Lời hẹn ước năm xưa?

Ngôi chùa ở Đà Lạt, nơi Nhung vào tu - Ảnh: Kiều Vĩnh Lộc

- Nam Mô A Di Đà Phật!

- A Di Đà Phật! Chẳng hay thí chủ vào chùa lễ Phật, thăm vãn cảnh hay còn chuyện chi khác?

- Bạch Thầy, con từ Hà Nội vào đây đến chùa lễ Phật, sau nữa xin phép Thầy hỏi thăm về một Phật Tử tên là Lê Kim Nhung quê ở Tuyên Quang, vào tu ở chùa này hơn bốn năm rồi ạ!

- Vậy mời thí chủ vào phòng khách uống nước, nhà chùa sẽ trao đổi cụ thể!?

Lê Kim Nhung là đồng đội của chúng tôi. Nhung ít tuổi hơn nhưng lại nhập ngũ trước tôi. Chúng tôi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên của nhà nước, luyện quân tại huyện Phú Bình, Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên). Đơn vị huấn luyện: tiểu đoàn 74 thuộc sư đoàn 304b, Quân Khu Việt Bắc, lúc này Nhung đang làm nhiệm vụ nuôi quân ở đấy.

Nhung là một cô gái xinh đẹp, 18 tuổi học hết cấp ba thì tình nguyện tòng quân, sau thời gian huấn luyện, Nhung cùng 5 nữ quân nhân khác được cấp trên điều động về đây làm “anh nuôi”. Công việc phục vụ ăn uống cho gần hai trăm người (cả bộ khung huấn luyện và tân binh), lại sơ tán ở trong dân nên rất khó khăn, vất vả. Nhung là cô gái vừa đẹp người lại đẹp nết. Công việc tuy mệt nhọc nhưng lúc nào Nhung cũng tươi vui, hòa đồng, chân thành chia sẻ buồn vui, gian khó với mọi người. Ở cái tuổi mười tám đôi mươi, Nhung luôn toát lên vẻ rạng rỡ, thân hình vừa mềm mại, uyển chuyển lại vừa nhanh nhẹn, mạnh mẽ, gợi cảm nên được mọi người yêu quý, nhất là cánh lính Sinh Viên! Nhung có tâm hồn rộng mở, yêu thiên nhiên và hướng thiện, nhiều bài thơ em viết và ngâm trong những buổi liên hoan văn nghệ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người!

Đơn vị chúng tôi là đại đội điểm của tiểu đoàn. Quân số phần lớn là sinh viên đại học, số đông là đại học Xây Dựng, một số ít ở đại học Thông Tin Liên Lạc (nay là học viện Bưu Chính Viễn Thông), Mỏ Địa Chất, có một số cán bộ CNV ở các cơ quan nhập ngũ. Từ nền tảng đó nên kết quả luyện tập quân sự và các hoạt động khác như học chính trị, văn nghệ, làm báo tường…luôn được nhất tiểu đoàn. Ông chính trị viên nhận xét: “Lính sinh viên có khác, luyện tập ra tập luyện, chơi ra chơi, rất chất lượng”.

Trong số sinh viên đại học Xây Dựng, có Hoàng Minh Thiện, sinh viên năm thứ 3, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Thiện cao, to, hát hay, đàn giỏi. Những lúc nghỉ giải lao giữa các buổi tập, Thiện thường thổi kèn Harmonica những bài dân ca Nga mà thời đó chúng tôi rất thích. Trong những đêm văn nghệ Thiện và Nhung đều có những tiết mục rất hay, rất ấn tượng…Rồi tuổi trẻ mộng mơ đã đưa hai người đến gần nhau hơn. Trong luyện tập và công việc họ đều hoàn thành xuất sắc, luôn được tuyên dương trước đại đội. Họ cùng nhau hăng say trong các hoạt động ở đơn vị. Tuổi trẻ và tình yêu đã mang đến cho họ sức mạnh, lòng tin và bao điều kỳ diệu. Họ luôn ở bên nhau mỗi khi có thể !?

Sau ba tháng luyện quân, chúng tôi nhận lệnh vào chiến trường miền nam. Tạm biệt vùng quê, ở đó những người dân đã luôn coi chúng tôi như con em của họ. Tạm biệt núi Đót nơi thao trường chúng tôi luyện tập. Tạm biệt những cánh đồng, những lũy tre xanh, cây cầu, dòng sông…đồi Bạch Đàn, nơi chứng kiến những buổi hò hẹn, những lời tâm sự của đôi lứa yêu nhau…!!!

Thiện cùng đơn vị hành quân vào chiến trường, Nhung và bộ phận nuôi quân ở lại, chuẩn bị phục vụ đợt quân mới. Lúc chia tay, họ đã trao cho nhau lời ước hẹn: “Anh vào chiến trường vững tâm làm nhiệm vụ, Em sẽ đợi chờ ngày anh trở về!”.

