Lưu giữ, quảng bá nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm An Giang

Ông Từ Thanh Khiến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành trao giải A cho đại diện đội văn nghệ quần chúng các xóm Chăm đạt thành tích xuất sắc trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm.

Ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Giang, Phó trưởng Ban Tổ chức Ngày hội cho biết, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang đã trở thành hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội có ý nghĩa tinh thần to lớn. Ngày hội không chỉ dành được tình cảm mến mộ, yêu thích của đồng bào Chăm tỉnh An Giang mà còn của cả cộng đồng các dân tộc trong và ngoài tỉnh.

Tất cả những đơn vị tham dự Ngày hội đã dành sự ưu tiên lớn nhất về kinh phí và con người, qua đó tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia thi đấu, biểu diễn ở các nội dung của Ngày hội đều có chất lượng cao, được tập dượt, sàng lọc kỹ lưỡng, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm An Giang, mang tính quần chúng phong phú, đa dạng, sáng tạo, độc đáo và lành mạnh.

Kết thúc Ngày hội, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Tư và 4 giải Khuyến khích ở nội dung ẩm thực và thể thao; 30 giải A, 21 giải B cho các xóm Chăm tham dự Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Đào Sĩ Tuấn, cả nước hiện có 396 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, riêng An Giang có 7 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và 2 Di tích quốc gia đặc biệt, 28 Di tích cấp quốc gia, 8 Bảo vật quốc gia, 1 Di sản Văn hóa thế giới... Trong đó, đồng bào Chăm tỉnh An Giang có hai Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” và “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm”. Đây là kho tàng, vốn văn hóa dồi dào, là niềm tự hào của mỗi người dân An Giang.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Đào Sĩ Tuấn khẳng định, thời gian qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đặc biệt, những nét văn hóa đa dạng, độc đáo của người Chăm Islam ở An Giang chứa đựng nhiều lớp văn hóa khác nhau. Những yếu tố văn hóa nội sinh, ngoại sinh đã được tích hợp, tiếp biến trong suốt tiến trình lịch sử di cư đã hình thành nên sắc thái văn hóa riêng, mang đậm tính chất địa phương, đã góp phần làm đa dạng và phong phú hóa những đặc trưng văn hóa và con người An Giang. Đặc trưng văn hóa này, thể hiện rõ nét nhất thông qua các nghi lễ tôn giáo, ẩm thực, trang phục truyền thống,… được cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang gìn giữ và bảo tồn suốt thời gian qua; trở thành một phần không thể thiếu trong cảnh văn hóa của tỉnh An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Đào Sĩ Tuấn chia sẻ: Với phương châm “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động", biến di sản thành nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh An Giang đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, nhằm tạo sức sống mới cho di sản, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ông Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang vui mừng cho biết, Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang năm 2024 được tổ chức liền sau Tháng ăn chay Ramadan của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Islam.

Ngày hội định kỳ 2 năm được tổ chức một lần. Đây là một hoạt động cộng đồng, kết nối, hội tụ khối đại đoàn kết các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đối với các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang nói riêng. Hơn nữa, đây cũng được xem là môi trường lưu giữ và quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Chăm Islam An Giang đến với đông đảo người dân và du khách gần xa.

“Tôi và cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và tỉnh An Giang. Thời gian tới, cộng đồng người Chăm An Giang sẽ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”, ông Haji Jacky cho biết.

Diễn ra từ ngày 17 đến 19/4, Ngày hội thu hút gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ, vận động viên, nhạc công, đại diện cho hơn 17.000 người dân tộc Chăm theo đạo Hồi Islam đang sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường tại 8 xóm Chăm trên địa bàn tỉnh An Giang.

Kết thúc Ngày hội, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Tư và 4 giải Khuyến khích ở nội dung ẩm thực và thể thao; đồng thời, trao 30 giải A, 21 giải B cho các xóm Chăm tham dự Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và Trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)