nhân dân tệ (86,40 USD) vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6%.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng này đã vượt qua mức tăng tại các thành phố hạng nhất và hạng hai, cũng như mức trung bình trên toàn quốc.

Chuyên gia Zhuang Jinglun tại EqualOcean nhận định do đặc tính bảo toàn tài sản, vàng được nhiều nhà đầu tư định giá cao hơn so với các loại tài sản khác, nhất là trong thời kỳ thoái toàn cầu.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, doanh số bán lẻ trang sức vàng và bạc tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức tăng 7,2% của doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng nói chung.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trang sức đã tăng cường đầu tư vào những thành phố cấp ba và bốn.

CCTV cho biết dọc theo một con phố dài chưa đầy 200 mét ở Cù Châu, phía đông tỉnh Chiết Giang, có khoảng 15 cửa hàng trang sức mọc lên trong vòng 2-3 năm qua.

Theo báo cáo từ tháng 4 đến tháng 9 của Chow Tai Fook, việc mở rộng hoạt động tại các thành phố cấp thấp hơn phù hợp với chiến lược thương hiệu tổng thể của công ty.

Tính đến cuối tháng 9/2023, số điểm phân phối vàng tại Trung Quốc đã tăng lên 7.699 điểm, từ mức 3.835 vào tháng 3/2020. Trong đó, 45,5% điểm phân phối nằm tại các thành phố cấp ba và bốn trở xuống, tăng từ tỷ lệ 33,3% vào tháng 3/2017.

Báo cáo cho biết trang sức và sản phẩm vàng tiếp tục được ưa chuông bất chấp giá cả tăng mạnh, đồng thời tiết lộ thêm doanh thu từ trang sức và sản phẩm bằng vàng đã tăng 12,8% từ tháng 4-9/2023. Ngược lại, do nền kinh tế khó khăn khiến người dân phải hạn chế mua sắm, doanh thu từ đồ trang sức bằng đá quý, bạch kim đã giảm 18% trong cùng kỳ.

Chuyên gia Zhuang tại EqualOcean cho biết trong khi vàng có thể tái chế tốt, kim cương lại đang gặp khó khăn và có tỷ lệ mất giá cao.

Vào giữa tháng 9, giá bán lẻ vàng của các thương hiệu lớn, gồm Chow Tai Fook và Chow Sang Sang, đã tăng lên đến 600 nhân dân tệ (84 USD)/gram trước khi đạt đỉnh 630 nhân dân tệ (88,15 USD) vào cuối tháng 12.

Mặc dù đã giảm nhẹ trong hai ngày cuối năm 2023, giá vàng cũng đã dao động quanh mức 625 nhân dân tệ (87,45 USD) kể từ đầu năm 2024.

Tùng Lâm