Sau chiến thắng 30.4.1975, miền nam được giải phóng. Tháng 10.1975 tất cả sinh viên đang học ở các trường đại học được ra quân, trở về trường cũ tiếp tục học, Thiện cũng nằm trong số đó.

Nhung được chuyển ra học ở ngành Y. Nhung học rất giỏi. Với tài năng và sự tận tâm trong công việc, năm 1995 Nhung được cử đi dự thi cán bộ Y Tế giỏi toàn miền Bắc.

Ngôi chùa ở Đà Lạt, nơi Nhung vào tu - Ảnh: Kiều Vĩnh Lộc

Mấy chục năm sau chúng tôi mới liên lạc được với nhau. Tưởng rằng Thiện và Nhung với lời hẹn ước năm xưa đang ngập tràn hạnh phúc bên con cháu!? Nhưng không…!!! Tôi được biết vì nhiều lý do họ đã không cùng nhau nên vợ, nên chồng. Nhung miệt mài công việc ở bệnh viện để quên đi tất cả…!!!??? Rồi đến khi nghỉ hưu, Nhung quyết định vào Đà Lạt, tu ở một ngôi chùa, lặng lẽ trên đồi thông!?

Trong dịp vào Đà Lạt gần đây tôi đã tìm đến thăm Nhung. Nhà chùa cho tôi biết: “ Phật tử Lê Kim Nhung ở đây 4 năm, chiêm nghiệm và học Phật pháp chứ không xuất gia xuống tóc đi tu! Bà ấy đã trở về quê”. Nghe Sư Thầy nói vậy tôi thấy mông lung quá, trong lòng xao động làm sao!? Thương Nhung… thương người đồng đội vô cùng!

Về Hà Nội, tôi lập tức liên lạc với Nhung. Tuy chưa có điều kiện gặp nhau, nhưng em đã chia sẻ với tôi rằng: “ Nghỉ hưu em muốn đi tu để trải nghiệm cuộc đời, để hiểu tại sao lại như thế: DUYÊN NỢ CUỘC ĐỜI. Đôi lứa yêu nhau, ước hẹn đợi chờ, vậy mà trong chiến tranh họ không mất nhau, hòa bình anh ấy trở về nhưng duyên phận lại không để cho chúng em ở bên nhau, thật trớ trêu, thật buồn phải không anh!? Em vào chùa trong Đà Lạt tu được 4 năm, đủ tu lương em về nhà tu tại gia và chăm sóc mẹ già, thỉnh thoảng đến chùa để nghe Phật Pháp. Em muốn đi tu để tĩnh tâm xem xét cuộc đời và sống tốt hơn, sau bao năm bon chen kiếm sống. Vào chùa em học được nhiều điều hay lắm mà ngày xưa đâu có biết. Em thấy hạnh phúc khi đủ duyên lành để tu tại gia. Cuộc sống hiện tại của em An Lạc vô cùng anh ạ. Cảm ơn Trời Phật… Nam Mô A Di Đà Phật!”…

Nghe Nhung chia sẻ, tôi nhớ tới mấy câu thơ của Phan Tuấn Ngọc:

“ Em như hoa thắm giữa đời

Bâng khuâng, ngây ngất bao người say hương!

Bước chênh chao…cõi vô thường,

Không không, sắc sắc…hồn nương cửa thiền

Phải chăng tiền kiếp, tiền duyên…

A Di Đà Phật sáng niềm tin yêu!”

Chúng tôi đã hẹn Nhung một ngày gần đây sẽ đón em về Hà Nội, gặp mặt giao lưu cùng anh em trong đơn vị cũ nhân kỷ niệm 49 năm ngày nhập ngũ.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới lời của Nhung sau khi em đọc bài EM VẪN ĐỢI ANH VỀ tôi đăng trên fb ngày 10.7 vừa qua: “Hẹn thề chỉ một lời thôi / Rồi anh biền biệt phương trời xa xăm…”, em nói: " câu đó đúng với hoàn cảnh của em, đúng với tâm trạng của em quá"!

Câu nói của Nhung làm tôi càng thương em hơn. Đành rằng câu chuyện cũng đã qua đi gần nửa thế kỷ rồi, nhưng tôi hiểu: chuyện tình với lời hẹn ước năm xưa vẫn cứ bám theo em suốt cả cuộc đời! Âu đó cũng là số phận! Vợ Chồng còn là duyên số nữa mà!? Dù sao đây cũng là một kỷ niệm đẹp của thời tuổi trẻ trong cuộc đời quân ngũ của chúng tôi.

Bây giờ tôi chỉ còn biết cầu chúc cho em luôn được bình an!

Ngày 16 tháng 7 năm 2021 - KVL

Theo Trái tim người lính

Kiều Vĩnh Lộc